Thi bằng lái xe đã thực sự khó
Tỷ lệ thí sinh trượt sát hạch GPLX cả lý thuyết và thực hành ở các trung tâm hiện nay khoảng 40%, trong khi trước đây chỉ 20-30%. Theo các chuyên gia, để tránh bị trượt sát hạch, các học viên không có cách nào khác là phải nghiêm túc rèn luyện và tăng cường trau dồi kỹ năng.
Khoảng 40% thí sinh trượt sát hạch lái xe ô tô
Chị Phan Thu Hương (SN 1976, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) vừa tham gia khóa sát hạch lái xe ô tô và đạt “kỷ lục” khi phải trải qua 6 lần thi lên thi xuống mới vượt qua. Chia sẻ với PV, chị Hương cho biết: “Trước cứ nghe mọi người nói thi là đỗ, tỷ lệ trượt rất ít nhưng giờ đi thi mới thấy, vượt qua kỳ sát hạch lái xe không hề đơn giản. Nội dung thi có thêm bài thi mới nên độ khó và khả năng bị trừ điểm tăng lên, sơ sảy là bị trượt ngay”.
Theo ông Trần Văn Toản, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (tỉnh Bắc Ninh), từ khi có thêm bài thi “ghép xe ngang” và chấm điểm sát hạch tự động đường trường, tỷ lệ thí sinh trượt tại trung tâm tăng lên mức 40% so với khoảng 30% trước đây.
Còn theo ông Trần Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Học viện An ninh nhân dân (C500), tỷ lệ học viên bị trượt tại trung tâm này cũng tăng lên từ 5-10% sau khi có thêm hai nội dung mới. Theo ông Giang, tỷ lệ trượt như trên là chuyện bình thường vì ở các nước, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều.
“Việc học lái xe là để giúp các học viên lái được xe và đảm bảo an toàn cho chính mình. Vì thế, thi càng khó, các học viên càng phải nâng cao kỹ năng của mình và điều đó càng tốt cho chính họ khi lái xe trên đường”, ông Giang nói.
Cũng theo ông Giang, toàn bộ quá trình sát hạch lý thuyết, từ khâu thi Luật GTĐB, chấm điểm bằng máy và in bài ra đều được giám sát bằng hệ thống camera. Phần thi thực hành đến đâu chấm điểm tự động đến đấy, thí sinh trượt hay đỗ đều biết ngay nên không thể có chuyện này, chuyện kia.
Theo ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN), từ khi sát hạch người lái xe trên đường trường, tỷ lệ trượt tăng thêm 5-10% so với trước đây. Ngoài ra, trong nội dung thi có bài mới là “ghép xe ngang”, tỷ lệ không hoàn thành phần thi này khoảng 25%. Tính chung tỷ lệ thí sinh trượt sát hạch GPLX cả lý thuyết và thực hành ở các trung tâm hiện nay khoảng 40%, trong khi trước đây chỉ 20-30%. Theo ông Quân, tỷ lệ trượt như vậy phản ánh đúng thực tế, sau khi có thêm các bài thi mới.
Chưa cần tăng thời gian đào tạo
Lý giải những nguyên nhân khiến tỷ lệ trượt tăng lên, theo ông Trần Văn Toản, thường là do người học tập lái qua loa và chủ quan, có những lỗi không phải do không biết lái xe mà là kỹ năng điều khiển, kể cả những người đã lái xe nhiều năm vẫn trượt thi sát hạch. Bên cạnh đó, việc sát hạch tự động trên đường trường giúp hình thức này được làm nghiêm túc hơn. “Trước đây, người thi chỉ cần lái được vài ba trăm mét trên đường trường là giáo viên có thể cho đỗ. Từ ngày 1/7, người thi phải đi đủ 2km trên đường, được thiết bị chấm tự động qua bốn bài thi: Xuất phát, tăng, giảm số và kết thúc. Trong quá trình thi có tối đa 15 lỗi, mỗi lỗi sẽ bị trừ 5-10 điểm”, ông Toản cho biết.
Cho rằng việc sát hạch đường trường tự động là cần thiết nhằm tăng cường công khai, minh bạch, khách quan trong quá trình sát hạch lái xe ôtô, ngăn chặn hành vi tiêu cực nhưng ông Trần Hoàng Giang cũng cho biết, hình thức này không phải không có vấn đề bất cập bởi khi chấm điểm tự động, thiết bị “bắt lỗi” học viên một cách máy móc, đôi khi không sát với thực tế. “Chẳng hạn khi học viên thực hiện bài thi tăng tốc. Khi cho xe đạt tốc độ quy định bất ngờ có phương tiện trồi ra đường. Lúc đó, học viên bắt buộc phải giảm tốc độ, phanh gấp, có khi lại bị trừ điểm”, ông Giang nói.
Về việc thi khó hơn có cần tăng thời gian đào tạo, ông Giang cho rằng: “Thời gian đào tạo như vậy đủ để giúp học viên được đào tạo thuần thục. Vấn đề chỉ là học viên có học nghiêm túc, đảm bảo “giờ bay” và chịu khó rèn luyện hay không. Để đảm bảo tỷ lệ đỗ cao hơn, trung tâm chúng tôi cũng đã yêu cầu các giáo viên tăng cường trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu học viên tham gia khóa học nghiêm túc hơn”.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, với việc tăng cường các bài thi như trên, học viên không có cách nào khác là phải thực hành thuần thục các kỹ năng cần thiết. Cần lưu ý, bài thi sát hạch lái xe không chỉ có lý thuyết mà yêu cầu cao về thực hành. Việc thuần thục các kỹ năng sẽ giúp người lái xe bảo vệ an toàn cho bản thân và xã hội khi tham gia giao thông.
CATP Hà Tĩnh