Thị thực điện tử - Bước đột phá cải cách hành chính trong quản lý xuất nhập cảnh
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 30/2016/QH14, ngày 22-11-2016 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo đó, giao Chính phủ thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 1-2-2017.
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2017/NĐ-CP, ngày 25-1-2017 quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Theo Nghị định của Chính phủ, người nước ngoài là công dân của 40 quốc gia đến Việt Nam có thể truy cập trang thông tin cấp thị thực điện tử để khai thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử, tải ảnh và trang nhân thân hộ chiếu theo mẫu.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, trả lời người đề nghị cấp thị thực điện tử tại trang thông tin điện tử.
|
Sau 06 tháng triển khai thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 29-11-2017, bổ sung 6 nước vào danh sách các quốc gia có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử, đưa tổng số các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử Việt Nam lên 46 quốc gia.
Có thể khẳng định, chủ trương thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là bước đột phá về cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh. Ngay sau khi chủ trương này được thực hiện đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở cả trong và ngoài nước.
Dư luận đều đánh giá thủ tục đề nghị cấp thị thực điện tử của Việt Nam đơn giản, nhanh chóng, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, nhất là những người chưa có điều kiện liên hệ với cơ quan, tổ chức ở trong nước. Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, khách du lịch nước ngoài sẽ dễ dàng đến Việt Nam với chính sách cấp thị thực điện tử.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, những người làm du lịch cả nước rất đồng tình, hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công an trong việc đề xuất chủ trương thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Nhiều cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao chính sách cấp thị thực điện tử của Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch cũng khẳng định, việc áp dụng thị thực điện tử là một bước tiến quan trọng trong tiến trình thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 30/NG-QH14 của Quốc hội và Nghị định số 07/2017/NĐ-CP của Chính phủ, tính đến ngày 15-10-2018, đã có 336.932 lượt người nước ngoài được cấp thị thực điện tử, trong đó có đến 97% số người tự làm thủ tục, không cần thông qua các cơ quan, doanh nghiệp mời, bảo lãnh.
Các nước có nhiều người đề nghị cấp thị thực điện tử là: Hoa Kỳ (85.734 lượt người), Australia (48.260 lượt người), Anh (36.157 lượt người), Pháp (25.768 lượt người), Đức (22.352 lượt người)... Công dân 13 nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực (thời hạn 15 ngày) lựa chọn đề nghị cấp thị thực điện tử (thời hạn 30 ngày) chiếm tỉ lệ cao (35%).
Từ đầu năm 2018 đến nay, số lượng thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài tăng nhanh, tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã có 139.612 thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài, tăng 273% so với cùng kỳ năm 2017.
Cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh thể hiện sự đổi mới, cải cách mạnh mẽ về thủ tục xuất nhập cảnh của Việt Nam và đạt dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (cấp độ cao nhất) theo quy định của Chính phủ.
Việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã tạo hiệu ứng tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng và an ninh của đất nước.
Cùng với việc đổi mới, cải cách hành chính mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, thủ tục cấp thị thực điện tử đơn giản, thuận tiện đã góp phần thu hút người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, đầu tư,... Năm 2017, có 13.015.369 lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, tăng 30% so với năm 2016. 6 tháng đầu năm 2018 đã có 8.239.616 lượt người nước ngoài nhập cảnh.
Đối với ngành du lịch, thị thực điện tử được xem như “cú hích”, tạo bước ngoặt quan trọng, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, đồng thời quảng bá Việt Nam là điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam của Chính phủ đã đánh giá: Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chủ trương đúng đắn.
Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của Đảng và Nhà nước.
Cấp thị thực điện tử không chỉ là xu hướng phổ biến trên thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, mà còn phù hợp chủ trương của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Với kết quả đã đạt được, đặc biệt là những hiệu ứng tích cực được tạo ra từ việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong gần 02 năm qua là những minh chứng cho thấy việc tiếp tục thực hiện chính sách này là rất cần thiết.
Đại tá Trần Quang Tám, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh
CATP Hà Tĩnh