Thị trường lao động Nhật Bản (bài 1): Nông dân Hà Tĩnh “chinh phục” núi cao!
Đưa ra mức đãi ngộ cao nên Nhật Bản có nhiều đòi hỏi khắt khe về chất lượng lao động, ngay cả đối với những lao động được đào tạo chuyên sâu, có tay nghề. Vậy mà những năm gần đây, nhiều hội viên, nông dân ở Hà Tĩnh đã xuất ngoại sang Nhật Bản thành công.
Thị trường khó…
Nhật Bản được biết đến là một thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) khó tính. Trước đây, ngay cả những lao động có tay nghề, trình độ cao vẫn rất khó để đi XKLĐ ở đất nước này.
Các chương trình tư vấn XKLĐ Nhật Bản được đông đảo nông dân Hà Tĩnh quan tâm, tham gia.
Bà Võ Thị Khánh Long - cán bộ Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh cho biết: Nhật Bản là thị trường khó tính, khắt khe, yêu cầu cao đối với người lao động. Khi lựa chọn lao động, hầu như các nghiệp đoàn Nhật Bản đều trực tiếp sang Việt Nam phỏng vấn từng người. Thời gian học tập đối với lao động khá dài (trung bình khoảng 6 tháng).
Bên cạnh đó, chi phí người lao động phải bỏ ra để chi tiêu trong thời gian làm thủ tục và học tập tương đối cao. Đây không chỉ là những rào cản lớn cho lao động Hà Tĩnh nói riêng mà còn là khó khăn chung cho người lao động cả nước.
“Ngoài ra, để sang Nhật làm việc, các lao động phải là một công dân trong sạch (chưa từng có bất kỳ một tiền án, tiền sự nào – PV). Về độ tuổi, thị trường này cũng rất khắt khe, thường thì họ chọn lao động trong độ tuổi từ 18 – 32. Tuy nhiên, cũng có một số đơn hàng có thể lấy lao động tối đa khoảng 35 tuổi như: Xây dựng, may mặc, cơ khí.
Để có thể sang Nhật Bản làm việc thì sức khỏe của lao động cần đáp ứng được các tiêu chí như: Đạt chiều cao/cân nặng tối thiểu: 1m58/45 kg đối với nữ và 1m65/55 kg đối với nam; không mắc các bệnh truyền nhiễm; không được có hình xăm trên cơ thể; không có dị tật” - bà Võ Thị Khánh Long cho biết thêm.
Thực tập sinh điều dưỡng được sang Nhật Bản làm việc là cơ hội tốt để nâng cao tay nghề và thu nhập
Anh Trương Quang Hiếu (34 tuổi, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê) nhớ lại: “Cách đây gần 10 năm, tôi cùng 2 người bạn khác có nguyện vọng sang Nhật Bản làm việc. Sau nhiều lần kết nối với nhiều trung tâm, doanh nghiệp hỗ trợ đi Nhật XKLĐ để phỏng vấn, tôi vẫn không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng Nhật Bản”.
... thu nhập cao
Mặc dù khó khăn, nhưng những năm qua, hàng chục nông dân chân lấm tay bùn ở Hà Tĩnh với sự giúp sức của Hội Nông dân tỉnh nhà đã xuất ngoại thành công, mang về nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Có thể khẳng định, Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về việc giúp đỡ, hỗ trợ nông dân đi XKLĐ tại Nhật Bản.
Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh tổ chức tư vấn việc làm và xuất khẩu lao động tại Nghi Xuân.
Ông Nguyễn Tiến Anh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh thông tin: Những năm trước đây, mặc dù nhiều nông dân có nhu cầu đi Nhật Bản nhưng có khá ít lao động được tiếp nhận. Thời gian gần đây, thị trường có nhiều thông thoáng hơn và đặc biệt là Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm mới để giúp người nông dân sang Nhật Bản làm việc.
Nhờ đó, nhiều nông dân đi XKLĐ sang Nhật đã có thu nhập cao, ổn định. Đặc biệt, người lao động được học tập, rèn luyện nâng cao các kỹ năng, thái độ làm việc, được tiếp cận với KHKT tiên tiến, hiện đại để sau khi trở về có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm.
Theo đó, 5 năm qua, đã có trên 100 lao động là hội viên, nông dân sang Nhật Bản làm việc qua sự kết nối của Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh. Các địa phương như Kỳ Anh, Đức Thọ… mỗi huyện có trên 20 lao động sang Nhật Bản theo chương trình của hội nông dân.
Chị Bùi Thị Phương ở xã Gia Hanh, Can Lộc (hiện đang làm việc trong một cơ sở sản xuất tấm kim loại miếng tại tỉnh Ibaraki thuộc vùng Kanto, Nhật Bản) phấn khởi khoe: "Sau thời gian học tiếng Nhật và một số kỹ năng lao động, tôi đã được làm việc tại Nhật Bản. Công việc mang lại cho tôi thu nhập rất khá. Mỗi tháng trừ tiền ăn ở, tôi tích góp được hơn 20 triệu đồng gửi về gia đình.
Sau hơn 1 năm làm việc chăm chỉ, tôi đã có thể trả khoản vay ngân hàng và để dành được hơn 100 triệu đồng. Ở đây, người lao động như chúng tôi được coi trọng, được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ và được quan tâm, nhất là về sức khỏe và các chế độ bảo hiểm".
Nông dân Trần Văn Dũng (phụ huynh của em Trần Thị Thực) phấn khởi khi có con đi XKLĐ Nhật Bản với mức thu nhập ổn định.
Ông Trần Văn Dũng (thôn Xuân Hải, xã Thạch Bằng, Lộc Hà) - bố của em Trần Thị Thực hiện đang làm điều dưỡng tại Nhật Bản tâm sự: Tháng ít nhất Thực gửi về 23 triệu đồng, hiện đã trả được khoản nợ 100 triệu đồng vay làm thủ tục xuất ngoại trước đó. Ngoài ra, Thực còn tiết kiệm được gần 100 triệu đồng để sau này về quê lập nghiệp.
Thấy Thực làm việc trong môi trường tốt, lương cao, gia đình còn dự định đưa em gái theo chị sang Nhật Bản làm việc...
(Còn nữa...)
CATP Hà Tĩnh