Thiết thực cải thiện môi trường đô thị
Hơn 200 cây bàng lá nhỏ đã được trồng bên dưới tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đoạn từ Hoàng Cầu đến Yên Lãng (Đống Đa, Hà Nội) trong những ngày vừa qua. Việc trồng cây dưới tuyến đường sắt đô thị nhằm xanh hóa các mảng bê tông xám xịt là hình ảnh thường thấy ở nhiều thành phố lớn trong khu vực và thế giới. Các chuyên gia về cây xanh khẳng định, việc trồng loại cây này hoàn toàn phù hợp với đô thị, sẽ được đơn vị quản lý cây xanh chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên để bảo đảm phát triển tốt, hài hòa với cảnh quan.
Công trình an toàn, đường phố thêm xanh
Sau thời gian dài xây dựng, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, đoạn qua phố Yên Lãng đã hình thành, tạo ra một diện mạo mới cho tuyến phố này. Những ngày gần đây, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã trồng thêm hơn 200 cây bàng lá nhỏ (còn có tên là cây chiêu liêu) nhằm tạo thêm màu xanh cho phố Yên Lãng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 2-10, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Thủ đô cũng như cả nước. Vì vậy, tất cả các vấn đề có liên quan, trong đó có việc trồng cây dưới đường sắt rất mới mẻ và được dư luận quan tâm. Ông Nguyễn Xuân Hưng giải thích, việc chọn trồng cây bàng lá nhỏ được thực hiện đúng theo kế hoạch của Sở Xây dựng về chủng loại cây. Căn cứ quy định hiện hành, đây là cây thuộc danh mục những cây xanh đô thị được Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng lựa chọn. Trong thời gian chăm sóc, bảo dưỡng, công ty sẽ thực hiện cắt tỉa và khống chế chiều cao của cây nhằm tạo cảnh quan phù hợp nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến tuyến đường sắt trên cao.
Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, bàng lá nhỏ đã được trồng tại nhiều tuyến đường của Hà Nội như: Đường Võ Chí Công, Trần Quang Khải, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Khánh Toàn, Đào Tấn… tạo thêm bóng mát và cảnh quan đẹp cho Thủ đô Hà Nội. Khi tán cây phát triển và xòe rộng theo hình tháp, sẽ góp phần xanh hóa những chân cầu bê tông màu xám đơn điệu. Thực tế tại đô thị của nhiều quốc gia phát triển như: Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore… cây xanh cũng được trồng bên dưới các tuyến đường sắt, tạo nên khung cảnh đẹp mắt và góp phần cải thiện môi trường xanh cho đô thị.
Lý giải thêm thông tin về việc phải chặt hạ nhiều cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi khi xây dựng chính tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trong khi lại trồng mới cây xanh tại phố Yên Lãng, ông Nguyễn Xuân Hưng cho biết, xà cừ là cây lâu năm, có độ cao 20-25m và đường kính thân cây khá lớn. Độ cao của cây đã vượt tầm cao, lại nằm trong hành lang an toàn của tuyến đường sắt, vì vậy buộc phải chặt hạ để phòng ngừa nguy cơ sự cố. "Thử hình dung, một đoàn tàu đang vận hành bị cây gãy, đổ vào, không ai lường trước được hậu quả. Còn việc trồng thêm cây bàng lá nhỏ là nhằm mục đích phủ xanh gầm đường sắt trên cao, sau khi đã được cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ lưỡng" - ông Nguyễn Xuân Hưng giải thích.
Liên quan tới giống cây đang được trồng bên dưới tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển giống cây trồng Hà Nội cho biết, việc lựa chọn cây bàng lá nhỏ là phù hợp. Thực tế, bàng lá nhỏ có tán rộng, phân tầng, nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng tới tầm nhìn của người dân khi tham gia giao thông. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Lân Hùng - một chuyên gia về nông nghiệp cho rằng, bàng lá nhỏ là cây thân gỗ, có tán đẹp, phù hợp với đô thị. So sánh giữa xà cừ và bàng lá nhỏ có thể thấy, xà cừ thân to, cao, tán um tùm, dễ bị đổ khi mưa, bão; còn bàng lá nhỏ thân nhỏ, đường kính 10-20cm, tán xếp tầng, chống chịu tốt với nền nhiệt độ cao và gió lớn, phù hợp với khí hậu của Hà Nội.
Tiếp tục làm cho thành phố xanh hơn
Chủ trương tăng màu xanh trên các tuyến phố của Hà Nội đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân. Việc trồng thêm cây bàng lá nhỏ dưới tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cũng không ngoại lệ. Bà Nguyễn Thị Minh, sống tại phố Hoàng Cầu cho rằng, một thời gian ngắn nữa những cây bàng ra tán, gầm đường sắt sẽ được phủ xanh, giảm bớt sự nặng nề của bê tông. Quan trọng hơn, cây xanh sẽ giúp không khí bớt ô nhiễm và tạo ra không gian thân thiện, gần gũi với thiên nhiên. Nguyễn Hồng Anh, sinh viên Nhạc viện Hà Nội cũng cảm thấy vui khi có thêm hàng trăm gốc bàng lá nhỏ được trồng trên phố Yên Lãng. “Ngày nào em cũng đi học qua tuyến đường này. Em hy vọng có thêm cây được trồng, đường phố ngày càng xanh hơn, đẹp hơn" - Nguyễn Hồng Anh chia sẻ suy nghĩ.
Cho rằng Hà Nội đang rất thiếu những mảng xanh, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng đề nghị, nếu tận dụng được bất cứ không gian nào để trồng thêm cây thì phải làm ngay. Đặc biệt, cây trồng dưới các tuyến đường sắt trên cao còn có tác dụng bão hòa tiếng ồn và thu hút bụi, giảm thiểu ô nhiễm cho không gian xung quanh. Dưới góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam lại cho rằng, nên trồng thêm cây cảnh, hoa, thảm cỏ dưới gầm đường sắt. Đặc biệt, tại những tuyến phố còn thiếu điểm vui chơi, nên tận dụng không gian này để tạo thêm tiện ích đáp ứng nhu cầu của người dân. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, gầm đường sắt còn được xây dựng thành sân chơi, vườn hoa, công viên mini. Phương án này cũng nên được các cơ quan chức năng nghiên cứu, dựa trên ý kiến chuyên môn của các nhà khoa học trong lĩnh vực này.
CATP Hà Tĩnh