Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Thông tin giả, hậu quả thật

Có người chua xót nói rằng, ai cũng là một nạn nhân dự bị của mạng xã hội. Điều đó khá chính xác, ngày nay con người có khả năng bị cưỡng đoạt danh dự quá dễ dàng khi xuất hiện tin giả liên quan trên mạng, và những vụ việc ồn ào luôn thu hút được sự chú ý vượt mọi tầm kiểm soát.

Thức dậy với tin đồn Cách đây không lâu, khi thức dậy vào buổi sáng, một kỹ sư tin học ở phía Nam phát hiện trước cửa nhà bị ném đầy chất bẩn. Anh bắt tay dọn dẹp trong sự hoang mang lo lắng tột cùng bởi trước nay gia đình không có hiềm khích với ai. Hàng phố bắt đầu xì xào và có người không ngần ngại công khai chửi rủa gia đình anh, miệt thị người vợ và cả hai đứa con nhỏ. Anh chàng kỹ sư không hề hay biết rằng khi cả gia đình đang ngủ ngon, thì trên mạng xã hội đang lan truyền đầy đủ thông tin cá nhân của anh vì trước đó không xa xảy ra nghi án một thầy giáo dạy tin học nào đó có hành vi dâm ô với trẻ con. Đám đông hung hãn không cần biết nghi phạm là ai, họ dựa vào tin giả của một kẻ dã tâm cố tình bịa đặt và tung lên mạng đầy đủ địa chỉ, hình ảnh  gia đình anh để chửi bới, xúc phạm bằng những lời lẽ kinh khủng. Bi kịch đến mức 2 đứa trẻ nhỏ đi học cũng bắt đầu bị bạn bè xỉa xói, bắt nạt bởi những tin đồn không có thật về người cha của chúng. Sau này việc đã qua anh mới kể lại sự hoảng sợ đến với họ căng thẳng như thế nào. Vợ bỏ công việc đến trường đón hai đứa trẻ bỏ trốn. Anh ở lại lúng túng xoay sở với tình hình. Một tuần sau đó, báo chí đưa thông tin đầy đủ cơ quan chức năng đã bắt được kẻ dâm ô, chàng kỹ sư được minh oan nhưng không có ai xin lỗi anh ta cả, bởi đó là đám đông bị dắt mũi bởi tin giả. Họ lại tự biện minh cho bản thân và dành một khoảng lùi để tự tha thứ cho mình. Kết nối, giao lưu và… tin giả Theo một số liệu mới đây của một công ty sở hữu mạng xã hội thì hiện nay số lượng người Việt Nam sử dụng mạng xã hội này lên tới con số hơn 40 triệu tài khoản. Có thể nói đây là con số rất đáng kinh ngạc so với lượng người dùng toàn thế giới là khoảng 3,3 tỷ người chiếm 43% dân số thế giới. Ấn Độ là nước có số lượng người dùng cao nhất thế giới. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7. Mạng xã hội trở thành công cụ kết nối, giao lưu, chia sẻ thông dụng đến mức giờ đây khi làm quen người ta lại thường có xu hướng hỏi xin nhau tên tài khoản thay vì đưa số điện thoại. Thế nhưng kỹ năng “sống” trên mạng xã hội đối với rất nhiều người có thể nói là khá ngây thơ gây ra nhiều hệ lụy, nhất là thông tin đời tư cá nhân. Công nghệ tạo tin giả cũng được nâng cấp, sự lừa dối được bọc gói kỹ càng hơn. Ví dụ rất nhiều các fanpage trên mạng Facebook được đầu tư bài bản trong việc sản xuất tin tức rất đáng tin cậy, nhân văn và rồi một thời điểm nào đó “kẹp” lẫn lộn trong đó tin giả có chủ đích, có thể nhận ra đó mới là mục đích họ mong muốn. Để giải thích, phân tích, thanh minh hay trần tình một sự thật, một vấn đề đúng sai với đám đông đã bị “ngộ độc” thông tin dường như là điều không thể. Ở một khía cạnh khác khi nhiều tờ báo, trang tin điện tử cạnh tranh nhau từng phút từng giây từng mẩu tin, không ít phóng viên đã luôn bám vào những sự kiện được thông tin trên mạng xã hội và coi đó như một nguồn tin để sản xuất tin bài. Đây là một điều nguy hại khôn lường bởi mật độ tin giả, hoang tin tràn lan trên mạng. Theo vô số nghiên cứu về nhân chủng học thì con người về cơ bản là thích hóng chuyện và đều có nhiệt tâm chia sẻ tin đồn. Sử gia Mitchell Stephens nói: “Nhân loại đã liên tục trao đổi tin tức, xuyên suốt mọi lịch sử và trải qua các nền văn hóa…”.

Tin tức thỏa mãn khát vọng căn bản của con người, là nhu cầu nội tại, là bản năng. Loài người muốn biết những gì đang xảy ra bên ngoài kinh nghiệm trực tiếp của mình. Và khi họ được biết những biến cố không tự nhìn thấy sẽ lại tạo ra một “khoái cảm” thông tin hoặc một cảm giác an toàn. Suy đoán vô tội Trong một ví dụ khác về sự ác ý của tin giả, mới đây khi Phó chủ tịch UBND Hà Nội đi thăm hỏi những nạn nhân được cấp cứu sau sự cố xảy ra tại Đêm nhạc điện tử Công viên nước Hồ Tây. Sau vài ngày đồn đoán về các nạn nhân và một tờ báo vô tình đăng tải đầy đủ họ tên của họ. Ngay lập tức trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin quy kết một trong số nạn nhân đó là con gái của một vị bộ trưởng. Có thể thấy rõ thông tin giả này có mục đích vô cùng ác ý. Họ chế ảnh rồi đăng lan tràn và tất nhiên kèm cả những lời chửi bới tưởng chừng như không thể dừng lại. Sự ra đời của mạng xã hội đã và đang tạo thành cuộc cách mạng thông tin thực sự. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra không ít ảnh hưởng tiêu cực bởi nguy cơ chi phối, lấn át về thông tin. Có thể nhận thấy  trong nhiều trường hợp báo chí chính thống cũng bị truyền thông xã hội vượt mặt trong việc cung cấp thông tin đến độc giả. Mạng xã hội ngày càng nâng cao khả năng “truyền thông”, khiến báo chí mất dần vị thế “độc quyền” trên phương diện này. Thậm chí có lúc mạng xã hội lấn át cơ quan báo chí về độ nhanh nhạy, cập nhật thông tin và cả sự quan tâm của độc giả. Chính bởi vậy, chúng ta đang thực sự đối diện nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi tin tức giả mạo. Thông tin trên mạng xã hội mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, có động cơ, mục đích không rõ ràng, thậm chí là với mục đích xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để gây hoang mang, lôi kéo sự chú ý. Hiện nay một số mạng xã hội đã bắt đầu có chiến dịch thanh lọc và xóa bỏ hoàn toàn những tài khoản thường xuyên tung tin giả. Đây là một động thái cần thiết. Chỉ cần vài tuần tập luyện lái xe, hầu hết đều có thể đạt được kỹ năng cần thiết đủ điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhưng mạng xã hội thì không cho phép sự rèn luyện nào cả. Ai cũng như người mới bắt đầu khi phải tiếp cận quá nhiều tin tức giả ác ý chầu chực “dắt mũi” cư dân mạng. Nếu là một người sử dụng mạng xã hội, nên chọn lọc tin tức từ những nguồn có độ xác tín cao và luyện tư duy “suy đoán vô tội” cho những câu chuyện đậm màu sắc ly kỳ.

CATP Hà Tĩnh