Thủ tướng Chính phủ kêu gọi chung tay bảo vệ môi trường
Vì sự phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống bình yên và sức khỏe của nhân dân, của mỗi gia đình và tương lai các thế hệ mai sau, Thủ tướng kêu gọi các Bộ, ngành, các cấp, các đoàn thể, mỗi doanh nghiệp, mỗi gia đình, mỗi người dân cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường từ mỗi hành động nhỏ nhất, nỗ lực xây dựng đất nước Việt Nam xanh - sạch - đẹp, thân thiện trong con mắt bạn bè thế giới.
Thời gian vừa qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường bùng phát, xảy ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống và an ninh trật tự xã hội. Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn quốc đã có trên 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong xã hội, đặc biệt là sự cố môi trường nghiêm trọng ở ven biển 4 tỉnh miền Trung là bài học lớn cho các bộ, ngành, địa phương.
Cả nước vẫn còn tới 25% số khu công nghiệp và 95% số cụm công nghiệp chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; tình trạng xả thải không qua xử lý ra môi trường là rất nghiêm trọng; còn hơn 300 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để. Ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, tại các làng nghề, các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, khu chăn nuôi tập trung, điểm giết mổ gia súc, gia cầm… là rất nghiêm trọng.
6 giải pháp nâng cao chất lượng môi trường
Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân; tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém trên; thực hiện nghiêm, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tạo chuyển biến căn bản trong phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát ô nhiễm, phục hồi và nâng cao chất lượng môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.
Thứ nhất, xác định rõ bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình và mọi người dân.
Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư. Kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường; cấm nhập khẩu công nghệ lạc hậu, triển khai các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Thứ hai, thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Trong đó, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương và người đứng đầu. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về các vấn đề môi trường trong phạm vi quản lý. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở đâu thì Chủ tịch UBND ở đó phải chịu trách nhiệm.
Làm rõ trách nhiệm tổ chức và cá nhân, thực hiện đúng và tuân thủ nghiêm trách nhiệm về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư theo nguyên tắc: (i) Cơ quan phê duyệt phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường của dự án đầu tư; (ii) Cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm về loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất, không để gây ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho bảo vệ môi trường.
Nguồn vốn Ngân sách nhà nước tập trung giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân và xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo về môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường.
Có giải pháp phù hợp thu hút mạnh đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào hoạt động xử lý chất thải, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường; phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường.
Thứ tư, rà soát, chấn chỉnh, tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp bảo vệ môi trường (đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở đang hoạt động, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính).
Tập trung hoàn thành Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trước năm 2020.
Thứ năm, tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, xử lý chồng chéo, vướng mắc, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố khẩn cấp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường theo hướng không báo trước, đảm bảo tính khách quan, hiệu quả, giám sát chặt chẽ, đúng tình trạng xả thải của doanh nghiệp; phối hợp với UBND tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cảnh báo nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương có chương trình thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật, chế tài xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến từng doanh nghiệp và mỗi người dân.
CATP Hà Tĩnh