Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về đề án tăng cường cán bộ biên phòng ở xã biên giới
(Baohatinh.vn) - Đó là nội dung xuyên suốt của buổi làm việc củaThường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh về việc cho ý kiến vào dự thảo Đề án “Chỉ định cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy huyện, thị xã và tăng cường cán bộ biên phòng làm phó bí thư đảng ủy các xã biên giới nhiệm kỳ 2020 - 2025” vào sáng nay (3/12).
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng; các ủy viên BTV Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; huyện, thị có đường biên giới.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chủ trì buổi làm việc
Theo dự thảo đề án, trong 5 năm tới, BĐBP Hà Tĩnh sẽ chỉ định một số đồn trưởng hoặc chính trị viên đồn biên phòng tham gia cấp ủy các huyện, thị xã và tăng cường cán bộ biên phòng về làm phó bí thư đảng ủy các xã biên giới.
Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP đề nghị một số đảng bộ cấp huyện cơ cấu tăng thêm mỗi nơi 1 cấp ủy cho đồn trưởng hoặc chính trị viên các đồn biên phòng trên địa bàn. Cụ thể: Hương Sơn (Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo), Hương Khê (Đồn Biên phòng Bản Giàng), Nghi Xuân (Đồn Biên phòng Lạch Kèn), Lộc Hà (Đồn Biên phòng Cửa Sót), thị xã Kỳ Anh (Đồn Biên phòng Đèo Ngang), huyện Kỳ Anh (Đồn Biên phòng Kỳ Khang).
Đại tá Võ Trọng Hải - Giám đốc Công an tỉnh: Việc tăng cường cán bộ biên phòng về cơ sở là rất tốt, vì ngoài giúp các địa phương biên giới tăng cường bộ máy, ổn định tình hình, phát triển KT-XH, còn giúp BĐBP đào tạo cán bộ, khẳng định được vai trò, vị thế của mình. Vì vậy phải làm sớm, cẩn trọng, nhất là việc lựa chọn nhân sự.
Cũng theo dự thảo đề án, BĐBP Hà Tĩnh đề nghị được chỉ định thêm 9 cán bộ ở các đồn biên phòng về tham gia cấp ủy các xã, giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy xã gồm: Sơn Hồng, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 (Hương Sơn); Hương Vĩnh, Hương Lâm, Hương Liên (Hương Khê); Xuân Hội (Nghi Xuân); Kỳ Hà, Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh).
Theo Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP Hà Tĩnh, đề án được xây dựng dựa trên căn cứ pháp lý hiện hành, tham khảo mô hình đã được triển khai ở một số tỉnh bạn; tính toán căn cơ từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương biên giới cũng như lực lượng BĐBP trong thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, nhất là trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia trên các địa bàn trọng yếu.
Bí thư Thị ủy Kỳ Anh Đặng Văn Thành: Việc nhân sự trong nhiệm kỳ tới sẽ khó khăn, khối lượng công việc nhiều, nên tăng cường cán bộ biên phòng sẽ rất có ý nghĩa, nhất là các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Nam
Tham gia thảo luận các đại biểu cho rằng, việc điều động là cần thiết, phải triển khai sớm, nhưng không thực hiện tràn lan, cần đảm bảo hiệu quả và phải có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể. Trước khi hoàn thiện đề án, BĐBP Hà Tĩnh nên làm việc với từng huyện, thị xã để xem xét tình hình cụ thể, xác định rõ bổ sung ở đâu, đảm nhiệm vị trí nào để có sự lựa chọn nhân sự phù hợp.
Việc lựa chọn nhân sự điều động tăng cường đóng vai trò quyết định về nhiều mặt, nhất là trong đảm bảo QPAN, củng cố bộ máy chính quyền cơ sở, khẳng định vai trò của BĐBP nên cần phải đặc biệt lưu ý để cả chính quyền lẫn lực lượng đều có lợi.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Việc lựa chọn cán bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo các tiêu chí đề ra là rất khó nên BĐBP tỉnh cần sớm xem xét lựa chọn, triển khai các phần việc có liên quan
Các địa phương có liên quan cũng đề nghị BĐBP tỉnh tham khảo, chỉnh sửa thể thức, bố cục, bổ sung nội dung để sớm hoàn thiện đề án; chỉ định thêm cán bộ về làm phó bí thư đảng ủy các xã Thạch Kim, Thạch Bằng (Lộc Hà), Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh); gấp rút triển khai để đưa cán bộ về cơ sở trước đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020-2025; xem xét độ tuổi cán bộ tăng cường theo Luật Sỹ quan; xác định rõ số lượng để sau khi điều động BĐBP vẫn đảm bảo quân số thực hiện nhiệm vụ...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Việc thực hiện đề án là cần thiết, nhưng khi thực hiện BĐBP tỉnh cần tham khảo, học tập từ các tỉnh khác; Ban Tổ chức Tỉnh ủy cần tích cực hỗ trợ để triển khai sớm, hiệu quả, đúng quy định
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu BĐBP tỉnh sớm hoàn thiện đề án để trình BTV Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.
Đặc biệt, trong nội dung đề án phải làm rõ được sự cần thiết phải thực hiện; xây dựng rõ mục tiêu cần hướng đến, nhất là vấn đề liên quan đến đảm bảo an ninh quốc gia ở các địa bàn trọng yếu; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều động cán bộ, bố trí vị trí, xác định địa bàn để có cách làm phù hợp.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu: BĐBP tỉnh lựa chọn cán bộ tăng cường phải nằm trong diện quy hoạch, trong độ tuổi “chín”, có năng lực. Việc lựa chọn cán bộ phải chịu trách nhiệm toàn diện về mọi mặt. Nơi được tăng cường là các địa bàn biên phòng có đường biên xung yếu, “mỏng” cán bộ.
Ngoài ra, BĐBP tỉnh cần chủ trì mời huyện, xã làm việc, thảo luận các vấn đề có liên quan; đảm bảo điều kiện vật chất, phương tiện làm việc cho cán bộ tăng cường; có phương án sơ kết, đánh giá khi triển khai...
CATP Hà Tĩnh