Thượng tướng Lê Quý Vương: Không có "vùng cấm" khi xét xử 6 đại án
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết việc phanh phui tiêu cực trong án ngân hàng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên không có "vùng cấm" khi xử lý.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ngày 25/10, Thượng tướng Lê Quý Vương (Thứ trưởng Bộ Công an) cho hay đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin, hành vi của bị can Giang Văn Hiển (bố của quyền trưởng phòng kinh doanh Giang Kim Đạt) là điển hình của tội Rửa tiền. Trong số tiền cực lớn đổ về tài khoản của mình từ các phi vụ làm ăn bất chính của con trai, ông Hiển đã đứng tên mua khoảng 40 bất động sản cao cấp, trong đó có nhà tại Singapore.
Để tránh các trường hợp tương tự, ông Vương cho hay Cục phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước đang giám sát tất cả giao dịch đáng ngờ. Các cơ quan chức năng sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ngăn chặn, đặc biệt là chuyển tiền ra nước ngoài.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời báo chí. Ảnh: Giang Huy |
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, dự kiến cuối năm 2016, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương sẽ được đưa ra xét xử.
“Những vụ án như thế này điều tra vất vả lắm”, tướng Vương nói và đưa ra ví dụ một ngân hàng có hoạt động liên quan đến nhiều công ty khác nhau, gồm công ty mẹ và các công ty con. Khi điều tra, nhà chức trách phải thu thập tài liệu chứng minh chủ trương chỉ đạo “từ trên như thế nào, HĐQT ra sao, điều hành của tổng giám đốc rồi đến các công ty con, phải qua hệ thống kế toán mới làm rõ được chi tiết”. Ví dụ trong đại án Huỳnh Thị Huyền Như, lượng hồ sơ nặng đến vài tạ đã được chuyển đến tòa để nghiên cứu trước khi xét xử.
Nhìn nhận hoạt động của hệ thống ngân hàng dưới góc độ pháp luật, Thứ trưởng Công an đề cập đến vấn đề “lợi ích nhóm” hay còn gọi là “sân sau”. Một cá nhân đồng thời với thành lập ngân hàng là thành lập hàng loạt công ty, chuyển tiền lòng vòng, mua bán bất động sản, đầu tư không đúng dẫn đến xung đột lợi ích. Trong khi đó, ngân hàng ở Việt Nam chủ yếu huy động tiền gửi của dân, không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn, rồi dùng tiền đó cho tổ chức, cá nhân vay, khoản vay hợp pháp nhưng lên đến 5 năm, 10 năm.
"Lấy ngắn hạn đầu tư dài hạn thì rất rủi ro”, ông Vương nói và cho hay kinh nghiệm các nước cho thấy cần phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn chủ yếu, “có nhiều nước tiền gửi ngân hàng lãi suất bằng không hoặc không đáng kể”.
Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến quý I/2017. |
Trả lời câu hỏi về thông tin đề xuất thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng từ trước đến nay chưa áp dụng, do vậy phải cân nhắc thận trọng, nếu cần thiết thì tiến hành. "Chính phủ đang tìm phương án tối ưu nhất nhằm đảm bảo ổn định hệ thống tài chính tiền tệ và quyền lợi của người gửi tiền”, ông nói.
Về việc các cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ để đưa 6 đại án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng ra xét xử sơ thẩm từ nay đến quý I/2017, ông Vương nói mọi việc "không có vùng cấm”. Thời gian qua nhiều vụ án lớn được đẩy nhanh tiến độ là có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nỗ lực của các cơ quan tố tụng.
CATP Hà Tĩnh