Tiếc thương Thượng úy Phạm Phi Long – Một tấm gương dũng cảm
Giữa đêm tối, trong mù mịt khói lửa, anh cùng đồng đội ôm vòi nước, dũng cảm lao vào trung tâm đám cháy để dập lửa, cứu tài sản cho nhân dân, khống chế không cho ngọn lửa lan sang những căn nhà kế bên. Trong lúc quên mình chống “giặc lửa”, bất ngờ sàn nhà lầu 1 sập xuống khiến 3 cán bộ chiến sĩ (CBCS) bị thương nặng.
Được đồng đội khẩn cấp tháo dỡ tấm bê tông, đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng anh không qua khỏi. Sự hy sinh của Thượng úy Phạm Phi Long là nỗi mất mát không gì bù đắp nổi đối với gia đình, người thân, bạn bè, đồng đội...
Đại tá Huỳnh Văn Quyến - Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), người trực tiếp chỉ huy chữa cháy tại hiện trường cho biết: Vào lúc 23 giờ 5 phút ngày 7-9-2017, Trung úy Lê Thanh Bình - cán bộ trực ban nhận tin từ Trung tâm chỉ huy - Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí Minh thông báo tại địa chỉ số 9, đường 10A, khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân đang có đám cháy.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân đã nhanh chóng báo động toàn đơn vị, điều động 50 CBCS xuất xe chỉ huy và xe cứu hỏa lập tức đến hiện trường dập lửa. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh cũng điều động 7 CBCS và xe nước đến tiếp ứng.
|
Di ảnh Thượng úy Phạm Phi Long. |
23 giờ 11 phút, khi lực lượng PCCC có mặt đã thấy cột lửa bốc cao trên 2m, cửa khóa kín nên Đại tá Huỳnh Văn Quyến đã chỉ đạo cho 2 cán bộ lập tức phá cửa tiến hành công tác trinh sát nhanh đám cháy để nắm tình hình và cứu người bị nạn nếu có.
Nhận thấy bên trong không có người, chất cháy chủ yếu là đống quần áo đã qua sử dụng (khoảng 4-5 tấn) nên lực lượng chữa cháy quyết định triển khai đội hình phun nước. Một tổ trực tiếp phun vào khu vực chứa vật liệu gây cháy, hai tổ khác có nhiệm vụ khống chế không cho ngọn lửa lan sang các căn nhà kế bên và đến 23 giờ 50 phút thì khống chế được ngọn lửa và đến 1 giờ 50 phút sáng 8-9 đã dập tắt hoàn toàn đám cháy.
Trong thời gian phun nước dập lửa, vào lúc 0 giờ 30 phút sáng 8-9, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân quyết định triển khai xe thang lên phía cửa sổ lầu 1 để tiếp cận trung tâm đám cháy thì xảy ra sự cố đột ngột.
Mặc dù trước khi 3 CBCS tiến vào trung tâm đám cháy, Đại tá Huỳnh Văn Quyến đã dặn dò phải giữ an toàn cho chính bản thân trước khi thực hiện các công việc theo yêu cầu công tác, nhưng do điều kiện chữa cháy vào ban đêm, điện chiếu sáng đã bị cắt hoàn toàn nên việc bao quát tầm nhìn các cấu kiện xây dựng của ngôi nhà bị hạn chế và trong quá trình chữa cháy, sàn bê tông (sau đó xác định là sàn giả) mất khả năng chịu lực đột ngột sập xuống vùi lấp lên 3 CBCS đang làm nhiệm vụ là Thượng úy Phạm Phi Long, Tiểu đội phó Tiểu đội 1; Hạ sỹ Bùi Văn Dũng và Trung sỹ Phan Tấn Quốc.
Nghe tiếng kêu cứu, các CBCS trong đơn vị đã lập tức phá khối bê tông đưa 3 CBCS trên đến Bệnh viện Đa khoa quận Bình Tân cấp cứu. Do bị thương quá nặng nên Thượng úy Phạm Phi Long đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 8-9-2017; Hạ sỹ Bùi Văn Dũng và Trung sỹ Phan Tấn Quốc đều bị bỏng nặng và gãy xương chân, xương sườn nên đã được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy ngay sau đó để điều trị.
|
Hiện trường đám cháy. |
Đến viếng Thượng úy Phạm Phi Long ở căn nhà cấp 4, số F10/27, ấp 6A, xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi đã chứng kiến niềm đau khôn tả của người thân, gia đình và hàng trăm CBCS là đồng đội của anh. Không ai bảo ai, tất cả đều nuốt nước mắt vào trong cùng tề tựu trước sân nhà để lo hậu sự cho anh.
Hàng trăm người khác là đại diện cho các cơ quan, ban, ngành từ thành phố đến thôn xóm, bè bạn và đông đảo nhân dân, những người không quen biết như tài xế xe ôm, ba gác, công nhân, thợ hồ từ cách xa hàng chục cây số cũng tìm đến thắp nén nhang cho Thượng úy Long...
Ngồi nép trong góc căn nhà cấp 4 đã bị xuống cấp do thường xuyên bị ngập nước, ông bà Phạm Văn Én (cha mẹ ruột của Thượng úy Long) nghẹn ngào, chỉ còn biết đưa hai bàn tay vò vào nhau một cách vô thức.
Vợ chồng ông Én lấy nhau năm 1985 trong lúc không có tấc ruộng để trồng tỉa, trong nhà cũng không có một xu dính túi nên cưới hôm trước, hôm sau cùng nhau xách cuốc đi đánh luống rau thuê cho chủ ruộng kiếm gạo nấu cơm.
Cuộc sống tuy gặp nhiều khó khăn vất vả nhưng trong căn chòi lá (nay là nhà cấp 4) lúc nào cũng rộn vang tiếng cười, nhất là khi ông Én hay tin bà Mun, vợ mình, đã mang thai đứa con đầu lòng. Như thấu hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ nên ngay từ khi mới 9-10 tuổi, sau những buổi cắp sách đến trường, Long lại tranh thủ dành thời gian phụ giúp công việc gia đình.
Tháng 2-2006, Long tham gia nghĩa vụ và được tuyển về Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí Minh. Sau thời gian học tập và huấn luyện nghiệp vụ PCCC và Cứu nạn - Cứu hộ, năm 2008, Long được điều động về công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn - Cứu hộ trên sông, đến tháng 2-2009 được chuyển sang chuyên nghiệp.
Tháng 10-2016, do yêu cầu công tác, Long tiếp tục được điều động về Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân. Dù làm việc ở đâu, Phạm Phi Long cũng cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
|
Đồng đội đến viếng và chia buồn với gia đình đồng chí Long. |
Đứa con trai lên 2 tuổi chưa biết chuyện gì xảy ra khi thấy nhiều người đến nhà nên gọi ba về, nhưng đến khi không tìm thấy người cha để sà vào lòng như mỗi khi Long tan ca trực trở về nhà thì cu cậu lại ngọng nghịu mếu máo… “ba”… “ba”… “ba ơi bế con”… rồi xiêu vẹo chạy đến dụi đầu vào lòng mẹ bắt đền.
Đứa bé còn quá nhỏ để có thể hiểu biết được chuyện gì đã xảy ra với người cha yêu dấu của mình. Xót xa cho người vợ trẻ Nguyễn Thị Hồng Phượng đang mang thai đứa con thứ 2 sắp chào đời. Chị cứ phải liên tục dang hai cánh tay mỏi mệt nâng niu, vỗ về đứa con thơ dại, rồi lại phóng tầm mắt về phía những hàng quân đang nghiêm trang đứng chờ đến lượt vào viếng.
Theo lời kể của chị Phượng, chị và anh quen biết nhau từ cuối năm 2012. Trải qua gần hai năm tìm hiểu, đến giữa năm 2014 thì quyết định tiến tới hôn nhân và được cha mẹ hai bên gia đình hết mực yêu thương.
Sợ vợ cực khổ, Long đề nghị vợ đi học ngành dược, nhưng khi ra trường, một mặt không có vốn liếng, mặt khác bận nuôi con nhỏ nên không có điều kiện mở nhà thuốc mà chỉ bán ngay tại xóm và thu nhập hàng tháng cũng chỉ đủ mua quà vặt cho con, còn cuộc sống hoàn toàn trông cậy vào đồng lương của chồng.
Tuy vất vả, nhưng cứ sau mỗi ca trực, Long lại tức tốc về nhà chăm con nhỏ để vợ đang bụng mang dạ chửa có thêm thời gian nghỉ ngơi. Cuộc sống vợ chồng tuy có lúc còn thiếu thốn nhưng không vì thế mà thiếu đi tiếng cười hạnh phúc.
|
Đại tá Nguyễn Thanh Hải - Trưởng CQĐD Báo CAND tại TP. Hồ Chí Minh và ông Lâm Tấn Lợi trao số tiền 30 triệu đồng hỗ trợ gia đình Thượng úy Long. |
Vẫn trong cơn đau thấu tâm can, chị Phượng bảo, ngày mới cưới nhau, cha mẹ bên chồng cho anh chị miếng ruộng cạnh nhà rồi dặn lên huyện xin chuyển đổi mục đích sử dụng, vay ít tiền dựng căn nhà nhỏ để có chỗ ăn chỗ ở vì bên nhà chồng diện tích quá nhỏ mà phải chứa đến hơn chục người, nhưng khi đi làm giấy thì được nhân viên địa chính xã thông báo khu vực này đã được quy hoạch tổng hợp, không cho xây cất. Cực chẳng đã, Long đành chạy sang bên cha mẹ vợ ở gần đó xin cho ở nhờ một phòng và thế là vợ chồng con cái dọn sang bên đó.
“Cách đây mấy ngày, anh Long còn bàn với em vay bà con dòng họ lấy hơn trăm triệu để mua miếng đất cất nhà, nhưng chưa kịp thực hiện thì anh đã ra đi… Mà anh còn hứa Tết Trung thu này sẽ xin đơn vị cho nghỉ phép đưa hai mẹ con đi ngắm trăng, nhưng giờ thì mất anh rồi...” - chị Phượng nghẹn ngào.
Sự hy sinh của Thượng úy Phạm Phi Long đã để lại niềm đau khôn nguôi cho người thân, gia đình, đồng chí, đồng đội. Anh ra đi vì cuộc sống bình yên cho nhân dân, và nhân dân mãi mãi khắc ghi hình ảnh người chiến sỹ quả cảm.
*Chiều 8-9-2017, Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã ký quyết định thăng cấp bậc hàm trước niên hạn cho đồng chí Phạm Phi Long từ Thượng uý lên Đại uý.
*Chia sẻ những hy sinh mất mát của các CBCS Cảnh sát PCCC khi làm nhiệm vụ, Báo CAND đã cử đoàn công tác đến viếng Đại úy Phạm Phi Long và hỗ trợ gia đình số tiền 5 triệu đồng; thăm động viên và hỗ trợ 2 chiến sỹ bị thương: Hạ sỹ Bùi Văn Dũng và Trung sỹ Phan Tấn Quốc đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi chiến sĩ 3 triệu đồng.
Chiều 9-9, cơ quan đại diện Báo CAND tại TP. Hồ Chí Minh và ông Lâm Tấn Lợi- Giám đốc Công ty Duy Lợi đã đến thăm và ủng hộ gia đình Đại úy Phạm Phi Long số tiền 30 triệu đồng; thăm và hỗ trợ Hạ sỹ Bùi Văn Dũng và Trung sỹ Phan Tấn Quốc, mỗi chiến sĩ 5 triệu đồng.
|
Đức Cương/ Theo Báo CAND
CATP Hà Tĩnh