Tiền tỷ “bốc hơi” do tin tưởng các cuộc gọi lừa đảo tự xưng Công an
Các đối tượng sử dụng phần mềm giả số điện thoại VOIP tự xưng là cán bộ của cơ quan Công an thông báo số tiền trong các tài khoản ngân hàng của người dân liên quan đến các vụ án đang được điều tra, có dấu hiệu và hành vi rửa tiền...
Thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ việc giả danh cán bộ của các cơ quan chức năng như Công an, Viện Kiểm sát, Toà án… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lượng tiền lừa đảo lớn, tập trung vào những người nhẹ dạ, cả tin. Thực chất việc giả danh lừa tiền đã “xưa như trái đất”, nhưng cái mới ở đây là các đối tượng liên tục tìm ra những mánh khoé khác nhau để đánh lừa người dân.
Từ những cuộc gọi số lạ, có dấu “+”
Trao đổi với Báo CAND, cán bộ Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Đống Đa cho biết, trong vòng hơn một năm trở lại đây, đã có nhiều bị hại trình báo bị lừa số tiền hàng tỷ đồng. Chẳng hạn, ngày 30 và 31-7-2015, bà M.H (SN 1960) ở Hoàn Kiếm, Hà Nội bị lừa gửi số tiền 3 tỷ 440 triệu đồng vào các tài khoản ngân hàng Vietcombank, BIDV rồi bị các đối tượng chiếm đoạt mất; ngày 23 và 24-9-2015 bà N.T.M (SN 1956), trú Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội cũng với cách thức tương tự, bị mất số tiền 1,6 tỷ đồng vào tay những kẻ lừa đảo.
Đơn trình báo gửi Công an quận Đống Đa của một trong số những nạn nhân |
Thủ đoạn của các đối tượng này là sử dụng phần mềm giả số điện thoại VOIP (dấu hiệu nhận biết là khi cuộc gọi đến, trước số điện thoại thông thường sẽ được thêm dấu “+”). Người ở đầu dây bên kia sẽ tự xưng là cán bộ của các cơ quan Công an thông báo cho bị hại biết, hiện nay số tiền trong các tài khoản ngân hàng của họ liên quan đến các vụ án đang được điều tra, cần làm rõ. Đặc biệt liên quan đến các tổ chức tội phạm nước ngoài có dấu hiệu và hành vi rửa tiền.
Sau đó người tự xưng là Công an yêu cầu bị hại xác nhận qua hệ thống giải đáp thông tin 1080 về số điện thoại đang gọi đến. Khi bị hại gọi đến tổng đài 1080 thì được xác nhận đây đúng là số điện thoại của các cơ quan chức năng. Vậy là các nạn nhân đã “dính bẫy”.
Thấy bị hại đã tin tưởng, các đối tượng gọi lại cho họ yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản tiết kiệm hoặc tài khoản ngân hàng vào các tài khoản mà đối tượng cung cấp. Do có sự tin tưởng lớn vào lực lượng Công an và cơ quan chức năng, bị hại đã nghe theo, ra ngân hàng gửi tiền vào các tài khoản “ma” mà không biết là của ai.
Hoá đơn gửi tiền khi trót tin lời đối tượng. |
Khi bị hại chuyển tiền, đối tượng lập tức thuê người đến các ngân hàng rút tiền. Số tiền này chúng lại tiếp tục chuyển vào một tài khoản khác, đặc biệt có những tài khoản ở nước ngoài. Vậy là số tiền bị chiếm đoạt coi như đã “bốc hơi”, khó có thể thu hồi…
Thu thập thông tin khách hàng để “bắt thóp”, lừa tiền
Ngoài hình thức trên, các đối tượng còn giả danh số điện thoại của bưu điện thông báo cho bị hại là họ còn nợ tiền tại các thuê bao mà họ không hề đăng ký ở TP.HCM, Bạc Liêu, Sóc Trăng… để đánh vào tâm lý lo sợ. Chúng tiếp tục lợi dụng kẽ hở của hệ thống ngân hàng hiện nay là cho mở tài khoản mà không có chức năng kiểm tra độ thật-giả của CMND. Các ngân hàng cũng không bảo mật các thông tin của khách hàng như số CMND, tên tuổi, địa chỉ, nơi công tác… Do đó các đối tượng dễ có được và tìm cách “bắt thóp”, lừa tiền.
Bị hại của những vụ lừa đảo này chủ yếu tập trung ở những người già, dao động từ 50-70 tuổi; hoặc những người đã nghỉ hưu, có tâm lý yếu kém, mơ hồ về pháp luật. Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Hà Nội và các đơn vị chức năng sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, kết hợp các ngân hàng phong toả tài khoản cho những người bị hại khi đối tượng chưa kịp rút tiền sử dụng.
Vợ chồng Liu Wei Chun (bên trái) cùng đồng bọn |
Ví dụ như ngày 12-5-2015 bà N.T.T (SN 1946), trú tại Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội chuyển 1,2 tỷ đồng vào các tài khoản trong hệ thống ngân hàng VPBank; ngày 18-5-2015, bà Đ.T.L (SN 1953) đã chuyển vào tài khoản ngân hàng ACB số tiền 150 triệu đồng; ngày 4-11-2015 bà Đ.T.T.T (SN 1942), trú Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội chuyển 1 tỷ 250 triệu đồng vào các ngân hàng SHB và Bắc Á bank… chỉ vì tin tưởng nghe theo hướng dẫn của những người tự xưng là Công an. Do các nạn nhân trình báo kịp thời nên lực lượng Công an đã phối hợp ngăn chặn hành vi chiếm đoạt tiền, giúp họ bảo toàn số tiền suýt mất.
Mô hình lừa đảo của các tổ chức tội phạm nước ngoài
Theo nhận định của cơ quan điều tra, các vụ lừa đảo dưới hình thức giả danh cán bộ cơ quan nhà nước do nhiều ổ nhóm tội phạm gây ra. Trong đó Công an TP.HCM đã bắt giữ đường dây 5 đối tượng do vợ chồng Liu Wei Chun (SN 1981), Quốc tịch Đài Loan và Dương Thị Nguyệt (SN 1982), quê Bạc Liêu cầm đầu; đường dây 10 đối tượng do Liu En Hsiang, (SN 1990), quốc tịch Đài Loan cầm đầu…
Chúng được đào tạo dưới mô hình lừa đảo của các tổ chức tội phạm nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan, Ma Cao (Trung Quốc), Singapore, Malaysia… Sau đó về Việt Nam thành lập các nhóm ở nhiều địa bàn như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, TP.HCM đào tạo, huấn luyện, thuê người thu thập CMND; mở tài khoản tại các ngân hàng để lừa bị hại chuyển tiền vào.
Cơ quan điều tra lấy lời khai Li Wei Chun |
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm cũng đã bắt giữ một đối tượng người Đài Loan sử dụng hình thức này lừa tiền người dân, sau đó dùng tiền chiếm đoạt đánh bạc tại Campuchia và Ma Cao…
Ngoài việc giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm soát, Toà án, bưu điện… lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các ổ nhóm tội phạm còn có thủ đoạn làm quen qua mạng xã hội rồi đặt vấn đề tình cảm. Khi bị hại tin tưởng thì thông báo những chuyến hàng từ nước ngoài chuyển về, nhờ nhận giúp. Bị hại đồng ý thì bên kia kêu thiếu tiền, nhờ “ứng tạm”, sau đó sẽ chuyển khoản về Việt Nam trả lại sau.
Tuy nhiên khi bị hại gửi tiền đi để nhận hàng giúp thì người tình trên mạng cũng đã…mất tích. Lúc họ nhận ra mình chẳng biết một tý thông tin nào về người đó thì tiền cũng đã vào tài khoản của người kia và đành chấp nhận mất trắng.
Thiếu tá Phan Anh Tú trao đổi với phóng viên Báo CAND |
Điểm chung của những người này thường là phụ nữ có tuổi, có gia đình, chồng con. Khi xảy ra họ không dám trình báo ngay với cơ quan Công an vì sợ gia đình, hàng xóm đánh giá. Bởi vậy các đối tượng đã kịp rút sạch tiền trước khi cơ quan chức năng kịp can thiệp…
Thực chất hành vi giả danh cán bộ Công an và các cơ quan lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ xảy ra ở Hà Nội, TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác như Phú Thọ, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Đồng Nai… Mỗi người dân cần thận trọng khi tiếp nhận thông tin, trang bị cho mình những kiến thức pháp luật để tránh tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo có “đất” diễn.
Thiếu tá Phan Anh Tú, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Đống Đa cho biết, các chiêu lừa giả danh cán bộ nhà nước đối tượng thường nhắm vào những người lớn tuổi, tình trạng sức khoẻ và độ tập trung, minh mẫn không cao.
“Để bị hại không có thời gian suy nghĩ hay thông báo cho người khác hỏi ý kiến, đối tượng duy trì thông tin liên lạc với bị hại liên tục 24/24h và yêu cầu họ phải giữ máy, không được tắt máy. Do đó bị hại như thể bị thôi miên, không sáng suốt suy nghĩ mà cứ thế làm theo đối tượng” – anh nói.
Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Đống Đa đề nghị người dân khi được những số điện thoại lạ gọi đến, xưng danh các cơ quan nhà nước thì cần kiểm tra, thông báo cho cơ quan Công an để trực tiếp xác minh, làm rõ. Đặc biệt, khi việc xấu xảy ra cần thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để sử dụng các biện pháp phòng ngừa, phong toả tài khoản, tránh trường hợp các đối tượng rút tiền làm thiệt hại tài sản…
CATP Hà Tĩnh