Tiếng gọi đại ngàn
Vườn Quốc gia Vũ Quang, dân bản xứ Hương Quang thường gọi là đại ngàn Vũ Quang từ ngàn đời nay đã trở thành ngôi nhà chung của muôn loài muông thú. Càng khám phá, càng thấy đại ngàn mở ra bao nhiêu điều lạ cho các nhà nghiên cứu khoa học. Khu vườn thiêng còn gắn với hào khí của nghĩa quân Phan Đình Phùng đứng lên đánh giặc, cứu nước.
Nét phác thảo dọc đại ngàn
Chiếc xe ô tô của đội bảo vệ Vườn Quốc gia Vũ Quang chở chúng tôi vào sâu những cánh rừng đại ngàn nguyên sinh. Khác với những thập kỷ trước, đường vào đây bây giờ đã được rải nhựa. Anh Nguyễn Danh Nhàn - Đội trưởng Đội bảo vệ rừng, người dẫn đường trong chuyến đi này thật có duyên kể chuyện. Chỉ nghe thoáng qua, tôi cũng hiểu được rừng Vũ Quang có bao nhiêu điều lạ về các loài cây, hoa, chim muông, thú quý. Thiên nhiên kỳ vĩ kiến tạo nên bao con khe, ngọn thác, những thảm thực vật trùng điệp với nhạc rừng êm ái, du dương.
Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng.
Chợt xuất hiện trước mặt chúng tôi là một khoảnh rừng đang được phát quang. Nhiều bụi giang, nứa còn đượm màu đen của tro than, vô số các loại cây dại và loài dây leo, sau khi đốn hạ đã khô rúm lại. Nằm nép trong vài lùm cây còn sót lại là những chiếc lán tạm trú lợp bằng lá cọ của các công nhân đang xây dựng công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang. Xe vượt qua chừng vài cây số, lại gặp những mảnh vườn bỏ hoang bên những nền nhà cũ còn trơ trọi vài bức tường vỡ làm tôi chợt nhớ lại cuộc di chuyển sang vùng đất mới của 24 hộ dân thôn Kim Thọ (xã Hương Quang) 7 năm về trước.
Một cuộc tái định cư mới vì mục tiêu công trình 760 triệu m3 nước theo thiết kế dự án đã được quy hoạch. Chắc hẳn người dân Kim Thọ vẫn còn nuối tiếc với cây mít họ trồng, cây đu đủ đậu quả sum suê. Nhưng nỗi luyến tiếc của họ dần dần sẽ nguôi đi, chỉ còn lại khoảng trống vắng tình cảm của cán bộ, nhân viên khu bảo tồn, anh lính biên phòng đã một thời gắn bó keo sơn, nồng mặn với dân. Nhưng vì một công trình cho hôm nay và cho muôn đời sau, nên cuộc di dời tới nơi ở mới đối với dân bản địa là điều tất yếu.
Anh Nhàn thành thật: “Ở đơn vị em khối anh đã bước vào tuổi 30, nhưng vẫn chưa tìm được vợ, bởi vùng ni tìm đâu ra con gái. Không hiểu tương lai rồi thế nào, chứ hiện tại, ai làm công tác bảo vệ rừng đại ngàn Vũ Quang cũng chịu “3 không”: không được sống gần với dân, không được hưởng nguồn điện sáng, không có sóng viễn thông để nghe điện thoại...”. Tôi nghe vậy mới hiểu tính đặc thù của công việc và thương cảm họ. Để vượt qua những nỗi buồn ấy, đòi hỏi phải có bản lĩnh để đôi chân dẻo dai trèo non, đôi mắt nhìn xuyên mắt lá, hàng ngày chống chọi với mưa ngàn, thác lũ, ngăn chặn lâm tặc phá rừng, kẻ bẫy thú, săn chim.
Dầu tôi không phải người mơ mộng nhưng khi đã lạc vào thế giới các loài hoa ở đại ngàn Vũ Quang, hồn tự nhiên cuốn theo hoa với rất nhiều hương lạ. Hoa bông trang vàng tươi rực rỡ, hoa quạch đỏ chói chang nhuộm kín hai bên bờ đường. Hoa bươm bướm cánh trắng như đàn bướm lượn. Nhiều loại hoa màu tím, màu nâu xâu thành những chuỗi cườm óng ả tôi chưa gặp bao giờ. Khi xe qua một cung đường gấp khúc, gần dốc thoai thoải có một ngôi nhà cấp 4 đơn sơ và chiếc sào “ba-ri-e” làm bằng tre ngà cùng với anh nhân viên mặc sắc phục kiểm lâm đang đứng gác.
Trước cửa ngôi nhà có đề chữ: “Trạm Kiểm lâm Sao La”. Anh lái xe buột miệng bảo tôi: “Sở dĩ có tên trạm này, bởi đây là điểm dừng chân của nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu sao la”. Tôi không rõ bao nhiêu người nước ngoài và trong nước (kể cả Giáo sư Võ Quý) đã dừng chân nơi đây để tìm cho được dấu vết, hình bóng động vật được thế giới “ghi vào Sách Đỏ” chỉ còn tồn tại ở đại ngàn Vũ Quang, nhưng có một vài mẩu chuyện xoay quanh chủ đề này thì tôi không thể nào quên. Đó là khi trên trang nhất tờ báo Lao động xuất bản ngày 25/10/1993 đưa tin: “Phát hiện được sao la ở rừng nguyên sinh Vũ Quang”. Sau khi báo Lao động đưa tin, nhiều nhà khoa học nghiên cứu động vật hoang dã quốc tế đã bay ngay tới Hà Nội. Họ tìm đến Viện Nghiên cứu sinh vật học Việt Nam, nơi con sao la được Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh bàn giao cho Viện quản lý để nghiên cứu.
Sao la đã trở thành niềm tự hào của cánh rừng thiêng Vũ Quang. Ngày 30/7/2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 102/QĐ-TTg chuyển hạng Khu Bảo tồn quốc gia Vũ Quang thành Vườn quốc gia Vũ Quang. Đã thành vườn, đương nhiên phải có chủ. Một tổ chức mới với những thiết chế mới, nhiệm vụ mới được ban hành. Vườn quốc gia Vũ Quang có 52.882 ha rừng đặc dụng, qua kết quả điều tra thực địa hiện nay, “kho báu đại ngàn” đã có tới 1.612 loài thực vật, 676 chi thuộc 191 họ của 6 ngành thực vật bậc cao, trong đó có 94 loài quý hiếm được ghi vào “Sách Đỏ Việt Nam”. Không ít những loài cây có tên tuổi đã được lưu giữ ngàn đời như: trầm hương, pơ-mu, sao hải nam, cẩm lai, sến mật… Đại ngàn mênh mông cây cỏ, lại nhiều hang động, suối khe, vườn trở thành ngôi nhà xanh bất diệt cho 94 loài thú, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loại lưỡng cư, 88 loài cá và 316 loài bướm; nhiều động vật quý hiếm như chà vá chân nâu, voọc đen, voi, bò tót, mang lớn...
Hào thành - nơi cụ Phan dấy nghĩa
Chiếc ô tô gầm cao khỏe hơn voi rừng, sau chặng đường dài hơn 25 km từ cửa rừng đã đưa chúng tôi tới Khu di tích cụ Phan Đình Phùng. Tôi đã nghe người dân địa phương kể lại chuyện lịch sử cụ Phan cùng với tướng quân Cao Thắng chọn địa điểm này làm “cửa ngõ” cho nghĩa quân vào ra căn cứ. Đây cũng là nơi hàng ngày nghĩa quân tụ tập để học rèn binh lược. Cụ Phan Đình Phùng đã từng ngẫu hứng đề thơ lên tảng đá Non rất cao mà núi rất xanh/ Nước xanh linh hiển giúp cho mình. Trước ngôi miếu thờ nhỏ bé, 2 cây cổ thụ mọc đối xứng nhau sum suê, khỏe khoắn như chí khí lẫm liệt của cụ.
Nhà bia tưởng niệm cuộc khởi nghĩa Hương Khê, ghi nhớ công lao của cụ Phan Đình Phùng và nghĩa quân. Ảnh: Mạnh Hà
Chúng tôi tìm lại dấu tích thành xưa: suối đá nghĩa quân mài gươm vẫn còn đây. Thung sâu nghĩa quân xây lò rèn, đốt lửa. Đứng trên miệng hào sâu hun hút, nghe xào xạc tiếng gió như kể lại trang sử vàng oanh liệt thuở ấy: Chiến thuật chiến lược của cụ Phan là dựa vào rừng núi hiểm yếu và công sự kiên cố để đánh giặc. Trận Vụ Quang tháng 10/1894 với kế “Sa nang úng thủy” của “Hàn Tín đánh quân Sở ngày xưa” đã làm cho địch tổn thất nặng nề: 100 lính và 3 sĩ quan địch bị tiêu diệt, nghĩa quân thu được 50 khẩu súng và nhiều quân trang, quân dụng.
Mặc dầu phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn, nhưng cụ Phan Đình Phùng vẫn lãnh đạo nghĩa quân duy trì cuộc kháng chiến kéo dài 10 năm. Đây là thời gian dài nhất trong phong trào Cần Vương. Phan Đình Phùng là ngọn đuốc cháy sáng trong lòng dân tộc về bản lĩnh kiên trung, về tinh thần đấu tranh bất khuất, lòng yêu nước thủy chung, son sắt. Sách vở còn nhắc lại chuyện cụ Phan Đình Phùng đã đáp từ tên tay sai khét tiếng cho thực dân Pháp là Lê Kinh Hạp.
Khi hắn dọa đào mồ mả tổ tiên và giết người anh ruột Phan Đình Thông, cụ Phan đầy khí tiết nói rằng: Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to nên giữ là nước Việt Nam. Tôi chỉ có một ông anh rất to là mấy triệu đồng bào, nếu về mà sửa sang lại phần mộ tổ tiên riêng mình thì ngôi mộ cả nước ai giữ? Về cứu sống ông anh của riêng mình thì còn bao nhiêu anh em trong nước ai cứu?. Phan Đình Phùng thề quyết tử với quân thù, vì nhân dân và đất nước. Ngày 28/12/1895, trong một trận giao tranh quyết liệt với giặc Pháp, cụ Phan bị bắn trọng thương và sau đó hy sinh. Sau khi cụ Phan và tướng quân Cao Thắng mất, phong trào Cần Vương kết thúc. Tuy thất bại, nhưng phong trào đã tạo nên sức mạnh cho cả dân tộc làm nên những cuộc cách mạng “long trời, lở đất” sau này.
Một địa chỉ du lịch còn bỏ ngỏ
Nếu Vườn quốc gia Vũ Quang biết tận dụng thế mạnh về cảnh quan và di tích lịch sử cụ Phan Đình Phùng thì đây sẽ là điểm hấp dẫn khách du lịch gần xa. Tiếc thay, địa chỉ này vẫn còn bỏ ngỏ. Anh Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang cho biết: Ngày 9/7/2008, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái thuộc Vườn quốc gia Vũ Quang do Vườn quốc gia Vũ Quang làm chủ đầu tư với tính chất: du lịch sinh thái, thể thao, giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng. Các khu vực được quy hoạch rất chi tiết và cụ thể, bao gồm: khu trung tâm Vườn quốc gia, khu vực Thành cụ Phan Đình Phùng, Hậu Cổng, Đảo Đá Lèn… Riêng khu vực Đảo Đá Lèn được bố trí phù hợp với cảnh quan núi rừng, mặt nước hồ Ngàn Trươi và mục đích sử dụng của từng công trình… Tuy vậy, sau 8 năm, quyết định trên vẫn chưa được triển khai.
Vườn quốc gia Vũ Quang có lợi thế đặc biệt: rừng. Du lịch sinh thái hiện đang được khách trong nước và nước ngoài ưa chuộng, với những điều mới lạ họ muốn trải nghiệm và khám phá. Đại ngàn Vũ Quang phong phú động vật, thực vật, lắm khe suối, đảo, hồ..., khí hậu lại mát mẻ, trong lành. Đặc biệt, mùa xuân, hè, thu... nhiều cánh rừng trùng điệp mở ra nét đẹp huyền diệu. Thế mạnh về địa danh lịch sử, rất nhiều du khách khao khát được đến tận “dinh lũy” của cụ Phan Đình Phùng cầm quân đánh giặc, cứu nước thuở xưa. Việc đầu tư cho du lịch sinh thái đối với Vườn quốc gia Vũ Quang sẽ là một trong những dự án đầu tư không tốn nhiều tiền của khi cái cơ bản thiên nhiên đã ưu đãi mình. Tin rằng, với sự quan tâm của tỉnh, các sở, ban, ngành, Vườn quốc gia Vũ Quang trong tương lai gần sẽ là “điểm hẹn” của khách thập phương.
Tháng 8/2016
Phan Thế Cải/ Theo Báo Hà Tĩnh
CATP Hà Tĩnh