Tinh gọn bộ máy - Cuộc cách mạng lớn của Bộ Công an
Lực lượng Công an sẽ gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn, nắm tình hình và giải quyết hiệu quả các vấn đề về ANTT ngay từ cơ sở; khắc phục được chồng chéo, chia cắt, tăng cường cải cách hành chính; tạo điều kiện tốt hơn để tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện chiến đấu. Đây được coi là “một cuộc cách mạng lớn”, thể hiện tính tích cực, chủ động, tính gương mẫu đi đầu của Bộ Công an trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính trị.
1. Lực lượng CAND đã trải qua 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn; xung kích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH của đất nước; viết nên truyền thống vẻ vang của CAND Việt Nam. Một sự kiện vừa qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo dư luận xã hội khi Đảng ủy Công an Trung ương - Bộ Công an tổ chức triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Tại Hội nghị, đã công bố Nghị định số 01, ngày 6-8-2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, có hiệu lực từ ngày ký. Theo Nghị định Chính phủ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an cơ bản không thay đổi. Tổ chức bộ máy Bộ Công an được xây dựng tập trung, thống nhất, chuyên sâu theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bố trí lực lượng và thực hiện tinh giản biên chế; tập trung đầu tư cho đơn vị trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở. Trong nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã chính thức công bố kế hoạch cắt giảm 6 Tổng cục, gần 60 đơn vị cấp Cục và gần 300 đơn vị cấp Phòng. Ở cấp địa phương, 20 Cảnh sát PCCC ở địa phương sau một thời gian thành lập, nay cũng được sáp nhập vào Công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức Công an cấp tỉnh, cấp huyện; giảm hơn 500 đơn vị cấp Phòng, gần 1.000 đơn vị cấp Đội. Các đơn vị cấp cục sẽ được sắp xếp lại theo nguyên tắc các đơn vị tương đồng về chức năng nhiệm vụ, các đơn vị không rõ nhiệm vụ, đối tượng công tác hoặc có chức năng, nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau mà trong quá trình hoạt động bắt buộc phải có sự phối hợp thì sáp nhập, hợp nhất, bảo đảm một cơ quan đơn vị có thể thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chính. Cũng tại các đơn vị cấp cục sẽ thực hiện việc giảm các đầu mối đơn vị cấp phòng. Lực lượng Công an cấp xã, thị trấn sẽ được xây dựng theo hướng tinh nhuệ, chính quy. Trước mắt, bố trí Công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm về ANTT tiến tới thống nhất trên toàn quốc sau khi hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan. Nếu tính cả Bộ Công an và địa phương thì có khoảng 800 đơn vị cấp phòng sẽ bị cắt giảm. Đây được coi là “một cuộc cách mạng lớn”, không chỉ là quyết tâm chính trị của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an mà còn là quyết tâm của cả Bộ máy, từ Bộ Chính trị cho đến Quốc hội, Chính phủ… Đồng thời, thể hiện tính tích cực, chủ động, tính gương mẫu đi đầu của Bộ Công an trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính trị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rằng ngoài nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH của đất nước, Bộ Công an là một trong những Bộ gương mẫu đi đầu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII, sớm nghiên cứu xây dựng, thực hiện Đề án 106 “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” một cách bài bản, khoa học, thận trọng, khách quan, bước đầu đạt được những kết quả cụ thể, quan trọng. 2. Khi Bộ Công an chủ động thực hiện Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an theo hướng cắt bỏ Tổng cục, giảm một nửa số Cục hiện có đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng CAND. Cũng đã có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại nhưng Đề án đã hội đủ các yếu tố để thành công: đó là yêu cầu khách quan đòi hỏi, sự ủng hộ, đồng thuận của xã hội đối với lực lượng CAND. Qua từng bước làm chắc chắn, thận trọng, khách quan, Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Nghị định để triển khai thực hiện. Quá trình nghiên cứu, xây dựng, triển khai Đề án bám sát, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng lực lượng CAND. Tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Công an Trung ương, cấp ủy các địa phương; đồng thời huy động sự vào cuộc của toàn lực lượng Công an, nhất là các thế hệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ lão thành; sự phối hợp chặt chẽ, ủng hộ của các bộ, ban, ngành liên quan. Mục tiêu kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an gắn với hoàn thiện cơ chế, đổi mới phương thức lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy. Thống nhất thực hiện chế độ thủ trưởng đơn vị đồng thời là bí thư cấp ủy để lãnh đạo chỉ đạo kịp thời, hiệu quả các mặt công tác Công an. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bố trí, điều chỉnh lại lực lượng, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở và bố trí Công an xã chính quy. Từ đó, lực lượng Công an sẽ gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn, nắm tình hình và giải quyết hiệu quả các vấn đề về ANTT ngay từ cơ sở; khắc phục được chồng chéo, chia cắt, tăng cường cải cách hành chính; tạo điều kiện tốt hơn để tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện chiến đấu. 3. Ngay tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, người đứng đầu ngành Công an - Bộ trưởng Tô Lâm đã chỉ đạo yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương nhất là các đơn vị sáp nhập khẩn trương ổn định tổ chức, bố trí sắp xếp cán bộ một cách hợp lý, đúng trình độ, năng lực, sở trường để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ngay từ những ngày đầu thành lập. Làm tốt công tác chính trị tư tưởng trong quá trình triển khai Đề án và thực hiện Nghị định mới của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Công an. Quyết tâm, ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra; tăng cường sự đồng thuận, đoàn kết trong từng đơn vị, nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và an ninh của đất nước. Bên cạnh đó, tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ, thực hiện nghiêm các quyết định của Đảng, Nhà nước và của lực lượng CAND về công tác cán bộ, nhất là công tác sắp xếp, bố trí cán bộ theo mô hình tổ chức mới, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Khối lượng công việc trước mắt là rất lớn, có nhiều việc cần làm ngay nhưng cũng có những việc không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều, phải tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan, khoa học. Tổ chức bộ máy của lực lượng CAND từ khi thành lập đến nay là quá trình phát triển có tính lịch sử, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong từng giai đoạn cách mạng. Sau mỗi lần cải cách, bộ máy được kiện toàn hoàn thiện hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của lực lượng CAND và sự phát triển của đất nước. Với mô hình, tổ chức mới tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lực lượng CAND sẽ tiếp tục nỗ lực cao nhất, vượt mọi khó khăn, bất chấp gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc thắng lợi nhiệm vụ công tác Công an năm 2018; giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
CATP Hà Tĩnh