Tôn trọng, bảo vệ quyền công dân
Lướt Facebook, truy cập Google là thói quen hàng ngày của hàng triệu người Việt Nam. Những tiện ích mà mạng xã hội nói riêng và Internet mang lại đã khiến cho thế giới dường như thu nhỏ. Thế nên khi những “đồn thổi” rằng Luật An ninh mạng và những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh ra đời sẽ cấm Facebook, Google; kiểm soát mọi thông tin cá nhân lẫn “bịt miệng” người sử dụng mạng khiến không ít người hoang mang. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy…
Bảo đảm an toàn khi lên mạng
An toàn trên không gian mạng là mong muốn của hầu hết mọi người khi tham gia, với trẻ em, điều này còn yêu cầu cao hơn. Bởi, nếu ai đó hỏi, con em bạn hằng ngày có sử dụng Facebook, Google, có vào Internet không? Với tôi, câu trả lời là “có” và chắc hẳn nhiều phụ huynh khác cũng có chung từ “yes”.
Thế nhưng, phụ huynh có kiểm soát được những đứa trẻ trên không gian mạng không? Câu trả lời là “không”. Thực tế, môi trường mạng là một thế giới rất thú vị nhưng cũng nhiều cám dỗ, dễ tác động tiêu cực đến trẻ em. Những mầm xanh của đất nước, của gia đình luôn được pháp luật nước ta và người thân bảo vệ.
Bằng chứng là Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” (Điều 37). Vậy trên không gian mạng, trẻ em được bảo vệ như thế nào? Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2019 có quy định cụ thể về bảo trẻ em trên không gian mạng như sau:
Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng; Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xoá bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý;
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của luật này và pháp luật về trẻ em; Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em;… sẽ được kiểm soát, bảo vệ tốt hơn khi có hành lang pháp lý đầy đủ.
Không gian mạng là một miền mới, tuy “ảo” nhưng hành vi diễn ra có thể mang lại kết quả thực, một bộ phận quần chúng nhân dân vẫn còn bỡ ngỡ, chưa nhận thức được tính chất hai mặt của không gian mạng. Tôn trọng quyền con người, quyền công dân, Luật An ninh mạng tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân tham gia hoạt động trên không gian mạng, thấy được cái gì nên làm, không nên làm.
Đó là, một mặt quần chúng nhân dân được bảo vệ khi tham gia hoạt động trên không gian mạng trước các thông tin xấu độc, xâm phạm tới danh dự, uy tín, nhân phẩm, các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng hoặc các hành vi ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Mặt khác, quần chúng nhân dân được tham gia thừa hưởng các chính sách về an ninh mạng của Nhà nước như: Nghiên cứu, phát triển an ninh mạng; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức an ninh mạng. Đồng thời, được trao đổi công vụ để bảo vệ quyền lợi của mình với các quy định cụ thể tại Điều 16 (xử ký thông tin vi phạm pháp luật), Điều 17 (bảo vệ người dân trước các hoạt động gián điệp mạng, bảo vệ bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng), Điều 18 (bảo vệ người dân khỏi các hoạt động tội phạm mạng, như chiếm đoạt tài sản, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng), Điều 19 (trao công cụ để bảo vệ người dân khỏi hoạt động tấn công mạng như phát tán mã độc, tấn công từ chối dịch vụ trên không gian mạng).
Một trong những vấn đề mà dư luận trái chiều cho rằng các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật An ninh mạng có “vi phạm quyền con người”, “bóp nghẹt quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận”… Thực tế, Luật An ninh mạng quy định 6 nhóm hành vi chính bị nghiêm cấm, bao gồm các hành vi gây phương hại đến chế độ và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Những hành vi bị nghiêm cấm này đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Hình sự (29 hành vi cụ thể).
Do đa số hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định và dẫn chiếu từ đời sống thực lên không gian mạng, một số hành vi cũng được một số văn bản pháp luật của quốc gia khác quy định nên không có căn cứ cho rằng, các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật An ninh mạng “vi phạm quyền con người”, “bóp nghẹt quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận”.
Luật An ninh mạng còn bảo vệ cho các hoạt động tự do ngôn luận, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân khi mua bán, kinh doanh, trao đổi thương mại trên không gian mạng.
Lực lượng chuyên trách không thể lạm quyền
Luật An ninh mạng có làm lộ lọt thông tin cá nhân của người sử dụng không cũng là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Quy định tại luật này nêu rõ, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng.
Các hành vi như: chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ, xoá, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi, đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của người khác mà chưa được phép của người sử dụng hoặc trái quy định của pháp luật sẽ bị xử lý.
Tìm hiểu về Luật An ninh mạng, chúng tôi cũng thấy rõ, luật này không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của người sử dụng. Bởi lẽ, luật quy định rõ, chỉ khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp lật về an ninh mạng mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin cá nhân có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật đó.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiệm ngặt (bằng văn bản), được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc này cũng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản có liên quan đã quy định rõ việc quản lý, sử dụng thông tin được cung cấp để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm pháp luật.
Tôn trọng quyền công dân, không để lộ lọt thông tin cá nhân và lực lượng chuyên trách bị giới hạn trong việc kiểm soát thông tin cá nhân là những quy định được thể hiện rõ trong Luật An ninh mạng. Vấn đề cần quan tâm nữa là việc, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có lạm quyền trong xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng không? Câu trả lời là “không”.
Bởi lẽ, khi phát hiện thông tin vi phạm pháp luật hoặc khiếu kiện, tố cáo, lực lượng này sẽ gửi trưng cầu giám định tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đánh giá mức độ vi phạm, khả năng tác động, ảnh hưởng, thiệt hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; tuỳ theo mức độ vi phạm và chứng cứ, lực lượng này sẽ đề xuất xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc Dân sự; các dữ liệu, thông tin thu được, được quản lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về chứng cứ và các quy định về bảo mật thông tin khác của Nhà nước ta.
Ngoài ra, để ngăn ngừa khả năng lạm quyền của lực lượng chuyên trách, Khoản 5 Điều 8 Luật An ninh mạng đã nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
Không gian mạng quốc gia là vùng lãnh thổ đặc biệt. Để bảo vệ chủ quyền cũng như công dân của mình trên vùng lãnh thổ này, việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về an ninh mạng vô cùng quan trọng. Với mục tiêu nhằm bảo vệ chủ quyền, lợi ích của quốc gia, dân tộc, tổ chức, cá nhân, hệ thống văn bản pháp lý về an ninh mạng sẽ là “bảo bối” để chúng ta bảo vệ chính mình trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Hành lang pháp lý về an ninh mạng góp phần hạn chế nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng mạng. |
CATP Hà Tĩnh