Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Tổng cục Cảnh sát cảnh báo về các loại tội phạm liên quan đến giao dịch tiền ảo

Đại diện Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an nhấn mạnh, theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về tiền tệ và ngân hàng thì không được phép sử dụng Bitcoin hay các loại tiền ảo khác như một loại tiền tệ.

Dường như bất chấp những thông báo, khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhiều đồng tiền ảo vẫn tràn vào Việt Nam. Đáng lo ngại, giao dịch tiền ảo gắn với nhiều rủi ro, nguy cơ về lừa đảo tài sản, tội phạm rửa tiền... đang có xu hướng lan rộng. Đối tượng vi phạm cũng là nạn nhân trò lừa Trước thực trạng trên, Tổng cục Cảnh sát đã có cảnh báo đối với người dân; trong đó nhấn mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến giao dịch tiền ảo. [caption id="" align="aligncenter" width="480"]ảnh 1 CQĐT thực hiện biện pháp tố tụng đối với Nguyễn Thị Minh Phương, "trùm" kinh doanh tiền ảo đa cấp, thực chất là lừa đảo[/caption]  Theo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, đối chiếu các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về tiền tệ và ngân hàng thì không được phép sử dụng Bitcoin hay các loại tiền ảo khác như một loại tiền tệ. Chưa kể, việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân; cũng như nguy cơ về các loại tội phạm như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền... “Các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác”, Tổng cục Cảnh sát khuyến cáo và khẳng định, lực lượng Cảnh sát sẽ tăng cường tuyên truyền, đấu tranh, xử lý nghiêm minh với các loại tội phạm liên quan đến giao dịch tiền ảo. Qua khảo sát, hiện nay tại Việt Nam có nhiều sàn tài chính sử dụng đồng tiền ảo Bitcoin. Cách thức chung của các sàn này là cho nhận tài chính thông qua đồng Bitcoin, hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền người sau trả cho người trước. Hình thức kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam đang diễn ra tự phát, các cá nhân tự đứng ra mua đi, bán lại các đồng tiền ảo mà không đăng ký với bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an xác định tất cả các hệ thống máy chủ có thể cung cấp mã điện tử nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, chỉ xử lý được những người xác định được tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc vi phạm quy định sử dụng mạng máy tính. Quá trình đấu tranh, cơ quan Công an đã bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng "chân rết" tại Việt Nam nhưng chính họ cũng là nạn nhân của việc lừa đảo tiền ảo Bitcoin. Biến tướng ngày càng tinh vi Đó là nhận xét của Tổng cục Cảnh sát, trước diễn biến thực tế của các dấu hiệu vi phạm, tội phạm liên quan đến tiền ảo. Một chuyên án mang tính điển hình được CQĐT Bộ Công an dẫn chứng cho nhận định này; liên quan đến 3 đối tượng Nguyễn Thị Minh Phương (38 tuổi), Phạm Thanh Toàn (45 tuổi), cùng trú tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; và Hồ Đình Phú (24 tuổi), trú tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Theo tài liệu điều tra, Phương, Toàn và Phú đã góp vốn thành lập Công ty CP Phương Thái An, rồi thuê người lập trang web hero8.org, thiết kế theo ý mô hình huy động vốn. Sau đó, các đối tượng kêu gọi rất nhiều người đầu tư tiền tham gia vào hệ thống. Mỗi người tham gia phải đóng hơn 10 triệu đồng để được nhận 1 mã ID; trong đó quy định hơn 2 triệu đồng là mã PIN tham gia hệ thống, còn 8 triệu đồng là tiền đầu tư ban đầu, quy ước là PH. Phương và đồng phạm giới thiệu cho người tham gia mô hình thu lợi “khủng” trong thời gian ngắn. Cụ thể, với 10 triệu đồng, người tham gia cứ 5 ngày sẽ nhận được tiền lãi là 2,2 triệu đồng. Với 1 mã ID, mỗi người có thể nhận 18 kỳ tiền lãi, ước tính trong vòng 90 ngày, số tiền thu về sẽ là 39,6 triệu đồng. Trò câu nhử này đã khiến nhiều người lóa mắt, lao vào đầu tư. Tuy nhiên, nhóm Phương hoàn toàn không đầu tư gì mà chỉ lấy của người trước trả cho người sau, phần còn lại các đối tượng… chia nhau ăn tiêu. Cho đến khi bị triệt phá, hệ thống đa cấp của Nguyễn Thị Minh Phương đã hút được 21.405 mã khách hàng, trong đó 14.637 mã đã kích hoạt, với ước tính sơ bộ số tiền khoảng 140 tỷ đồng. Không chỉ hám lợi tham gia kinh doanh tiền ảo, nhiều trường hợp nhà đầu tư đã tự biến mình từ nạn nhân thành kẻ phạm tội. Vụ việc bị phòng CSHS CATP Hà Nội điều tra, xử lý mới đây là một ví dụ. Tô Tuyết Nhung (SN 1973, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) được Cao Quang Tùng (SN 1978, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) giới thiệu và bày cách đầu tư kinh doanh Bitcoin. Nhung nhờ Tùng mua giúp 2 Bitcoin với giá quy đổi là 34 triệu đồng, lãi suất 2,5%/ngày. Cuối tháng 9-2016, được Tùng mời tham gia hội thảo khách hàng, Nhung lại nhờ Tùng làm thủ tục mua 50 Bitcoin, quy đổi ra tiền Việt là 850 triệu đồng. Số tiền lãi vẫn chuyển đều đặn về tài khoản Bitcoin của Nhung. Thấy kinh doanh sinh lời cao, Nhung rủ thêm 3 người bạn tham gia đầu tư, và 3 người này đã chuyển tổng cộng 400 triệu đồng nhờ Tùng mua Bitcoin. Cho đến khi hệ thống bị sập, Nhung cùng một số người đã đi tìm Tùng và Đào Công Việt (SN 1988, trú tại Hà Đông, Hà Nội) - người được cho là “đầu tổng” của hệ thống - để đòi lại tiền. Khi gặp nhau, nhóm Nhung đòi Tùng, Việt phải trả 1,3 tỷ đồng. Vừa nghe phía Tùng nói không có tiền, nhóm Nhung lập tức quay đánh, ép viết giấy vay nợ. Phát hiện trong tài khoản Bitcoin của Việt còn 8 Bitcoin (quy đổi thành tiền là 180 triệu đồng), Nhung bắt Việt chuyển cho mình và lấy 20 triệu đồng của Việt. Khi nhóm của Nhung đưa Việt đi lấy tiền thì bị tổ công tác phòng CSHS - Công an Hà Nội bắt giữ. Trong vụ án này, có 4 đối tượng đã bị CQĐT khởi tố điều tra về tội danh Cướp tài sản.

CATP Hà Tĩnh