Tổng hợp một số câu hỏi liên quan đến bầu cử đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp
Công an thành phố Hà Tĩnh nhận được những câu hỏi của người dân liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp được tổ chức vào ngày 23/05/2021. Vậy Công an thành phố Hà Tĩnh xin tập hợp trả lời để người dân được biết.
1. Người nào có quyền bầu cử?
Tính đến ngày 23/05/2021, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử. Những ai có quyền đi bầu cử thì được gọi là cử tri.
2. Những ai không có quyền bầu cử?
Căn cứ vào điều 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, những trường hợp không được bầu cử là:Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.
Đối với những trường hợp trên, nếu trước 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri.
3. Cử tri có được nhờ người khác đi bầu cử hộ hay không?
Căn cứ khoản 1 điều 7 Hiến pháp năm 2013, điều 1 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, việc bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc trực tiếp. Do đó, quá trình bầu cử, cử tri phải tự mình đến điểm bầu cử, tự viết vào phiếu bầu và bỏ vào hòm phiếu. Trừ một số trường hợp được quy định tại khoản 3, khoản 4 điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, cụ thể như sau:- Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
- Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
4. Người bị cách ly do Covid – 19, có được bầu cử hay không?
Người bị cách ly do Covid – 19 vẫn được bầu cử theo danh sách cử tri do ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cách ly niêm yết. Tuy nhiên tổ bầu cử cũng như người bị cách ly phải thực hiện các biện pháp an toàn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Hiện tại về vấn đề này, đã được Bộ nội vụ quy định tại Công văn số 2135/BNV-CQĐP hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
5. Những vi phạm pháp luật liên quan đến bầu cử?
Điều 95 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định về các hành vi vi phạm liên quan đến bầu cử như sau: “Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.”Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 đã quy định hai tội danh để xử lý những hành vi trên, cụ thể:
- Điều 160: Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân
- Điều 161: Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân
6. Người không có hộ khẩu thường trú, tạm trú có được bầu cử tại nơi sinh sống hay không?
Căn cứ vào hướng dẫn của hội đồng bầu cử quốc gia năm 2016, trường hợp cử tri có nguyện vọng bầu cử tại nơi cử tri trực tiếp sinh sống tuy không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú thì địa phương tạo điều kiện để ghi tên những cử tri này vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu tương ứng. Tuy nhiên đối với những người này, chỉ có quyền bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp quận, huyện, thành phố (không có quyền bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn).
7. Những người không ở tại nơi cư trú từ khi danh sách cử tri được niêm yết cho đến ngày bầu cử thì thực hiện quyền bầu cử ở đâu?
Đối với cử tri được chuyển ly cách ly y tế tập trung ở địa phương khác cho đến hết ngày bầu cử trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã lập danh sách cử tri có trách nhiệm nắm thông tin, chủ động cấp giấy chứng nhận (theo mẫu số 12/HĐBC) và gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để đề nghị bổ sung người này vào danh sách cử tri và cấp Thẻ cử tri mới. Đối với cử tri vì lý do cá nhân mà đi nơi khác không thể tham gia bỏ phiếu tại nơi cư trú, cử tri xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri theo Mẫu số 12/HĐBC, để cung cấp cho ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu bổ sung tên vào danh sách cử tri.
Quang Anh