Tổng thống Brazil bị đình chỉ tự điều trần trước Quốc hội
Ngày 29-8, Tổng thống bị đình chỉ của Brazil Dilma Rousseff đã ra điều trần trước Thượng viện để tự bào chữa cho mình. Sau khi nghe bà Dilma Rousseff điều trần, trong vòng 48 tiếng đồng hồ, 81 thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu để đưa ra quyết định cuối cùng về việc bãi nhiệm. Tuy nhiên, dù quyết định có thế nào thì câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu cuộc khủng hoảng chính trị ở Brazil có chấm dứt hay không?
Đây là lần đầu tiên bà Dilma Rousseff dự phiên xét xử mình kể từ khi bị Quốc hội đình chỉ chức vụ Tổng thống từ tháng 5 vừa qua.
Phiên điều trần này được tiến hành sau khi tòa án tối cao liên bang Brazil cho phép mở cuộc điều tra Tổng thống bị đình chỉ Dilma Rousseff và cựu Tổng thống Lula da Silva.
Hôm 25-8, Thượng viện Brazil đã chính thức bước vào phiên luận tội, xem xét việc bãi nhiệm bà Dilma Rousseff liên quan đến cáo buộc vi phạm luật ngân sách quốc gia.
Nhiều nghị sĩ cho rằng, bà phải chịu trách nhiệm hình sự vì đã làm cho nền kinh tế Brazil chìm trong khủng hoảng; vi phạm Luật trách nhiệm tài chính do đã sửa các con số thống kê nhằm giảm bớt tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2014 và sử dụng kinh phí bổ sung không có trong dự toán ngân sách mà không được sự đồng ý của Quốc hội.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ nữ Tổng thống, phản bác lại những cáo buộc, cho rằng bà không có tội. Thậm chí, các nghị sĩ còn bắt đầu la hét và tranh cãi về việc bãi nhiệm bà Dilma Rousseff.
|
Nếu 54/81 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu đồng ý thì bà Dilma Rousseff sẽ chính thức bị bãi nhiệm. Ảnh: Reuters |
Chủ tịch Thượng viện hôm đó đã buộc phải cho ngừng phiên luận tội sau khi tranh cãi trở nên gay gắt hơn. Trong khi đó, trên đường phố thủ đô Rio de Jainero, từ sáng 28-8, nhiều người dân đã xuống đường, tham gia các cuộc tuần hành lớn để ủng hộ nữ Tổng thống.
20 cựu thành viên nội các trong chính phủ của bà Dilma Rousseff cũng đã lên tiếng thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống bị đình chỉ tại cuộc điều trần của Thượng viện.
Phát ngôn viên của bà Dilma Rousseff cho biết: “Nữ Tổng thống luôn tôn trọng pháp luật và sẵn sàng trả lời trung thực các câu hỏi của các Thượng nghị sĩ tại cuộc điều trần. Tinh thần bà hiện rất tốt và đủ khả năng để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra”.
Bản thân bà Dilma Rousseff chỉ ngay trước phiên luận tội cuối cùng cũng nhiều lần tái khẳng định không hề có ý định từ chức và “sẽ chiến đấu đến cùng”.
Theo tin từ hãng CNBC, ngoài những cáo buộc nói trên, Tổng thống bị đình chỉ Dilma Rousseff còn bị nghi ngờ có vai trò lớn trong bê bối tham nhũng liên quan đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.
Kể từ sau khi bị đình chỉ chức vụ hồi giữa tháng 5, vị trí của bà Dilma Rousseff đã được Phó Tổng thống Michel Temer tạm thời đảm nhiệm.
Lần này, sau cuộc điều trần, chỉ cần 54 Thượng nghị sĩ, tương đương 2/3 số ghế trong Thượng viện bỏ phiếu đồng ý thì bà Dilma Rousseff sẽ chính thức bị bãi nhiệm, chấm dứt 13 năm cầm quyền của đảng Lao động (PT). Như vậy, chính phủ của Tổng thống lâm thời Michel Temer sẽ cầm quyền đến hết nhiệm kỳ hiện nay của bà, tức là đến tháng 12 năm 2018.
Trong trường hợp Thượng viện không bãi nhiệm bà Dilma Rousseff, nữ Tổng thống sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí của mình và phải có những cải cách thực sự để thay đổi nền kinh tế hiện nay của Brazil.
Một cuộc thăm dò dư luận của tờ O Globo được công bố hôm 28-8 cho biết, có tới 53 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại bà Dilma Rousseff trong khi con số ủng hộ chỉ có 18 người. Những người còn lại chưa đưa ra ý kiến nào và cho biết sẽ có quyết định cuối cùng sau khi nghe nữ Tổng thống tự điều trần.
Được biết, trước phiên điều trần, Thượng viện đã có 3 buổi lắng nghe lời khai của các nhân chứng. Phần lớn mọi người đều khẳng định rằng các “thủ thuật” về ngân sách là vấn đề mà nhiều chính quyền trước đây từng làm và nền kinh tế Brazil bị giảm sút hoàn toàn không liên quan đến vấn đề này.
Hôm 27-8, một số nhân chứng chủ chốt đã được triệu tập và nhiều người trong số đó đã khẳng định rằng bà Dilma Rousseff không gây tổn hại cho nền kinh tế Brazil và không vi phạm Luật trách nhiệm tài chính của nước này.
Đặc biệt, cựu Bộ trưởng Kinh tế Nelson Barbosa và Giáo sĩ Luật học tại Đại học Rio Ricardo Lodi là những nhân chứng quan trọng đều nhấn mạnh rằng, không có cơ sở nào để khẳng định nữ Tổng thống bị đình chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự và rằng các sắc lệnh mà nữ Tổng thống từng ban hành khi đương nhiệm hoàn toàn hợp hiến.
Hiện nền kinh tế Brazil đã rơi xuống mức tăng trưởng kém (3,8% trong năm 2015) và dự kiến chỉ còn ở mức 3,3% trong năm 2016. Trong khi đó, lạm phát vượt lên ngưỡng 9% và tỷ lệ thất nghiệp là 11%.
CATP Hà Tĩnh