TP Hà Tĩnh “giải cứu” 363 trẻ mầm non không có “lá thăm may mắn”
Báo Hà Tĩnh điện tử vừa phản ánh việc 363 học sinh mầm non lớp 3 tuổi có hộ khẩu trên địa bàn TP Hà Tĩnh đứng trước nguy cơ không được vào trường khi người thân không bốc được “lá thăm may mắn”. Làm việc với PV ngày 22/8, lãnh đạo UBND thành phố và Phòng GD&ĐT khẳng định sẽ có các giải pháp để đảm bảo cho 100% học sinh đều được đến trường.
Hơn 40 trẻ không có được "lá thăm may mắn" ở Trường Mầm non 1 vẫn được đến trường nhờ sự điều chỉnh kịp thời của UBND TP Hà Tĩnh
Theo lời Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Lương Quốc Tuấn: “Căn cứ tình hình thực tế cơ sở vật chất và các điều kiện nhằm phục vụ công tác dạy và học của các trường, UBND thành phố thống nhất điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh bậc mầm non trên địa bàn theo Tờ trình số 368 ngày 12/8 của phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh”.
Theo nội dung tờ trình, Trường Mầm non Bắc Hà mở thêm 2 lớp 3 tuổi; Mầm non Trần Phú mở thêm 1 lớp 3 tuổi; Mầm non Đại Nài mở thêm 1 lớp 3 tuổi; Mầm non Thạch Bình mở thêm 1 lớp 5 tuổi; Mầm non Thạch Đồng mở thêm 1 lớp 3 tuổi. Các trường học được mở thêm lớp phải thực hiện tuyển sinh các cháu có hộ khẩu tại địa bàn. Đối với các trường mầm non còn lại, giữ nguyên số lớp theo kế hoạch và tuyển thêm các cháu có hộ khẩu trên địa bàn.
Được biết, trước đó, trên tinh thần đồng ý về mặt chủ trương của lãnh đạo UBND thành phố, đồng thời chia sẻ tâm trạng sốt ruột của các bậc phụ huynh, các nhà trường, trong ngày 20 và 21/8, Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh đã cho các trường mầm non tuyển sinh theo tinh thần Tờ trình số 368 ngày 12/8 mà phòng đã trình lãnh đạo UBND thành phố.
Trường Mầm non Bắc Hà chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ năm học mới.
Có mặt tại một số trường mầm non trên địa bàn thành phố sáng 22/8, chúng tôi đã cảm nhận được sự phấn khởi của các giáo viên và phụ huynh. Tại Trường Mầm non Bắc Hà, với chỉ tiêu tuyển thêm 88 cháu thì đã có 55 phụ huynh đến nộp hồ sơ cho con. Chị Nguyễn Thị Chín (tổ dân phố 13, phường Bắc Hà) cho biết: “Con được tiếp nhận vào học ở trường mầm non trên địa bàn, chúng tôi như trút được lo lắng bấy lâu. Mong rằng, sau này, các cấp, ngành chức năng có sự chủ động để tránh xảy tình trạng như vừa qua”.
Tại Trường Mầm non 1 - phường Nam Hà, 41 hồ sơ có lá thăm không may mắn cũng đã được nhận trở lại. Cô Lê Thị Vân Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhận thêm 41 cháu cũng đồng nghĩa với sỹ số bình quân mỗi lớp lên tới 47 em, gần gấp đôi so với quy định mà cũng chỉ có 2 giáo viên. Mong rằng, những khó khăn này của chúng tôi sẽ được cấp trên chia sẻ”.
Về những băn khoăn quá tải giáo viên ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy, đảm bảo an toàn cho trẻ, thầy Nguyễn Hữu Nghĩa - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho biết: “Để giảm áp lực cho giáo viên, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND thành phố về vấn đề hợp đồng giáo viên đứng lớp. Đối với những lớp có sỹ số trên 40 sẽ được tăng thêm 1 giáo viên. Như thế, trong năm học này, phòng sẽ cho các nhà trường hợp đồng thêm 26 giáo viên mầm non và ngân sách hợp đồng sẽ do thành phố hỗ trợ”.
Trả lời phóng viên về những giải pháp lâu dài để giải quyết dứt điểm tình trạng lộn xộn, bị động trong tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là bậc mầm non, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lương Quốc Tuấn cho biết: “Theo đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp và xây dựng cơ sở vật chất trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn TP Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2020 vừa được ban hành năm nay, bậc học mầm non sẽ dừng lại ở 16 trường công lập và khuyến khích phong trào xã hội hóa giáo dục bằng việc tạo điều kiện về mặt bằng, đội ngũ để mở các trường tư thục. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, có 8 trường tư thục trên địa bàn. Gắn với đó, phòng giáo dục và chính quyền các phường cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh yên tâm gửi gắm con em đến với các trường tư thục nhằm giảm áp lực cho các trường công lập”.
Ở góc độ chuyên môn, cô Nguyễn Thị Thủy Nga - Phó trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho biết: “Bên cạnh sự vào cuộc của địa phương thì chúng tôi cũng sẽ tham mưu UBND thành phố về việc phân vùng tuyển sinh. Ví dụ, con em một số tổ dân phố trên địa bàn phường Bắc Hà có thể sang trường Bình Hà, con em một số tổ trên địa bàn Đại Nài có thể sang Văn Yên… như thế sẽ đáp ứng đủ phòng học cho 100% con em trên địa bàn mà tỷ lệ học sinh ở các trường lại không quá chênh lệch. Điều này chúng tôi đã thực hiện được trong công tác tuyển sinh đầu cấp bậc tiểu học. Tuy nhiên, trên thực tế, do người dân đang mang nặng tâm lý mình sống ở địa bàn nào thì con sẽ học ở đó, vì vậy, giải pháp này chưa nhận được sự ủng hộ của phụ huynh”.
Làm “nóng” câu chuyện tuyển sinh đầu cấp còn có thực trạng một bộ phận phụ huynh chọn trường có chất lượng, uy tín cho con học, vì vậy, việc tuyên truyền làm thay đổi suy nghĩ của các bậc phụ huynh sẽ góp phần quan trọng để “hạ nhiệt” sức ép tuyển sinh bậc học đầu cấp nói chung, bậc học mầm non nói riêng.
Thúy Ngọc/ Theo Báo Hà Tĩnh
CATP Hà Tĩnh