Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

TP.HCM 8 năm loay hoay chống ngập với 29.000 tỷ đồng: Chống chỗ này lụt chỗ kia

Những ngày qua, cuộc sống người dân TP. HCM đảo lộn hoàn toàn bởi tình trạng ngập lụt trên diện rộng. Trên nhiều tuyến phố, phương tiện không thể di chuyển được do bị ngập sâu. Sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị ngập nặng. Bên cạnh nguyên nhân do lượng mưa lớn, dồn dập, công tác quy hoạch và quản lý hệ thống thoát nước của TP.HCM đã bộc lộ những điểm yếu chưa thể khắc phục.

Chi 29.000 tỷ đồng vẫn ngập Năm 2008, TP. HCM bắt đầu chương trình chống ngập với tổng kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng. Thời điểm  đó, thành phố ghi nhận có 126 điểm ngập, thì đến năm 2016 giảm xuống còn 59 điểm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đô thị, con số này chưa phản ánh đúng thực tế tình hình úng ngập của TP.HCM hiện nay. Qua 8 năm chống úng, ngập, cơ quan chức năng nhìn nhận, việc chống úng ngập không hiệu quả, chống chỗ này phình ra chỗ khác. Bằng chứng là trận mưa lớn vào chiều 26-9 và kéo dài trong nhiều ngày nay đã khiến TP.HCM chìm trong biển nước. Mọi hoạt động gần như ngưng trệ, có tuyến đường ngập sâu tới 1m, nước tràn vào nhà dân, các khu đô thị, các tòa nhà… gây thiệt hại nghiêm trọng. Sân bay Tân Sơn Nhất, vốn nhộn nhịp nhất cả nước hiện nay cũng gần như ngưng trệ vì bị ngập trắng. [caption id="" align="aligncenter" width="480"] Người dân TP.HCM vật lộn với tình trạng ngập, lụt diễn ra nghiêm trọng những ngày qua.[/caption] Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho biết, trận mưa chiều 26-9 là trận mưa lớn nhất trong nhiều năm qua. Lượng mưa quá lớn khiến 59 tuyến phố trên địa bàn bị ngập nặng. Còn theo Đài Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trận mưa chiều 26-9 là trận mưa lịch sử trong vòng 40 năm qua trên địa bàn TP.HCM. Trong ngày 27-9, TP.HCM tiếp tục có mưa trong khi nước cũ chưa rút nên ngập lụt càng nghiêm trọng thêm. Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP. HCM, chỉ trong thời gian khoảng 1 giờ 30 phút chiều 26-9, lượng mưa đã đạt đến 204,3 mm, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước của thành phố. Một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập... Mặt khác, tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) còn phổ biến. Khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch còn phổ biến. Trong thời gian qua, Trung tâm chống ngập đã phối hợp cùng Sở GTVT TP.HCM, UBND các quận/huyện rà soát các điểm ngập còn lại để đề xuất đầu tư dự án (giai đoạn 2016-2020). Nhiều dự án đã triển khai thực hiện nhưng tiến độ chậm do vướng thủ tục (như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án cải tạo rạch Ông Búp, kênh tiêu Liên Xã…) hoặc tiến độ thi công chậm như Xa lộ Hà Nội (chân cầu Rạch Chiếc), Nguyễn Văn Quá… Rất khó dự báo mưa lớn bất thường Lý giải về nguyên nhân của trận lụt lịch sử này, các chuyên gia đô thị cho rằng, bên cạnh các nguyên nhân trên, tình trạng ngập cục bộ diễn ra nghiêm trọng bởi các dự án thuộc Quyết định 1547/QĐ-TTg ngày 28-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ thoát nước trong điều kiện ảnh hưởng biến đổi khí hậu, diễn biến thủy văn phức tạp trên địa bàn TP.HCM chưa thể triển khai thi công. Trong khi đó, một số dự án thoát nước đang triển khai thi công cũng ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu. Tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước cũng góp phần làm nhiều tuyến đường ngập sâu. Tính đến ngày 15-7-2016, có đến 59 vị trí lấn chiếm cửa xả tại 23 tuyến đường; 104 vị trí lấn chiếm hầm ga thuộc 41 tuyến đường; 92 tuyến đường có tuyến cống bị xây dựng lấn chiếm với chiều dài 13,85km và 394 hầm ga; 61 vị trí lấn chiếm kênh, rạch phục vụ thoát nước. Liên quan đến công tác dự báo mưa bất thường tại TP.HCM những ngày qua, ông Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, Đài đã phát đi bản tin cảnh báo mưa lớn sớm nửa tiếng. Ngoài ra, trước đó, Đài cũng có các bản tin cảnh báo vừa mưa đến mưa to tại TP.HCM. “Tuy nhiên, không thể dự báo được chính xác lượng mưa cục bộ, đột xuất đổ xuống TP.HCM trong chiều 26-9 gây ngập lụt toàn thành phố”, ông Phạm Văn Dũng nhìn nhận. Đại diện Đài KTTV khu vực Nam bộ bày tỏ, không chỉ ở Việt Nam, các nước tiên tiến trên thế giới cũng chưa dự báo được chính xác lượng mưa cục bộ tại một điểm cụ thể, mà chỉ có thể dự báo được lượng mưa phổ biến và lượng mưa lớn ở một khu vực rộng. Với những trận mưa lớn đột xuất, hàng chục năm mới tái hiện như trận mưa chiều 26-9 vừa qua thì càng khó để dự báo chính xác. Ông Phạm Văn Dũng cũng thông tin, từ hôm nay, 29-9, diện mưa và lượng mưa sẽ giảm dần tại TP.HCM. Theo Trung tâm chống ngập TP.HCM, hiện nay, TP.HCM đang xây dựng hệ thống đê ngăn triều, xây mới và cải tạo hệ thống thoát nước, cải tạo, nạo vét kênh rạch, xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải để giải quyết tình trạng úng, ngập trên địa bàn thành phố. 

CATP Hà Tĩnh