Trao đổi thông tin, mở rộng dân chủ ở Hà Tĩnh: Nghe “tiếng dân”giữa đa chiều thông tin
Trong bối cảnh thông tin đa chiều, tiếp cận nhanh và dễ, việc nắm bắt thông tin từ người dân cần được cấp ủy, chính quyền tiến hành với các giải pháp chủ động, đồng bộ. Và, trên tất cả, người dân phải được tôn trọng, tiếng nói của họ phải luôn được lắng nghe. Đó cũng là lúc dân chủ được mở rộng rộng rãi.
Tạo diễn đàn để… dân nói
Khi tình hình ở TX Kỳ Anh phức tạp, theo ông Phan Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã: “Lúc đó quan trọng là phải làm công tác dân vận, phải về với dân, nghe dân nói, rồi trả lời cụ thể. Từ cuối năm 2016 đến năm 2017, riêng UBND thị xã dưới sự chủ trì của chủ tịch, phó chủ tịch đã chủ động về đối thoại với người dân 157 cuộc. Các cuộc đối thoại rất căng thẳng, nhưng cũng từ đó nhiều kiến nghị của nhân dân đã được tập hợp, gửi về tỉnh”.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cùng đoàn công tác nắm bắt tâm tư các hộ dân sống xung quanh Nhà máy Xử lý rác thải Phú Hà (ngày 30/8/2018).
Cùng thời điểm đó, vận dụng phong cách gần dân, nghe dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập đoàn công tác gồm các thành viên là cán bộ ban Đảng, sở, ngành, MTTQ, các đoàn thể về trực tiếp tại các địa bàn TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh chia sẻ với nhân dân và nắm bắt tình hình. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng trực tiếp về với người dân, nhất là vùng người dân đánh bắt hải sản như Kỳ Hà, Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh), Kỳ Phú, Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh)… Từ những cách này, các thông tin đa chiều được nắm bắt, thậm chí các phần tử lợi dụng dân chủ để kích động cũng được nhận diện từ thông tin người dân.
Tôn trọng nhân dân, mong muốn được nghe dân nói, nhất là những điều khuất tất, từ cuối năm 2016, BTV Huyện ủy Thạch Hà đối thoại với cán bộ xã và thôn ở Thạch Long. Đến tháng 12/2017, Thạch Hà đã tổ chức 28 cuộc đối thoại như vậy tại các xã. Qua đối thoại, đặc biệt là phát biểu của cán bộ thôn, lộ ra nhiều vấn đề cán bộ xã “ém” thông tin.
Từ hiệu quả đó, đầu năm 2018, Huyện ủy Thạch Hà chỉ đạo cấp ủy từng xã đối thoại với nhân dân từng thôn dưới sự chỉ đạo, giám sát của đoàn công tác BTV Huyện ủy. Đến nay, 28/31 đảng ủy xã, thị trấn đã tổ chức đối thoại với nhân dân 62 thôn. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Lãnh đạo, cán bộ xã và đại diện các phòng ban ở huyện về đối thoại với người dân thôn Việt Yên, xã Việt Xuyên, Thạch Hà (Ảnh: Mai Thủy)
Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân cho biết: “Đối thoại ở đây được chúng tôi tổ chức một cách chủ động, mục tiêu là để dân nói, cán bộ nghe, trao đổi. Các cuộc đối thoại cũng giúp cán bộ trưởng thành nhiều, đồng thời chấn chỉnh những cán bộ thiếu trách nhiệm”. Ông Tân cũng cho hay, tại một số cuộc đối thoại, thậm chí người dân mong muốn thay cán bộ như ở xã Ngọc Sơn, có nơi làm rõ sai phạm của doanh nghiệp như dự án đầu tư thủy sản ở Thạch Bàn, có nơi chỉ rõ sai phạm của công chức như bà Cao Thị Việt Hà - công chức địa chính xã Thạch Lâm, sau đó bị xử lý kỷ luật.
Những công dân trách nhiệm và facebook, zalo
Tại Lộc Hà, thời điểm phức tạp về an ninh đã xuất hiện những cá nhân có trách nhiệm tại khu dân cư, thường xuyên thông tin về cấp ủy, chính quyền. “Hiện nay, huyện Lộc Hà đã thành lập đội ngũ thông tin viên, hạt nhân thông tin ở cơ sở, kể cả vùng đồng bào có đạo” - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lộc Hà Trần Xuân Lương cho hay.
Toàn cảnh dự án Formosa Hà Tĩnh
Việc hình thành đội ngũ thông tin viên cơ sở, trên thực tế là chuyện không mới. Năm 2013, Thạch Hà đã hình thành đội ngũ này từ việc thực hiện Nghị quyết 07-NQ/HU, ngày 12/3/2013 do Huyện ủy ban hành về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chính trị tư tưởng trong tình hình hiện nay”. Tinh thần ấy còn được thể hiện trong Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 19/5/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo trong tình hình mới”.
Cũng nhờ trách nhiệm của công dân nên “trong thôn có một số người khi sự cố môi trường biển xảy ra đã nghe theo lời kẻ xấu, làm phức tạp tình hình, nhưng được một số người cùng con cái đi học, làm ăn xa khuyên nhủ nên họ không tham gia nữa”, ông Mai Xuân Hồ - Trưởng thôn Kỳ Bắc, xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) tiết lộ.
Theo ông Phan Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh: “Thời điểm khó khăn về tình hình, facebook, zalo đã giúp tôi rất nhiều trong việc nắm bắt thông tin. Hiện nay, chúng tôi đã hình thành những thông tin viên từ cơ sở”.
Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Bí thư Huyện ủy, nhóm facebook Thông tin Thạch Hà hiện có hơn 20.740 thành viên, là "kênh" phản ánh rất nhanh các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của huyện, phong trào ở các địa phương; đồng thời, nhận các phản hồi từ người dân (Ảnh từ Trang thông tin Thạch Hà)
Hiện nay, nhiều người đứng đầu cấp ủy như Thạch Hà, Can Lộc, TP Hà Tĩnh… thường xuyên sử dụng facebook, zalo để chuyển tải thông tin tới cán bộ, đảng viên và nghe được những bình luận đa chiều của người dân.
Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Văn Khánh cho hay: “Trong bối cảnh thông tin đa chiều và dễ tiếp cận như hiện nay, bên cạnh tuyên truyền với hình thức truyền thống, cần đổi mới theo hướng chia sẻ thông tin”.
Làm cùng dân, mở rộng dân chủ
Xây dựng NTM đã định hình phong cách người cán bộ, công chức Hà Tĩnh: Gần dân, làm cùng dân, tâm tư với dân. Cán bộ, công chức Hà Tĩnh không chỉ thạo chuyên môn mà còn thành thục trộn bê tông, xây tường rào, chặt cây xóa vườn tạp, thậm chí dọn chuồng trại chăn nuôi, xây nhà vệ sinh cho dân… Những “thứ 7 nông thôn mới”, “ngày về cơ sở” đã được ra đời ở hầu hết địa phương.
Bà Nguyễn Thị Liên - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Kênh (Thạch Hà) chia sẻ: “Trước đây, xã rất khó khăn, có nhiệm kỳ phải thay 4 chủ tịch UBND xã, người dân khiếu kiện vượt cấp nhưng giờ ổn định, đạt chuẩn NTM trước 3 năm. Thành công này có nguyên nhân cơ bản là cán bộ huyện, xã thường xuyên về với dân, có gì khúc mắc thì trao đổi, giải quyết. Không chỉ chúng tôi mà cán bộ huyện như Hội LHPN huyện cũng về tận từng nhà hướng dẫn cách dọn nhà, sửa bếp”.
Từng được huyện phân công chỉ đạo xã Trung Lộc đạt chuẩn nông thôn mới, với phong cách gần dân, ông Mai Khắc Trung - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Can Lộc (người thứ 3 từ phải sang) vừa được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Trung Lộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”. Để có điều đó, cấp ủy đảng, chính quyền phải tạo được niềm tin trong nhân dân, dân phải được… làm chủ. Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn trao đổi: “Nhiều năm qua, Hà Tĩnh đã phát huy dân chủ rộng rãi, nhờ đó, tỉnh nhà đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn có nơi để xảy ra tình trạng thiếu dân chủ, nhiều việc nhân dân không được bàn, thảo luận, dẫn đến các vụ việc khiếu kiện như một số dự án đầu tư, các khoản thu trong cộng đồng. Phần lớn các vấn đề này xuất phát từ các hạn chế, yếu kém của cán bộ như: Làm việc thiếu trách nhiệm, xa dân, hành chính hóa, không thạo việc… Vì vậy, phải phát huy hơn nữa dân chủ trong Đảng, mở rộng dân chủ trong toàn xã hội để tạo đồng thuận, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại”.
Nhằm phát huy tinh thần dân chủ rộng rãi, tạo tiếng nói đồng thuận giữa cấp ủy đảng và nhân dân, ngày 12/5/2017, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU “Về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong thời gian tới”. Để chia sẻ thông tin 2 chiều, tạo đồng thuận xã hội, ngày 19/5/2018, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo trong tình hình mới”. |
CATP Hà Tĩnh