Trinh sát môi trường kể chuyện bắt "gỗ tặc" nơi rừng sâu
Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Đội trưởng Đội 3 (Lĩnh vực Tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học...), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (PC49) Công an tỉnh Nghệ An là người nổi tiếng với biệt tài đánh án ở rừng cùng với khả năng đi bộ xuyên rừng không biết mệt mỏi.
Trung tá Tùng tự nhận những khu rừng luôn mang lại cho anh một sức hút mạnh mẽ, hễ có nguồn tin từ cơ sở báo về, anh luôn xung phong đi đầu để trinh sát. Dù chỉ mới công tác tại đơn vị từ năm 2011 nhưng anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của PC49 Nghệ An.
Vừa là Đội phó phụ trách Đội 3, vừa là trinh sát, trong mỗi chuyên án về đấu tranh với tội phạm huỷ hoại rừng, anh luôn là người “đi trước về sau”. “Đi trước” bởi vì anh là người giàu kinh nghiệm, lại am hiểu tường tận về các khu rừng nên luôn xung phong trong công tác trinh sát địa bàn. “Về sau” vì kết thúc chuyên án, anh lại cùng đồng đội áp tải tang vật vụ án khỏi hiện trường để phục vụ công tác điều tra.
|
Trung tá Nguyễn Văn Tùng và đồng đội hành quân vào rừng. |
Lật từng trang Sổ nhật ký công tác, anh chia sẻ với tôi về những ngày trèo đèo lội suối. Đối với anh, mỗi chuyến đi rừng đều để lại ấn tượng khó quên. Chuyên án đấu tranh với tội phạm tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) là chuyên án Trung tá Tùng tốn nhiều công sức nhất.
Giữa năm 2014, qua nguồn tin trinh sát, lực lượng chức năng xác định có 1 nhóm đối tượng vào rừng đặc dụng dựng lán để khai thác gỗ trái phép. Đây là khu vực tập trung toàn gỗ Trai (nhóm IIA, loại quý hiếm).
Chuyên án đấu tranh hành vi huỷ hoại rừng đặc dụng tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống được xác lập. Để tìm hiểu quy luật hoạt động của các đối tượng, anh phải ăn ở trong rừng 1 tháng tròn. “Chưa lần nào tôi phải ở trong rừng lâu đến như vậy”, Trung tá Tùng chia sẻ.
Các đối tượng vô cùng xảo quyệt. Hôm nay chúng chặt hạ 1 gốc cây nhưng chúng không vận chuyển đi vội. Ngày hôm sau chúng lại chặt hạ 1 gốc cây khác cách vị trí ban đầu hơn 1km. Rồi vài ngày sau chúng mới quay lại vị trí cây ban đầu để vận chuyển gỗ.
Ở địa hình rừng núi, 1km không phải là khoảng cách ngắn để trinh sát có thể chạy đi chạy lại dễ dàng. Lâm tặc luôn luôn thay đổi địa điểm khai thác từng ngày đòi hỏi người làm nhiệm vụ trinh sát phải có khả năng phát hiện sớm và dự báo tình hình. Có như vậy mới lên kế hoạch đánh án thành công.
Do trong rừng không có sóng di động, thiết bị định vị không sử dụng được, anh phải đánh dấu đường đi một cách thủ công, dùng dao khắc ký hiệu lên thân cây. Người trinh sát còn phải biết vẽ bản đồ để đến ngày đánh án, không có mũi tấn công nào bị “lạc đường”.
Anh Tùng cho biết, người không quen đi rừng khi bị lạc đường rất hay rơi vào trạng thái hoảng sợ lo lắng. Bản thân anh cùng từng đi lạc nên anh rất hiểu tâm trạng này. Anh chia sẻ thêm, ở giữa rừng tiếng súng cũng chỉ như là tiếng muỗi đốt, không phải cứ bắn súng lên là đồng đội sẽ nghe thấy rồi đến ứng cứu.
Sau 1 tháng ròng trinh sát, ngày đánh án cũng đến. 15 cán bộ chiến sĩ phòng PC49 lên đường truy bắt các đối tượng. Bên cạnh công cụ hỗ trợ, hành trang các anh mang theo còn có cơm nắm, muối vừng, lương khô... Do gặp trời mưa to, phải dựng lán để trú chân, hành quân từ 9h tối nhưng đến 9h sáng hôm sau mọi người mới đến được vị trí tập kết.
Xác định được vị trí nhóm đối tượng dựng lán để khai thác gỗ trái phép, 3 mũi tấn công được chia ra. Mũi thứ nhất tấn công và khống chế các đối tượng đang có hành vi cưa xẻ gỗ. Mũi thứ hai bắt giữ các đối tượng chủ mưu. Mũi cuối cùng xác định vị trí tập kết gỗ của các đối tượng.
Quá trình vây bắt vô cùng khó khăn và gian nan. Các đối tượng đa phần là dân bản địa, thông thạo địa hình để tẩu thoát. Nhiều đối tượng là con nghiện lâu năm, được trả công bằng heroin nên chúng chống trả quyết liệt, luôn thủ sẵn hàng “nóng” để đối phó với lực lượng chức năng.
Do làm tốt công tác trinh sát địa bàn, lợi dụng thời gian trời nhá nhem tối, các mũi tấn công đồng loạt xuất kích. Dù nhiều đối tượng ngoan cố nhưng với sự kiên quyết của lực lượng đánh án, tất cả đều sa lưới. Đối tượng cầm đầu là Dương Ba bị bắt giữ ngay tại hiện trường.
Chuyên án thắng lợi, thu giữ 22m³ gỗ các loại, có giá trị cao và quý hiếm, bắt 8 đối tượng về hành vi huỷ hoại rừng đặc dụng.
Bắt giữ các đối tượng xong nhưng công việc của Trung tá Tùng và đồng đội vẫn chưa kết thúc. Việc vận chuyển những khối gỗ tang vật của vụ án từ rừng về dưới xuôi là một thách thức không nhỏ. Anh Tùng cho biết, mỗi 1 cột gỗ mất 1 tuần mới vận chuyển được đến nơi ôtô tập kết. Những cột gỗ này các anh phải vận chuyển thủ công bằng hình thức kéo gỗ theo chiều dốc núi.
Mỗi khu rừng đều có những đặc điểm riêng nên có những vất vả khác nhau. Anh đùa với tôi rằng, đi bộ bao xa cũng không sợ, sợ nhất là bị muỗi rừng với vắt cắn. Ai đi rừng cũng bị ám ảnh 2 loài vật này.
Chia sẻ thêm về kỹ năng đi rừng, Trung tá Tùng cho biết, bên cạnh yếu tố sức khoẻ, đi trinh sát trong rừng đòi hỏi mỗi chiến sĩ phải có kỹ năng sinh tồn, ứng biến nhanh chóng; đi rừng phải trèo đèo lội suối nhiều ngày nên hành lý mang theo phải gọn; trước khi cắm trại, bằng mọi cách phải tìm được con suối gần vị trí mình phục kích, tìm được suối là tìm được nguồn nước và thức ăn.
Ở cương vị người chỉ huy, trọng trách đặt lên vai anh nhiều hơn khi anh phải là người đi đầu trong mọi vụ việc để động viên tinh thần cho anh em. Đội 3 của anh chỉ có 13 người, lại chưa có Đội trưởng nên anh có rất ít thời gian dành cho gia đình.
Dù còn nhiều khó khăn về quân số, nhưng Đội 3 dưới sự chỉ huy của Trung tá Nguyễn Văn Tùng đã hoàn thành chỉ tiêu công việc năm 2017 trước thời hạn. Chỉ tính đến tháng 10 - 2017, Đội đã hoàn thành 100/77 vụ, vượt chỉ tiêu 23 vụ. Thành tích trên là động lực để anh và đồng đội cống hiến được nhiều hơn nữa.
Trong 3 năm liên tiếp (2014-2016), Trung tá Nguyễn Văn Tùng là Chiến sĩ thi đua cơ sở. Anh được nhận 2 Bằng khen của Bộ Công an (2015-2016) và 1 Bằng khen của Tổng cục Cảnh sát về thành tích trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Điểm tựa cho thành công trong công việc của Trung tá Tùng chính là gia đình. Anh may mắn khi có vợ cũng là một chiến sĩ Công an nên cảm thông được những vất vả của chồng để anh yên tâm công tác.
CATP Hà Tĩnh