Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo, chấp nhận hình phạt của bản án sơ thẩm

Ngày 7-5, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử ông Đinh La Thăng và các bị cáo có kháng cáo trong vụ án kinh tế xảy ra tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn được phân công làm chủ tọa phiên toà phúc thẩm. Trước đó, 15/22 bị cáo và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường so các quyết định mà Bản án hình sự sơ thẩm số 33/HSST ngày 22-1-2018 của TAND TP Hà Nội. Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo trong nhóm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bị Toà án cấp sơ thẩm buộc phải bồi thường thiệt hại cho PVN số tiền hơn 119 tỷ đồng, trong đó Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, mỗi bị cáo bồi thường số tiền 30 tỷ đồng. Nhóm bị cáo phạm tội tham ô tài sản bị Toà án cấp sơ thẩm buộc phải liên đới bồi thường cho PVC số tiền hơn 11 tỷ đồng, trong đó Trịnh Xuân Thanh bồi thường gần 4,4 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử.
Ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kháng cáo cho rằng, bản án sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ, toàn diện khách quan và giới hạn phạm vi trách nhiệm của bị cáo. Kết quả giám định thiệt hại của vụ án chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, dẫn đến việc Toà án cấp sơ thẩm đánh giá vai trò, trách nhiệm của ông chưa phù hợp, chưa công bằng và quyết định mức hình phạt quá nghiêm khắc. Ông Thăng trình bày, trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, mình đã thừa nhận trách nhiệm của mình với tư cách là Chủ tịch HĐTV PVN nhưng cũng chưa được Toà án cấp sơ thẩm đánh giá và xem xét một cách thỏa đáng. Vì thế ông Thăng đề nghị, TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét lại tội danh, hình phạt cũng như mức độ liên đới bồi thường thiệt hại đối với mình. Bản án của Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt ông Thăng 13 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tình tiết mới đã xuất hiện ngay khi phiên toà bắt đầu, khi Hội đồng xét xử thông báo, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựuChủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC)đã có đơn xin rút toàn bộ kháng cáo trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra.
Bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác tại phiên toà phúc thẩm.
Trước đó bị cáo Thanh kháng cáo kêu oan vì cho rằng, mình không tham gia vào các hành vi: tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng như bản án sơ thẩm quy kết. Trên cơ sở ấy, bị cáo Thanh đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại cho bị cáo về cả hai tội danh này và xem xét lại toàn bộ trách nhiệm dân sự cho bị cáo. Tại bản án sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Thanh tù chung thân về hai tội: tham ô tài sản và 14 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Con trai bị cáo Thanh là anh Trịnh Hùng Cường (người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án) cũng xin rút đơn kháng cáo. Trước đó, anh Cường kháng cáo đề nghị được trả lại tài sản của cha mình đang bị kê biên. Sau khi thông báo về việc ông Thanh và anh Cường xin rút đơn kháng cáo, Chủ tọa phiên toà cho biết, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã ra quyết định đình chỉ xét xử đối với ông Thanh vì bản án của Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với ông Thanh đã có hiệu lực pháp luật. Tại phiên xử phúc thẩm, ông Thanh có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Tại phiên toà phúc thẩm, một số bị cáo không kháng cáo và không bị Viện kiểm sát kháng nghị cũng bị triệu tập tham gia phiên tòa với tư cách người làm chứng trong vụ án gồm:Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN. Nguyễn Thành Quỳnh, cựu Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty cổ phần miền Trung-Công ty cổ phần Đà Nẵng. Phạm Tiến Đạt, cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty PVC. Lê Thị Anh Hoa, cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa. Đại diện nguyên đơn dân sự trong vụ án là PVN và PVC cũng có mặt tham dự phiên toà . Trong ngày xét xử đầu tiên, Hội đồng xét xử làm thủ tục kiểm tra căn cước các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, sau đó tóm tắt nội dung bản án của Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo. Theo bản án sơ thẩm, về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Thanh giữ vai trò chính trong việc chỉ đạo PVC ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định của pháp luật và xin cấp tạm ứng thực hiện hợp đồng khi chưa đủ điều kiện và quyết định sử dụng tiền tạm ứng trái luật. Về hành vi tham ô tài sản, bị cáo Thanh cũng giữ vai trò chính trong việc đề ra chủ trương sau đó cùng cấp dưới lập khống hồ sơ, rút tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó bị cáo Thanh trực tiếp chiếm đoạt 4 tỷ đồng. Phiên toà phúc thẩm dự kiến diễn ra trong 10 ngày.
Theo Báo CAND

CATP Hà Tĩnh