Trịnh Xuân Thanh: Từ xe Lexus biển xanh đến lệnh truy nã quốc tế
Từ chuyện chiếc xe Lexus gắn biển xanh, giờ đây, ông Trịnh Xuân Thanh phải giã từ con đường quan lộ và phải trả giá cho những sai phạm trong quá khứ.
Xe Lexus tư nhân gắn biển số xanh ở miền Tây
Cách đây hơn 3 tháng, dư luận cả nước không khỏi sửng sốt khi một số tờ báo phản ánh thông tin chiếc Lexus 570 trị giá hơn 5 tỷ đồng được đeo biển số xanh 95A-0699 chạy thản nhiên trên đường phố miền Tây. Chiếc xe này của ông Trịnh Xuân Thanh, lúc đó còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Ông Trịnh Xuân Thanh. |
Về chuyện này, ông Trịnh Xuân Thanh cho biết, xe gắn biển số 95A-0699 là của một người bạn của ông. Khi ông vào công tác ở Hậu Giang, do điều kiện của tỉnh chưa thể bố trí xe công vụ nên ông Thanh đã mượn của bạn để thuận tiện cho công việc. Khi dư luận phản ánh, tối 31/5, ông Thanh đã cho tài xế tháo biển số xanh, gắn lại biển số trắng “chính chủ”. Tuy nhiên, sau đó, những câu chuyện về con đường công danh kỳ ảo của ông Thanh vẫn liên tục được báo chí đề cập và khai thác.
Tổng Bí thư yêu cầu kiểm tra
Ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban cán sự đảng các bộ Công Thương, Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo chí phản ánh về việc sử dụng xe tư gắn biển xanh và những “di sản” của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh khi lãnh đạo PVC gây thua lỗ lớn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là “việc cần làm ngay” và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.
Ngày 13/6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ Công an, Công Thương và Tập đoàn Dầu khí làm rõ thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/6.
Ngày 14/6, trong công văn số 179 gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Công an, Tỉnh uỷ Hậu Giang thừa nhận “việc cấp tạm biển số xanh 95A-0669 là chưa đúng quy định”. Tỉnh uỷ đã kiểm tra và nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc làm này.
Ngày 16/6, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang vắng mặt ông Trịnh Xuân Thanh và tên ông Thanh cũng không xuất hiện trong danh sách giới thiệu đại biểu ứng cử chức danh Phó Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ này. Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh đã viết đơn gửi Tỉnh ủy và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021 xin không tái cử vào chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Chiều 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Sáng 15/7, phiên họp thứ 7 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia diễn ra, dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. 100% các thành viên trong Hội đồng Bầu cử có mặt tại phiên họp nhất trí không xác nhận tư cách Đại biểu Quốc hội khóa XIV của ông Trịnh Xuân Thanh. Như vậy, với việc ông Trịnh Xuân Thanh không được xác nhận tư cách đại biểu, Quốc hội khóa XIV sẽ có 495 đại biểu.
Ngày 18/7, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh.
Từ ngày 1/8-2/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã họp để kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cá nhân có liên quan trong việc tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 4/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về báo cáo nội dung liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang).
Tại kỳ họp lần thứ VI (từ ngày 6/9 đến ngày 8/9), Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trung ương đã đề nghị Ban bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ trong quá trình kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm; những khuyết điểm, vi phạm của ông Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh.
Cũng trong ngày 8/9, ông Lê Công Lý - Chánh văn phòng Tỉnh ủy kiêm người phát ngôn của Tỉnh ủy Hậu Giang đã ký Công văn số 137-TB/VPTU ngày 8/9/2016 thông báo một số nội dung liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Công văn nêu rõ: Đến ngày 8/9/2016, Văn phòng Tỉnh ủy đã nhận được văn bản của ông Trịnh Xuân Thanh gửi cho Thường trực Tỉnh ủy (văn bản được photo gửi qua đường bưu điện).
Theo nội dung văn bản, ông Trịnh Xuân Thanh giải trình một số vấn đề liên quan đến bản thân ông do Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đặt ra, đồng thời có nguyện vọng xin ra khỏi Đảng. Như vậy đến thời điểm hiện tại (8/9/2016), Thường trực Tỉnh ủy đã nhận được đơn xin ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và xin ra khỏi Đảng của ông Trịnh Xuân Thanh. Đồng thời, Thường trực Tỉnh ủy đã có Công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh để báo cáo những vấn đề nêu trên.
Khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh
Ngày 8/9, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có quyết định kỷ luật khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh khỏi Đảng.
Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang có Công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh. Theo đó, ông Trịnh Xuân Thanh phải có mặt tại Hậu Giang vào ngày 13/9, để xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, đến ngày 13/9, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa trở lại tỉnh Hậu Giang và cũng không hề có thông tin phản hồi nào về Công văn triệu tập đó. Tỉnh ủy Hậu Giang không thể liên lạc được với ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 163 Bộ Luật Hình sự xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên. Đồng thời ra quyết định khởi tố 4 bị can gồm: Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC.
Chiều 16/9, tại Trụ sở Tỉnh ủy Hậu Giang, Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Hậu Giang để triển khai quyết định của Ban Bí thư về việc khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Đảng.
Do ông Trịnh Xuân Thanh không có mặt nên đại diện Chi bộ 3 - Đảng bộ Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, nơi ông Trịnh Xuân Thanh sinh hoạt Đảng nhận Quyết định.
Cũng trong ngày 16/9/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh./.
Theo VOV
CATP Hà Tĩnh