Trộm cắp tài sản tại các cơ sở lưu trú: Bất cẩn, khách lưu trú khó đòi quyền lợi
Thời gian qua, ở nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi có điểm du lịch nổi tiếng, tình trạng khách mất trộm tài sản tại nhà nghỉ, khách sạn diễn ra khá phổ biến. Hiện tượng này không chỉ gây bức xúc cho du khách mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ sở lưu trú.
Khóa cửa, gửi chìa khóa phòng vẫn mất trộm Ngày 3-9 vừa qua, tại một khách sạn nằm trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) xảy ra vụ mất trộm khá hy hữu. Ông P.M. H, một du khách tới từ Hà Nội trong thời gian lưu trú tại khách sạn này đã bị mất trộm đồ đạc cùng tiền mặt với tổng giá trị lên tới trên 300 triệu đồng. Ngay sau khi phát hiện sự việc, ông H đã báo cho lễ tân và quản lý khách sạn. Kết quả kiểm tra camera an ninh của khách sạn cho thấy, nhân viên khách sạn đã đưa chìa khóa phòng ông H cho một nam thanh niên khác. Điều đáng nói là, khi vào khách sạn gặp lễ tân lấy chìa khóa, thanh niên này mặc đồ tắm nhưng lúc quay ra, anh ta mặc bộ quần áo và đi đôi dép của ông H. Cũng tại Đà Nẵng, cuối tháng 8 vừa qua ông H.V.D (ở tỉnh Bắc Giang) đã bị mất cắp khi lưu trú tại một khách sạn trên đường Phan Liêm, quận Ngũ Hành Sơn. Theo ông D, trước khi ra ngoài, ông D đã gửi chìa khóa phòng ở lễ tân. Sau khi tắm xong, nhận lại chìa khóa về phòng, ông D phát hiện đã bị mất toàn bộ tiền mặt và 1 điện thoại di động với tổng giá trị tài sản khoảng 40 triệu đồng. Còn tại Thanh Hóa, trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, nhiều du khách ở Hà Nội khi lưu trú tại khách sạn B.M - một khách sạn 3 sao có tiếng ở biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa cũng đã bị mất tiền và một số tài sản có giá trị. Trước đó, tại Hà Nội, anh T.X.M (SN 1979, ở TP.HCM) thuê phòng tại khách sạn trên phố Trần Tử Bình, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy để lưu trú trong chuyến công tác ở Hà Nội. Sau khi ngủ qua đêm tại khách sạn, anh M gửi khóa phòng cho nhân viên lễ tân để đi ra ngoài. Cuối ngày, anh M quay về phòng thì phát hiện cửa phòng bị mở tung cùng số tiền gần 10 triệu đồng để trong vali đã… không cánh mà bay. Những vụ việc trên cho thấy, tình trạng khách lưu trú bị mất trộm tiền, tài sản tại khách sạn diễn ra khá phổ biến. Chị Trần Thị Bích Hoa (ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - người thường xuyên đi du lịch cho rằng, du khách khi lưu trú tại một khách sạn nào đó thường không có thói quen đọc nội quy, không cất tài sản, đồ đạc có giá trị vào trong két sắt của khách sạn hoặc gửi ở quầy lễ tân mà đặt niềm tin hoàn toàn vào khóa cửa phòng. Bên cạnh đó, tâm lý thích chia sẻ thông tin về số phòng, tên khách sạn đang ở của khách lưu trú với người lạ cũng là kẽ hở để một số đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng. “Đến khi xảy ra sự việc mất trộm, du khách thường lo lắng, mất bình tĩnh, trong khi đó, cơ sở lưu trú thường chậm trễ trong việc xác minh sự việc, không nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho du khách. Đây cũng là lý do khiến những vụ mất trộm tại khách sạn, nhà nghỉ khó có thể giải quyết dứt điểm nhanh chóng, gây mất thời gian, công sức của các bên liên quan” - chị Hoa chia sẻ. “Chờ được vạ thì má đã sưng” Có thể nói, nguyên nhân chính xảy ra mất trộm ở khách sạn thường do kẻ gian từ bên ngoài đột nhập, khách đi ra ngoài vô ý không khóa cửa hoặc bị bạn bè, người quen lấy trộm tài sản. Bên cạnh đó, hiện có một số đối tượng trộm cắp dùng thủ đoạn thuê cùng khách sạn, sau đó theo dõi và đột nhập các phòng để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của du khách. “Khi bị mất trộm, nếu không có hợp đồng gửi giữ tài sản, khách lưu trú vẫn có quyền khởi kiện khách sạn ra tòa đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do việc mất tiền xảy ra ngay tại khách sạn. Về nguyên tắc, khách sạn phải bảo đảm về an ninh trật tự, không làm thất thoát tài sản của khách lưu trú. Song để được bồi thường, người mất tài sản phải chứng minh được là họ có số tiền, tài sản đó đã đem đến để trong khách sạn và bị mất ngay tại khách sạn” - luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định. Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, trách nhiệm chung của chủ khách sạn, nhà nghỉ là phải bảo đảm an ninh, an toàn cho khách và tài sản của khách. Để xảy ra tình trạng mất trộm ngay trong cơ sở lưu trú nghĩa là khách sạn, nhà nghỉ chưa thực hiện tốt trách nhiệm này. Còn trong trường hợp khách đã gửi tài sản, nghĩa là hợp đồng gửi giữ đã được xác lập thì theo Điều 559 BLDS 2005, bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công. Do vậy, nếu để mất tài sản của khách thì khách sạn phải có trách nhiệm bồi thường. Điều đáng nói là, hiện hầu hết các khách sạn đều có nội quy quy định khách trọ phải gửi những tài sản có giá trị lớn ở quầy lễ tân khi ra ngoài. Văn bản này do khách sạn đơn phương đưa ra, nên nội dung hoàn toàn có lợi cho họ. Trong khi đó, quy định này thường ít được khách thuê phòng quan tâm do sợ phiền hà, mất thời gian (trừ những trường hợp khách mang theo số tiền quá lớn hoặc tài sản có giá trị cao), song hầu hết các khách sạn dường như chỉ ban hành nội quy cho có mà không lưu ý nhắc nhở khách thực hiện quy định này. Đến khi xảy ra mất trộm, các khách sạn đều dựa vào nội quy để từ chối bồi thường cho khách. Do vậy, để hạn chế rủi ro, khi lưu trú tại bất cứ cơ sở nào, du khách cần có biện pháp tự bảo quản tài sản của mình, tránh trường hợp “chờ được vạ thì má đã sưng”. Cơ sở lưu trú và khách nghỉ phải nâng cao cảnh giác "Trộm cắp trong các nhà nghỉ, khách sạn thường thuộc dạng đối tượng táo tợn, là lưu manh chuyên nghiệp hoặc hoạt động có tính chất băng nhóm. Địa bàn phường Hàng Trống trước đây từng xảy ra vụ trộm, đối tượng thuê nhiều phòng trong nhiều ngày rồi tìm cách đánh chìa khóa phòng, sau đó quay lại, trong vai khách trọ, khoắng tài sản. Tiền mặt, đồ trang sức, đồ điện tử đắt tiền… đó là những “ưu tiên” của tội phạm trộm cắp dạng này. Trước khi ra tay, tội phạm thường dành nhiều thời gian để “nghiên cứu”, nắm bắt sơ hở của cơ sở lưu trú. Chính vì vậy, khuyến cáo thường xuyên mà CAP tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở lưu trú là chủ động “bịt” mọi sơ hở để phòng ngừa kẻ gian. Những cơ sở lưu trú có điều kiện, nên thay thế khóa chìa bằng khóa từ. Cần thường xuyên nhắc nhở khách thuê phòng đóng cửa sổ khi ngủ hoặc lúc rời phòng. Vấn đề này, chúng tôi đã hướng dẫn các cơ sở lưu trú nên lập thành nội quy để khách trọ thực hiện. Công tác quản lý, nắm bắt khách thuê phòng cũng hết sức cần thiết; phải nhớ được khách đi theo đoàn hay đi đơn lẻ, và cần thông tin đến cơ quan công an ngay khi phát hiện nghi vấn về khách. Đối với khách thuê phòng, nên sử dụng két sắt mà nhiều khách sạn, nhà nghỉ trang bị, bố trí ngay trong phòng, để đựng tài sản có giá trị. Yêu cầu cũng hết sức cần thiết đối với các chủ cơ sở lưu trú, là có ý thức cập nhật thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trộm cắp để phòng ngừa. Đặc biệt, không nên vì e ngại ảnh hưởng kinh doanh mà “giấu” sự vụ xảy ra tại cơ sở của mình. Càng bị phát hiện sớm, thông tin rộng, tội phạm trộm cắp càng nhanh bị bắt giữ." (Thượng úy Trần Trung Kiên - Phó trưởng CAP Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
CATP Hà Tĩnh