Trung Quốc muốn gì sau chuyến "viễn giao"?
Chuyến thăm Cuba đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc sau hơn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao đã cho thấy Trung Quốc dường như không muốn chậm chân hay kém cạnh các nước khác trong việc cạnh tranh ảnh hưởng tại Cuba, nước láng giềng vừa nối lại giao thương với Mỹ.
[caption id="" align="aligncenter" width="621"] Ông Lý Khắc Cường là Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên tới thăm Cuba trong 56 năm qua.[/caption] Như dồn nén suốt hơn 50 năm có quan hệ ngoại giao chính thức vào tháng 9-1960, đại diện của Trung Quốc và nước chủ nhà đã ký tới 12 văn kiện hợp tác trong chuyến thăm chính thức Cuba của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Cũng khá ngạc nhiên khi được mô tả là có mối “quan hệ hữu nghị truyền thống” và năm nào lãnh đạo Trung Quốc cũng tới trụ sở LHQ để tham dự khóa họp Đại hội đồng và kết hợp thăm các quốc gia ở châu Mỹ, song phải tới hơn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ mới có một Thủ tướng Trung Quốc tới thăm chính thức Cuba. Trong số những văn bản được ký kết ngay tại lễ đón chính thức và cuộc hội đàm ngày 24-9 giữa Chủ tịch Cuba Raul Castro và Thủ tướng Lý Khắc Cường, đáng chú ý có các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nghiên cứu y học, tin học, phát triển công nghiệp, an ninh hải quan và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, hai bên cũng đã ký thỏa thuận về việc Trung Quốc xóa nợ cho Cuba và cung cấp 4 khoản tín dụng mới cho các dự án sẽ được triển khai tại Thủ đô La Habana. Kết quả chuyến thăm Cuba đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc cùng hơn mười thỏa thuận hợp tác được lãnh đạo hai nước nhìn nhận sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực và thắt chặt, nâng quan hệ giữa hai quốc gia lên một tầm cao mới. Nói như ông Lý Khắc Cường, bất chấp khoảng cách địa lý giữa hai nước, chuyến thăm là một cột mốc lịch sử, mở ra chương mới trong quan hệ giữa Cuba và Trung Quốc. Ông Lý Khắc Cường là Thủ tướng đầu tiên của Trung Quốc tới thăm Cuba trong bối cảnh quốc gia Caribe này đang tiến hành mở cửa mạnh mẽ sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ cũng như Liên minh châu Âu (EU). Đây là những tiền đề quan trọng để Cuba mở mang quan hệ, đổi mới và cải cách kinh tế nhằm phát triển kinh tế-xã hội. Ngược lại, không chỉ các nước phương Tây, nhiều đối tác tiềm năng khác trên khắp thế giới cũng không muốn “chậm chân” trong việc củng cố quan hệ để mở đường cho việc hợp tác làm ăn với Cuba. Rất đáng chú ý là chỉ 2 ngày trước chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng có chuyến công du lịch sử lần đầu tiên tới Cuba trong hai ngày 22 và 23-9. Trong chuyến thăm của ông Abe, Nhật Bản không chỉ nhất trí xóa tới 2/3 trong khoản nợ 180 tỷ yên (tương đương 1,75 tỷ USD) cho Cuba mà còn để lại số nợ khoảng 660 triệu USD tại Cuba để lập một quỹ nhằm tạo điều kiện cho các công ty Nhật Bản đến làm ăn, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước. Trung Quốc với chiến lược trở thành một cường quốc toàn cầu cũng không muốn chậm chân hay kém cạnh các nước khác trong việc cạnh tranh ảnh hưởng tại Cuba. Áp dụng đối sách “Viễn giao cận công” vốn được chiến lược gia Phạm Thư nhà Ngụy khởi xướng từ đời Chiến Quốc, Bắc Kinh còn có thêm lý do khác để “viễn giao” với Cuba khi mà họ đang “cận công” nhiều quốc gia khác trong khu vực để hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền phi lý trên nhiều vùng biển lân cận.
CATP Hà Tĩnh