Trung Quốc thử lửa thế hệ lãnh đạo 7X, tìm người kế nhiệm ông Tập
Giới quan sát bắt đầu nhận diện những chính trị gia sinh vào thập niên 1970 được thử sức trong các vị trí lãnh đạo địa phương, đi theo hướng phát triển như ông Tập trong quá khứ.
Giới quan sát chính trị Trung Quốc đang tìm kiếm các chỉ dấu để xác định thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Trung Quốc. Họ tập trung vào những quyết định gần đây bổ nhiệm các chính trị gia sinh trong thập niên 1970 hoặc trẻ hơn vào hàng loạt vị trí thứ trưởng và phó lãnh đạo cấp tỉnh, thành.
Theo SCMP, những ngôi sao chính trị mới nổi có khả năng đang được đào tạo, trui rèn cho các vai trò lãnh đạo trong tương lai tại Bắc Kinh.
Điều đáng chú ý là những nhân vật trẻ tuổi này được xếp vào nhóm "thế hệ lãnh đạo thứ bảy" của Trung Quốc, nhưng lại có khả năng rất lớn sẽ vượt mặt những tiền bối của mình trong "thế hệ lãnh đạo thứ sáu" một khi ông Tập Cận Bình nghỉ.
Khó xuất hiện người kế nhiệm năm 2022
Giới nghiên cứu Trung Quốc thường phân chia giai đoạn chính trị tại Bắc Kinh dưới lăng kính thế hệ.
Ông Giang Trạch Dân, giữ vị trí tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1989-2002, được xem là "hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ ba", sau thế hệ của những nhà lãnh đạo kỳ cựu là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Người kế nhiệm ông Giang, cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ tư. Ông Tập Cận Bình là người của thế hệ thứ năm.
Ông Tập Cận Bình là hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã . |
Hai người tiền nhiệm của ông Tập, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đều rời khỏi vị trí tổng bí thư sau hai nhiệm kỳ năm năm. Tuy nhiên, tại đại hội đảng toàn quốc năm 2017, giới quan sát nhận thấy có rất ít những gương mặt được xem là thế hệ lãnh đạo thứ sáu.
Theo truyền thống, việc tham gia vào Thường vụ Bộ chính trị là tiền đề cho một chính trị gia Trung Quốc được xem là ứng viên cho vị trí lãnh đạo cao nhất của nước này. Cả ông Tập Cận Bình và trước đó là ông Hồ Cẩm Đào đều là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong ít nhất năm năm, trước khi trở thành tổng bí thư.
Quốc hội Trung Quốc tháng 3/2017 nhất trí điều chỉnh hiến pháp, bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí chủ tịch nước. Động thái này làm tăng thêm những kỳ vọng rằng ông Tập sẽ tiếp tục nắm vai trò lãnh đạo sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2022.
"Với bước đi điều chỉnh hiến pháp loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ (chủ tịch nước), không nhiều người kỳ vọng nhìn thấy sự kế thừa diễn ra trong kỳ đại hội đảng kế tiếp", Yun Sun, học giả người Hàn Quốc , giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ( Mỹ ), dự báo.
"Nhiều người dự đoán hoặc kỳ vọng ông Tập sẽ tiếp tục lãnh đạo. Hiện không có nhân vật nào có khả năng kế nhiệm", bà cho biết.
Xuất hiện "thế hệ thứ bảy"
Một nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải dự báo có khả năng rất cao những chính trị gia sinh vào thập niên 1970 hoặc thậm chí đầu 1980 sẽ lên thẳng vị trí lãnh đạo. Điều kiện đặt ra là những gương mặt trẻ cần thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho toàn hệ thống và lòng trung thành với nhà lãnh đạo hiện nay, không có liên kết gần gũi với bất kỳ phe phái chính trị nào.
Ít nhất ba nhân vật trong thế hệ thứ sáu đã "ngã ngựa" vì bị điều tra tham nhũng trong năm qua: cựu lãnh đạo ngành năng lượng gốc Duy Ngô Nhĩ Nur Bekri (57 tuổi), cựu ủy viên Bộ Chính trị và bí thư tỉnh Trùng Khánh Tôn Chính Tài (55 tuổi), và cựu chủ tịch tỉnh Phúc Kiến Tô Thụ Lâm (56 tuổi).
Những diễn biến này làm tăng khả năng người kế nhiệm ông Tập Cận Bình sẽ nằm trong nhóm 7X.
Phần lớn những chính trị gia có tiềm năng đang làm việc tại các vị trí lãnh đạo chính quyền hoặc lãnh đạo đảng ủy cấp tỉnh ở Thượng Hải, Giang Tô, Sơn Đông, Quý Châu, Quảng Tây, Phúc Kiến, Tứ Xuyên.
Tôn Chính Tài, cựu bí thư tỉnh Trùng Khánh bị điều tra tham nhũng, là gương mặt thuộc thế hệ lãnh đạo thứ sáu. Ảnh: Nikkei . |
Người trẻ nhất trong nhóm này là Dương Tấn Bá, sinh năm 1973. Ông được bổ nhiệm là phó chủ tịch tỉnh Quảng Tây vào tháng 11/2018. Dương xuất thân là một kỹ sư điện. Trước khi được thăng chức, ông từng đảm nhiệm ghế phó chủ tịch Tập đoàn Lưới điện Quốc gia. Ông nằm trong diện cán bộ được đích thân ông Tập lựa chọn để "thử lửa" ở cấp tỉnh trước khi cân nhắc bổ nhiệm vào những vị trí cao hơn.
Một nhân vật đáng chú ý khác là Trưởng ban thư ký Thành uỷ Thượng Hải Gia Cát Vũ Kiệt. Ông cũng chỉ mới 47 tuổi.
Hai người lớn tuổi nhất trong danh sách, đều sinh vào tháng 1/1970 và đang giữ vị trí ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quý Châu, là Thời Quang Huy và Lưu Tiệp. Trước khi đến Quý Châu, ông Thời là phó thị trưởng thành phố Thượng Hải. Ông cũng nhậm chức vào tháng 11/2018.
"Tiêu chí chọn các lãnh đạo hàng đầu là tinh thần trách nhiệm, ự trong sạch, lòng trung thành với đảng và sự chân thành khi vận dụng các tư tưởng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc", ông Tập cho biết trong một hội nghị vào tháng 7 vừa qua.
Đi theo mô hình của ông Tập
Yếu tố "lòng trung thành" một lần nữa được ông Tập nhấn mạnh trong một hội nghị cuối tháng 12 của Bộ Chính trị Trung Quốc, diễn ra tại Bắc Kinh trong vòng hai ngày.
Ông nhấn mạnh rằng những quan chức hàng đầu của Trung Quốc cần có "tinh thần chiến đấu" và phải được "đặt ở tiền tuyến để trau dồi năng lực".
Bản thân ông Tập cũng từng kinh qua nhiều vị trí tại các tỉnh Hồ Bắc, Phúc Kiến, Chiết Giang và thành phố Thượng Hải trong hơn hai thập niên, trước khi được đề bạt vào Thường vụ Bộ chính trị năm 2007.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhiều lần nhấn mạnh các quan chức hàng đầu của đất nước cần đến từ "ngũ hồ, tứ hải" - hàm ý thế hệ lãnh đạo kế tiếp cần có xuất thân đa dạng hơn.
Việc nhấn mạnh vào yếu tố đa dạng có thể là cách để phá vỡ truyền thống đề bạt cũ, đưa những quan chức có cùng gốc gác hoặc tổ chức cũ lên những vị trí lãnh đạo cấp cao. Sự thay đổi này có thể mở đường cho thế hệ thứ bảy thăng tiến sớm.
Dương Tấn Bá, phó chủ tịch tỉnh Quảng Tây, là nhân vật tiềm năng bước vào thế hệ lãnh đạo thứ bảy. Ảnh: Tân Hoa xã . |
Đinh Học Lương, giáo sư xã hội học Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho rằng những cán bộ trẻ tuổi có kinh nghiệm quản lý cấp tỉnh sẽ có lợi thế hơn nhóm chính trị gia kỹ trị đang làm việc trong các bộ, ngành trong những quyết định đề bạt.
"Một bộ trưởng giống như chuyên gia trong một lĩnh vực mang tính đặc thù. Tuy nhiên, một nhà quản lý có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề của hàng triệu người sẽ được đánh giá là toàn diện hơn và đảm bảo năng lực hơn", giáo sư này nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Yun Sun của Trung tâm Stimson cho rằng những yếu tố trên, như kinh nghiệm quản lý và xuất thân của ứng viên, sẽ không quan trọng bằng việc lãnh đạo kế tiếp sẽ tiếp tục các chính sách của ông Tập.
"Chúng ta vẫn chưa thể dự báo được thời điểm ông Tập về hưu. Vậy nên những phỏng đoán về thế hệ lãnh đạo sinh vào thập niên 1970 không có nhiều ý nghĩa", bà chia sẻ.
"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ông Tập sẽ muốn người kế nhiệm duy trì tầm nhìn của ông ấy: đó là một nước Trung Quốc mạnh, dân tộc Trung Quốc được chấn hưng, và giữ sự kiểm soát của đảng đối với chính trị trong nước", Yun Sun cho biết.
CATP Hà Tĩnh