Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Trưởng thành từ gian khó

Thực hiện Nghị quyết số 245/NQ – TW ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng “Về việc giải thể các Khu, hợp nhất một số tỉnh”. Từ ngày 22 – 27/12/1975, Quốc hội khóa V, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tiến hành kỳ họp thứ hai thông qua Nghị quyết về hoàn thành thống nhất Tổ quốc, quyết định bỏ cấp khu tự trị và hợp nhất một số tỉnh, sáp nhập một số huyện, trong đó có hợp nhất tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành Nghệ Tĩnh. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký quyết định quy định tổ chức bộ máy của Ty Công an Nghệ Tĩnh. Chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, ngày 16/8/1991 Ban Chấp hành Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đã họp ra Nghị quyết số 26/NQ TU “Bàn về chia tách 2 tỉnh”. Căn cứ chủ trương cấp trên, Ban Giám đốc Công an Nghệ Tĩnh đã họp và triển khai kế hoạch chia tách Công an tỉnh Nghệ Tĩnh thành Công an tỉnh Nghệ An và Công an Hà Tĩnh. Ngày 28/8/1991, Công an Hà Tĩnh bắt đầu chuyển địa điểm công tác từ thành phố Vinh về Thị xã Hà Tĩnh. Ngày 1/9/1991 Công an tỉnh Hà Tĩnh chính thức làm việc tại Thị xã Hà Tĩnh sau 15 năm sáp nhập tỉnh (1976 – 1991). Nhân dịp kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, tái lập Công an tỉnh Hà Tĩnh (1991 – 2016), Ban biên tập Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Hà Tĩnh trích dẫn lại Hồi ức của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tân, Nguyên Giám đốc Công an tỉnh (năm 2013) về những kỷ niệm đối với lực lượng Công an Hà Tĩnh những ngày đầu tái lập tỉnh…

Tháng 9/1991 khi Nghệ Tĩnh được chia tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thì cũng là lúc Công an Hà Tĩnh được tái lập. Cán bộ, chiến sỹ - những người con của Núi Hồng, Sông La lại hăm hở trở về xây dựng quê hương Hà Tĩnh giống như 15 năm trước đó ra TP Vinh nhận nhiệm vụ thực hiện hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. 22 năm đã qua, đến bây giờ nhìn lại để thấy được điểm xuất phát khó khăn nhiều hơn thuận lợi và thấy được sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng.

Nhớ lại những ngày đầu mới tái lập tỉnh, tình hình ANTT có nhiều diễn biến phức tạp. Tội phạm hình sự, nhất là tội phạm giết người, cướp của, các băng, ổ nhóm, sử dụng vũ khí nóng hoạt động lộng hành; mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân nhiều nơi trở thành những “điểm nóng”, phức tạp, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân, đòi hỏi sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt từ lãnh đạo đến cán bộ, chiến sỹ.

Về cơ sở vật chất của Công an tỉnh hầu như không có gì, ngoài tiếp nhận trụ sở của Công an thị xã Hà Tĩnh, phương tiện, điều kiện làm việc đời sống của cán bộ, chiến sỹ thiếu thốn và rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhà ở, vợ con của cán bộ, chiến sỹ hầu hết đang ở TP Vinh và các huyện khác của tỉnh Nghệ An. Bấy giờ cán bộ, chiến sỹ thường truyền tai nhau câu nói cửa miệng “Sập cầu, cháy chợ, nợ chồng chất, vợ con xa…” để nói lên hoàn cảnh khó khăn lúc ấy; nhưng vượt lên trên hết, xác định được trách nhiệm của mình, cán bộ chiến sỹ Công an Hà Tĩnh đã tham mưu và trực tiếp giải quyết hàng loạt tình hình, vụ việc, đem lại sự bình yên cho quê hương mà tiêu biểu là ổn định tình hình ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Trung Lương (Thị xã Hồng Lĩnh), Thanh Lộc, Minh Lộc (huyện Can Lộc), tiêu diệt tên tội phạm nguy hiểm Nguyễn Văn Thường ở Sơn Quang (Hương Sơn…). Những kết quả đó đã làm nức lòng nhân dân, lập lại tình hình an ninh trật tự những ngày đầu còn bộn bề khó khăn đó.

Mỗi một vụ án, mỗi một chiến công là cả sự hy sinh thầm lặng của tập thể lãnh đạo đến mỗi một cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Tĩnh. Vụ án tiêu diệt tên tội phạm nguy hiểm Nguyễn Văn Thường ở xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn trở về trong hồi ức như một cuốn phim mà từng đoạn, từng hồi của nó tôi còn nhớ như in.

Nguyễn Văn Thường (thường gọi là Thường Lê) – tên tội phạm hung hãn, giết chết nhiều người, trong có nhiều người không mâu thuẫn với hắn. Để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, tên Thường lẫn trốn vào nhiều nhà dân, dùng súng khống chế, bắt nhân dân ở vùng này phải cung cấp và phục vụ ăn uống cho y. Thường đe dọa, nếu ai tố cáo với Công an thì sẽ bị bắn chết. Hơn cả tháng trời, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn bị phong tỏa, nhiều người phải sang xã khác để trú ngụ như xã Sơn Diệm, Sơn Giang… Tối tối, đường làng vắng hoe hoắt, nhiều khi chỉ một tiếng động nhẹ trong lùm cây cũng làm nhiều người giật mình, hoảng sợ, tưởng tên Thường lắp súng sắp nã đạn. Một không khí căng thẳng bao trùm, sản xuất, đời sống của xã bị đình trệ nghiêm trọng.

Khi đó tôi là Phó Giám đốc Công an tỉnh, ngày 4/9/1991, tôi chủ trì cuộc họp với các phòng liên quan và Công an huyện Hương Sơn để giải quyết vụ án, quyết định thành lập Ban chuyên án do đồng chí Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Phạm Ngọc Thạch làm trưởng ban. Ban Giám đốc đã thống nhất cùng Ban chuyên án thực hiện 3 phương án: Một là vận động, thuyết phục đối tượng ra đầu thú, hai là tận dụng lúc sơ hở của đối tượng để tước vũ khí và bắt sống, ba là khống chế, bao vây, tập kích, bắt sống hoặc tiêu diệt đối tượng.

Ban chuyên án đã tập trung thực hiện phương án 1 và 2 nhưng không mang lại kết quả, đối tượng ngày càng tỏ ra ngoan cố, thường xuyên thay đổi nơi ẩn náu, ở nhà nào cũng bắt người dân phục vụ cơm nước và có một người bên cạnh để làm con tin. Quá trình nghiên cứu kỹ quy luật hoạt động của tên Thường, lãnh đạo Công an tỉnh quyết định chọn phương án 3 là khống chế, bao vậy, tập kích bắt sống đối tượn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Huy Thông, lúc đó là trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy, quê Hương Sơn được phân công làm công tác tư tưởng cho cấp ủy chính quyền địa phương. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cử hai đồng chí Thành và Mạo trưởng ban quân báo và trưởng ban tác chiến đến hỗ trợ tổ công tác. Tôi nhận nhiệm vụ đưa lực lượng cảnh sát cơ động để tổ chức tiêu diệt tên tội phạm nguy hiểm. Đồng chí Lê Hữu Tăng – phó trưởng phòng cảnh sát bảo vệ trực tiếp chỉ huy lực lượng cảnh sát cơ động, phối hợp lực lượng Quân đội, Biên phòng và dân quân tự vệ được điều động đến xã Sơn Quang. Lúc này đối tượng đang ẩn náu ở nhà chị Xanh, tên Thường giữ làm con tin nên không rời khỏi nhà nửa bước, lực lượng Công an đã sơ tán những người dân sống gần nhà chị Xanh đến nơi an toàn, đồng thời bí mật báo cho chị Xanh tìm mọi cách để ra khỏi nhà nhưng tên Thường cảnh giác không để cho chị Xanh rời khỏi y nửa bước.

Đúng 10 giờ ngày 15/10/1991, lệnh bao vây, phong tỏa khu vườn và nhà chị Xanh được thực hiện. Lực lượng Công an đã bố trí một mũi tấn công chính diện và 3 mũi đón lỏng tiếp quản vị trí. Đến 13h 15 phút, lệnh tác chiến vào mục tiêu tên Nguyễn Văn Thường bắt đầu, ta dùng loa phóng thanh kêu gọi tên Thường hạ vũ khí đầu hàng, nhưng y vẫn ngoan cố không chịu đầu hàng. Ta cho ném quả nổ vào vách nhà chị Xanh nhằm phá bức tường để lộ rõ mục tiêu, tiếp đến dùng thủ pháo ném vào nhà bếp và nhà chính, thủ pháo nổ làm tung bức vách buồng ngủ và làm cháy nhà bếp. Lúc này, tên Thường dùng súng bắn trả quyết liệt, một tay y cầm súng, một tay ghì chặt chị Xanh chạy ra khỏi nhà. Lúc y chạy đến gần nhà ta tiếp tục cho ném quả nổ làm chị Xanh bật ra khỏi người y nằm ngất bên luống khoai, y nhổm dậy để chạy thì tổ tập kích được lệnh nổ súng tiêu diệt, tên Thường ngã gục tại chỗ. Hàng trăm người dân và cán bộ, chiến sỹ đảm bảo an toàn, họ trở về tiếp tục cuộc sống mới.

Thời gian cứ thế trôi đi, những kỷ niệm trong đời, trong nghề cứ nhân lên theo năm tháng. Chiến công đầu của những ngày mới tái lập tỉnh không thể phai mờ trong trái tim và khối óc của tôi và đồng đội cùng trang lứa. Sự nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng tay súng không một phút nơi lỏng, ý chí tiến công luôn được mài sắc. Trên con đường chiến đấu gian khổ nhưng tự hào của lực lượng Công an nhân dân, sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi, để chúng tôi vững tin, bước tiếp và trưởng thành bắt đầu từ những ngày còn gian khó.

Giờ đây, đã 22 năm trôi qua, mỗi lần nhớ về những lần chiến đấu khó khăn, vất vả trong tim tôi lại dâng trào những cảm xúc nhớ đến đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ ngày ấy, đến nay người còn, người mất, như đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đầu tiên Nguyễn Tiến Tuẫn; đồng chí Phó Giám đốc Nguyễn Huy Truyền; phó ban chỉ huy an ninh, Trưởng phòng Võ Hữu Duyệt, v.v… và còn biết bao đồng chí nghỉ hưu trên mọi miền đất nước, nhiều người đang công tác trong lực lượng CAND, họ có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ ANTT, từ những quyết định đúng đắn kịp thời, nhằm xử lý tình hình, xử lý vụ việc, bố trí cán bộ đúng, ổn định đời sống cho cán bộ, chiến sỹ, xây dựng doanh trại từ Công an tỉnh đến các đơn vị cơ sở.

Đến hôm nay, bước vào giai đoạn thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và chiến lược phát triển kinh tế 2011 – 2020, đặt ra nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sỹ  nặng nề và phức tạp hơn. Đó là đảm bảo sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các dự án lớn được triển khai, doanh nghiệp và nhân dân được đầu tư và làm ăn tự do theo pháp luật, phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành có nông nghiệp, công nghiệp phát triển, thực hiện thắng lợi chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tôi gửi gắm một niềm tin và các thế hệ cán bộ, chiến sỹ của Công an Hà Tĩnh trong giai đoạn mới hiện nay, dẫu nhiệm vụ nặng nề, khó khăn và phức tạp hơn nhiều, đối tượng, đối tác quyện chặt, yêu cầu thực thi pháp luật và dân chủ yêu cầu rất cao, công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, công tác hậu cần phục vụ chiến đấu đòi hỏi cao hơn thời kỳ vừa qua, nhưng với truyền thống “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” tuổi trẻ công an Hà Tĩnh sẽ phấn đấu, nỗ lực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Tôi cũng mong muốn lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực ANTT, lực lượng Công an phát huy mối đoàn kết giữa các ngành, các lực lượng và quần chúng nhân dân, giữ bình yên cuộc sống, phục vụ sự nghiệp phát triển và đi lên của tỉnh nhà.

Hoàng Xuân Lý (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tân. Tháng 8/2013)

CATP Hà Tĩnh