Tư lệnh đầu tiên của lực lượng CAND vũ trang
Thời gian đồng chí Phan Trọng Tuệ với chức danh Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang từ năm 1958 đến 1960 đã đạt nhiều kết quả trong xây dựng lực lượng, công tác.
Nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phan Trọng Tuệ (7-7-1917 – 7-7-2017)
Khi tôi đang làm Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị của Bộ Công an, có nhiệm vụ đấu tranh chống các loại gián điệp của đế quốc tư bản, đảng phái phản động và các loại âm mưu, phá hoại cách mạng để bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ và cuộc sống yên bình của nhân dân thì nhận được quyết định của Trung ương ký ngày 3-5-1958, đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Công an.
Đồng thời Trung ương có quyết định đề bạt đồng chí Phan Trọng Tuệ, Thiếu tướng Quân đội nhân dân sang làm Thứ trưởng Bộ Công an. Thời gian này, có thể nói cả hai chúng tôi là thứ trưởng đầu tiên của lực lượng Công an.
Trải qua một thời gian nghiên cứu khảo sát thực tế, để hợp lý tổ chức, thống nhất lực lượng và tăng sức mạnh bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, bờ biển, hải đảo, Đảng đoàn Bộ Công an đã báo cáo đề nghị Bộ Chính trị cho chuyển toàn bộ lực lượng Bộ đội Biên phòng thuộc Quân đội nhân dân sang Bộ Công an quản lý và sử dụng.
|
Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh CAND vũ trang thăm lực lượng CAND vũ trang tỉnh Hà Đông cũ năm 1959. |
Được sự nhất trí của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định ngày 3-3-1959, cho thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, thuộc Bộ Công an. Ngày 28-3-1959, Bộ Công an đã tổ chức trọng thể lễ thành lập lực lượng tại Câu lạc bộ quân nhân, có nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đến dự. Lãnh đạo Bộ Công an và đại diện các đơn vị nghiệp vụ có mặt đầy đủ. Đặc biệt trong buổi lễ trọng thể này, Bác Hồ rất quan tâm đã đến dự và huấn thị cho lực lượng.
Đồng chí Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ thay mặt cán bộ, chiến sĩ hứa quyết tâm thực hiện nghiêm lời dạy của Hồ Chủ tịch. Được Đảng đoàn phân công chuyên lo việc xây dựng, triển khai tổ chức toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang bảo vệ biên cương và nội địa, đồng chí Phan Trọng Tuệ đã tiến hành nhiều việc, xây dựng đề án tổ chức lực lượng bảo vệ biên cương và nội địa được Tổng quân ủy thông qua, Bác Hồ xét và cho ý kiến.
Nhiệm vụ rất quan trọng, đồng chí Phan Trọng Tuệ cùng với lãnh đạo Bộ bàn sắp xếp bộ máy, cán bộ các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh, Khu Tây Bắc, Việt Bắc, cơ quan chỉ huy cấp tỉnh trên toàn miền Bắc. Khó khăn nhất là việc xếp đặt, xây dựng hệ thống các đồn, trạm biên giới, cửa khẩu, bờ biển… Cái khó nữa là chuyển biến tư tưởng nhận thức và hành động của lực lượng, đối tượng đấu tranh và phương thức hoạt động cũng có thay đổi. Từ nhiệm vụ chiến đấu vũ trang chống ngoại xâm là chính, đối tượng đấu tranh và biện pháp công tác có khác.
Đối tượng là gián điệp, biệt kích, phản động vũ trang và các loại tội phạm xâm nhập vượt qua biên giới, cửa khẩu, bờ biển vào hoạt động phá hoại, gây tội ác. Công an vũ trang tiến hành 4 biện pháp: trinh sát bí mật, kiểm soát hành chính, tuần tra vũ trang, vận động quần chúng – sự thay đổi này là cả một quá trình khó khăn phức tạp, giải quyết từng bước và đã thành công.
Công lao, thành tích của lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã có tổng kết, Đảng, Nhà nước đã xác nhận, được thưởng nhiều Huân chương cao quý.
Thời gian đồng chí Phan Trọng Tuệ với chức danh Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang từ năm 1958 đến 1960 đã đạt nhiều kết quả trong xây dựng lực lượng, công tác và chiến đấu thể hiện rõ ở đồng chí Tuệ là sự sáng tạo, dũng cảm, quyết tâm vượt mọi khó khăn, ý chí cách mạng và tinh thần chiến đấu rất cao.
Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng năm 1960, tôi và đồng chí Phan Trọng Tuệ đều là đại biểu và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa III, Ủy viên Trung ương chính thức. Sau Đại hội Đảng lần thứ III, đồng chí Phan Trọng Tuệ được Trung ương giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (từ 1961 đến 1980; từ năm 1973 đến 1976, đồng chí là Phó Thủ tướng Chính phủ) và cũng là vị Bộ trưởng lâu năm nhất trong ngành Giao thông, có nhiều công lao to lớn trong xây dựng lực lượng và công tác giao thông vận tải, đảm bảo yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
Đồng chí Phan Trọng Tuệ cũng là người có công lớn khai phá đường mòn Hồ Chí Minh. Đặc biệt trong nhiều năm chiến tranh phá hoại rất ác liệt, đồng chí không quản gian nguy, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
(Theo sách “Phan Trọng Tuệ vị tướng – Bộ trưởng đức độ, tài năng”, NXB Giao thông vận tải năm 2005)
Lê Quốc Thân (Cố Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an)
CATP Hà Tĩnh