Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là người đứng đầu và những bài học đối với cán bộ, chiến sĩ Công an

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc nêu gương. Quá trình hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương đạo đức mẫu mực. Ở Người, giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ. Tư tưởng và tấm gương đạo đức, tự giác gương mẫu của Người đã tạo nên phong cách nêu gương Hồ Chí Minh để mọi người học tập và làm theo. Hồ Chí Minh khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước người ta bắt chước”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương là làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên và về mọi mặt. Trước hết, Người yêu cầu người đứng đầu, cán bộ, đảng viên cần phải nêu gương trên ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người và đối với công việc. Đối với mình thì “chớ tự kiêu, tự đại”, mà phải “luôn luôn cầu tiến bộ”, “luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình”. Đối với người, “thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác – Ái”. Đối với việc: phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Người đứng đầu, cán bộ, đảng viên phải giữ vững nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, tức là luôn để việc công lên trên hết, giải quyết trước việc tư. “Phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì, thì quyết tâm làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”. Trong đó, Người dành sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ lãnh đạo, Người căn dặn: “Cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng”. Theo Hồ Chí Minh, muốn thực hiện tốt nội dung nêu gương thì người đứng đầu, cán bộ, đảng viên phải thực hiện phương châm: nói đi đôi với làm. Vì nếu có sự nhất quán giữa nói và làm thì người đứng đầu, cán bộ, đảng viên mới giành được lòng tin của quần chúng nhân dân. Người cán bộ, đảng viên nói ít làm nhiều sẽ được dân tin, dân quý và làm theo. Ngược lại, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo sẽ gây mất uy tín với Nhân dân, dân không tin vào Đảng, từ đó vai trò nêu gương sẽ mất tác dụng. Với lực lượng Công an nhân dân, Người căn dặn: “Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công”. Để làm được điều đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải ra sức trau dồi đạo đức cách mạng, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, thường xuyên nêu gương trong các mối quan hệ với tự mình, với công việc, với đồng chí, đồng đội và Nhân dân. Đó là một trong những chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ và rèn luyện đạo đức, lối sống. Thực hiện “nói đi đôi với làm” đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải nêu cao đức tính tự giác, tự trọng và có ý chí quyết tâm cao. Và một điều hết sức quan trọng, đó là “nói đi đôi với làm” phải được người đứng đầu thể hiện ở sự nêu gương trước quần chúng nhân dân, trước cấp dưới và trước đồng chí, đồng đội. Để mỗi cán bộ, chiến sĩ đều thực hiện “nói đi đôi với làm”. Chỉ có thực hiện “nói đi đôi với làm”, lực lượng Công an mới được “dân tin, dân yêu, dân ủng hộ”. Đó không chỉ là trách nhiệm, danh dự cá nhân mỗi cán bộ, chiến sĩ mà còn là uy tín của cả lực lượng Công an nhân dân. Phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người thường sử dụng nữa đó là: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng”. Từ những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến để tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong công tác, chiến đấu của đơn vị. Mỗi cán bộ, chiến sĩ chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng để trở thành con người có đời tư trong sáng mà phải rèn luyện theo sáu điều Bác Hồ dạy để có “sức đề kháng” ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, của Ngành; giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng; chân thành, thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong công tác và trong cuộc sống, chăm lo xây dựng đơn vị đoàn kết, vững mạnh. Sự nêu gương của người đứng đầu và của cán bộ, đảng viên sẽ có tác dụng tạo hiệu ứng lan tỏa trong đơn vị, thúc đẩy sự hăng say, nhiệt tình công tác của mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Đảng ủy Công an tỉnh tổ chức đối thoại với đoàn viên thanh niên, tháng 3/2019
Một trong những phong cách nên gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người đặc biệt quan tâm đó là “tự phê bình và phê bình”. Người coi tự phê bình và phê bình là “vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Tư tưởng nổi bật của Người về tự phê bình và phê bình là “trị bệnh cứu người”, là tình yêu thương con người, giúp con người tiến bộ, mang giá trị nhân văn cao cả. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, tự phê bình và phê bình phải được thực hiện dân chủ, công khai. Người cho rằng, muốn tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả thì yếu tố quan trọng là tạo không khí dân chủ, càng dân chủ thì càng có nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm. Muốn dân chủ tốt thì cán bộ cấp trên phải gương mẫu tự phê bình và phê bình trước. Với người lãnh đạo, Người căn dặn: “Muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không có gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ”. Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một trong những phương pháp tốt nhất để mỗi người tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân. Với lực lượng Công an nhân dân, Bác nói: “Trong nội bộ phải thực hành dân chủ, phải luôn luôn tự kiểm thảo để đi đến đoàn kết. Phê bình và tự phê bình phải từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Phê bình trên công tác cách mạng, phê bình để tiến bộ, không phải để xoi mói. Công an với dân phải đoàn kết nghĩa là phải khuyến khích cho dân phê bình công an. Trong 10 lần phê bình cũng có lần đúng, có lần không đúng. Đúng thì nhận, không đúng thì giải thích”. Mỗi cán bộ, chiến sĩ còn phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Thật thà, nêu gương trong tự phê bình là việc khó khăn, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có dũng khí và tính tự giác cao, dám tự phê bình và có can đảm sữa chữa khuyết điểm, để khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng tăng. Người đứng đầu, cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, đây cũng chính là phong cách nêu gương của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công việc gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Người giải thích: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy... là không có tinh thần trách nhiệm”. Với lực lượng Công an nhân dân, Người căn dặn: “Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là con người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt”. Để thực hiện điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải rèn luyện đạo đức cách mạng, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân; phải thường xuyên nêu gương trong các mối quan hệ với tự mình, với công việc, với đồng chí, đồng đội và Nhân dân. Trong mối quan hệ với “người”, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải luôn thể hiện thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, khoan dung, độ lượng. Trong đó, “Đối với Nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”; “Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ”; “Đối với công việc, phải tận tụy”. Cán bộ, chiến sĩ phải nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân, ý thức trách nhiệm trước Nhân dân; giải quyết thấu đáo, hợp tình, hợp lý cho Nhân dân, nếu Nhân dân chưa hiểu phải có trách nhiệm giải thích cho Nhân dân hiểu; luôn giữ đúng lễ tiết tác phong, văn hóa ứng xử với Nhân dân. Thân ái giúp đỡ đồng chí, đồng đội cùng nhau đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ chung. Đối với “việc”, cán bộ, chiến sĩ phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc được giao; luôn tận tụy, thường xuyên suy nghĩ, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ được giao; kiên quyết chống tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, thụ động, giao việc mới làm, nặng về đòi hỏi quyền lợi. Một trong những phong cách nêu gương của Hồ Chí Minh đó là thực hành dân chủ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất coi trọng vấn đề dân chủ. Người cho rằng dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề, mọi khó khăn và dân chủ là của cải quý báu nhất của Nhân dân. Phong cách dân chủ của Hồ Chí Minh được thể hiện trong thực hành dân chủ cho Nhân dân, dân chủ trong Đảng, trong tổ chức... Muốn xây dựng tác phong làm việc dân chủ, tập thể, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết người đứng đầu, cán bộ, đảng viên phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể và đặt mình vào trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể. Hồ Chí Minh phê phán người đứng đầu chuyên quyền, độc đoán, áp đặt ý kiến chủ quan, mọi người miễn cưỡng đồng tình dẫn tới việc mất đoàn kết, mọi người làm việc thiếu tinh thần hăng say, trách nhiệm, mang tâm lý làm cho xong, làm qua loa, hời hợt hoặc làm đối phó. Nhiều lần Người phê bình cung cách lãnh đạo của một số người đứng đầu, cán bộ, đảng viên không dân chủ, cá nhân, không tôn trọng tập thể nên có người muốn ý kiến mà không dám nói, muốn phê bình mà không dám phê bình. Khiến cho cấp trên và cấp dưới xa rời nhau.
Các đại biểu dự   tọa đàm về vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu tại Đảng bộ cơ sở phòng PC06
  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên để mỗi chúng ta không ngừng học tập và làm theo, tích cực rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tác phong, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xứng đáng là “Thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.
TRUNG TÁ NGUYỄN TIẾN TRINH, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG PX03 CÔNG AN HÀ TĨNH

CATP Hà Tĩnh