Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Ứng dụng Công nghệ thông tin trong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia. Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tham nhũng, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Ngày 01/7/2014, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước hết sức cụ thể, thiết thực như: Luật Công nghệ thông tin, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020. Việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin chung về công dân giữa các cơ sở dữ liệu nên không khắc phục được tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu, gây lãng phí nguồn lực về tài chính trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng (mở rộng cơ sở dữ liệu) và lãng phí nguồn nhân lực khi các cơ quan đều thực hiện việc nhập các dữ liệu trùng nhau. Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý dân cư của các cơ quan quản lý nhà nước, ngày 08/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Đề án 896 ra đời đã khẳng định được vai trò quan trọng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày 20/11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Căn cước công dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Trong đó, quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an thống nhất, quản lý. [caption id="attachment_27980" align="aligncenter" width="599"] Ảnh minh họa[/caption] Xác định vị trí, vai trò quan trọng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngày 26/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2083/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện để sớm đưa hệ thống vào khai thác, sử dụng. Để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc, rút ngắn thời gian triển khai, tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và nâng cao trách nhiệm của công dân trong việc cung cấp thông tin dân cư, ngày 13/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội: Thứ nhất, thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để dùng chung nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Thứ hai, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết TTHC. Việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các TTHC sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện TTHC, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Thứ ba, thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thứ tư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời cũng góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang lưu trữ tại các cơ quan hành chính. Như vậy, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, giảm thời gian và chi phí giải quyết TTHC, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và góp phần phát triển Chính phủ điện tử. Sau khi hoàn thành việc xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mỗi người dân được quyền được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết TTHC và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp khác. Bên cạnh đó, để đảm bảo thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cập nhật kịp thời, mỗi người dân cũng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin khi có sự thay đổi theo quy định./.

THEO CỔNG TTĐT BỘ CÔNG AN

CATP Hà Tĩnh