"Vạch mặt" chiêu lừa đảo vàng giả từ đồng
Mặc dù báo chí liên tiếp đăng tải thông tin cảnh báo nạn dùng vàng giả, vàng kém chất lượng để lừa đảo tại các cửa hiệu cầm đồ, thế nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân sập bẫy. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc mất cảnh giác của nạn nhân, các đối tượng tội phạm lặp đi lặp lại chiêu trò này khiến không ít khổ chủ lâm vào cảnh dở khóc dở cười.
Nhóm đối tượng chuyên lừa cầm cố nữ trang giả bị bắt ở phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương
Vàng giả đổi tiền thật Đầu tháng 8-2016, một số của hàng cầm đồ trên địa bàn phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương liên tiếp “dính quả đắng” khi nhận cầm nữ trang là vàng bạc. Theo thông tin từ các nạn nhân cung cấp, số nữ trang này được làm y như thật. Vì thế, mặc dù nhân viên các hiệu cầm đồ không có chuyên môn về kim hoàn, không có máy thử vàng, nhưng do khách hàng cầm cố với giá thấp và chấp nhận chịu lãi cao do cần tiền gấp, đồng thời cam kết chuộc lại sớm nên nhiều cửa hàng đã đồng ý giao dịch. Chỉ đến khi quá hạn thanh toán mà không thấy khách hàng quay lại, cửa hàng mang ra thanh lý thì mới phát hiện ra mình bị lừa và trình báo cơ quan công an. Quá trình theo dõi vụ việc, ngày 3-9-2016, CAP An Phú nắm được nguồn tin xuất hiện 2 đối tượng lạ mặt trên địa bàn là Nguyễn Văn Tuân (33 tuổi) và Tống Đức Cảnh (29 tuổi, cùng quê ở Phú Thọ) đang định cầm cố một số nữ trang có dấu hiệu khả nghi. Khi được mời về trụ sở để làm việc, các đối tượng đã thú nhận số nữ trang này là giả, được mang tới hiệu cầm đồ để lừa đảo. Quá trình truy xét, cơ quan công an bắt thêm 2 đồng phạm khác là Lương Văn Định (32 tuổi, quê ở Hải Phòng) và Nguyễn Trọng Thủy (27 tuổi, quê ở Thái Bình). Hồ sơ vụ việc thể hiện, qua nhiều mối quan hệ xã hội, Nguyễn Trọng Thủy đã đặt hàng một đối tượng tên là Sỹ chuyên làm dây chuyền giả ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Các loại nữ trang do Sỹ sản xuất được làm chủ yếu từ đồng, nhưng lại mạ vàng bên ngoài khá hoàn hảo khiến ai cũng có thể nhầm lẫn nếu không kiểm tra cẩn thận. Có được đầu mối này, Thủy đã đặt Sỹ sản xuất với số lượng lớn và đề nghị gửi hàng theo xe khách vào phía Nam cho mình, còn tiền thanh toán sẽ được chuyển trả qua tài khoản ngân hàng. Tổng cộng Thủy đã mua của Sỹ 15 sợi dây chuyền, lắc tay với giá 4 triệu đồng. Có được số nữ trang giả, trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9-2016, Thủy cùng đồng bọn đã nhiều lần mang đi cầm cố tại các cửa hàng cầm đồ lừa lấy số tiền lớn mà không gặp trở ngại nào. Thấy việc cầm cố vàng giả dễ dàng, các đối tượng tiếp tục “hùn vốn” để làm ăn tiếp thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ. Chủ quan là mất tiền Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, thủ đoạn này cũng lác đác xuất hiện tại một số cửa hàng cầm đồ. Tuy nhiên, do thiệt hại không lớn nên đa số các nạn nhân đều không trình báo cơ quan công an. Nếu như tại phía Nam, các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến cửa hàng cầm đồ do họ không có chuyên môn phân biệt vàng giả, vàng thật thì ở Hà Nội, thủ đoạn lừa đảo lại tinh vi hơn. Các đối tượng lưu manh chủ định nhắm vào các cửa hiệu kim hoàn bởi chúng nắm được những sơ suất mà các cửa hàng vàng thường mắc phải. Anh Nguyễn Văn Tuyến - chủ cửa hàng Vàng bạc Thái Long ở 42 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Một chiêu trò mà đối tượng lừa đảo thường hay làm nhất đó là mang nữ trang vàng thật, giá trị cao đến cầm cố cho chính cửa hàng vàng. Sau khi cầm cố liên tục nhiều lần để chủ hàng quen mặt, ở lần quyết định, các đối tượng sẽ đến chuộc tài sản nhưng chỉ một lát sau lại quay lại cầm cố vẫn số nữ trang đó với lý do có việc cần tiền đột xuất. Ở lần cuối cùng này, số nữ trang vàng thật đã bị tráo thành vàng giả trông giống y hệt và đối tượng liên tục hối thúc nhân viên cửa hàng thanh toán vì đang rất vội. Do khách quen, lại thấy đây chính là số nữ trang mà khách đã giao dịch nhiều lần, lại bị khách thúc giục nên các cửa hàng thường bỏ qua khâu kiểm tra. Vậy là “sập bẫy”. Cũng theo anh Nguyễn Văn Tuyến, có một số chiêu lừa đảo khác mà nhiều cửa hàng dù rất lành nghề cũng vẫn “mắc bẫy”. Những kiểu lừa này là do chính dân làm nghề kim hoàn nghĩ ra nên mức độ tinh vi rất cao. Đầu tiên phải kể đến kiểu lừa dùng nữ trang có lõi bằng vàng kém chất lượng (vàng 60% - 70%), nhưng lại bị mạ bên ngoài rất dày bằng lớp vàng 9999. Thông thường khi thử vàng, các cửa hàng thường xì chảy một lớp mỏng bên ngoài sản phẩm để kiểm tra. Nhưng do lớp mạ quá dày nên người thử không phát hiện ra phần lõi là vàng kém tuổi. Tuy nhiên, với chiêu lừa kiểu này thì thiệt hại thường không lớn. Dân trong nghề gọi đây là vàng “lắc kê”. Kiểu lừa thứ hai là dùng vàng Tây nối thân. Cụ thể là các đối tượng lừa đảo nắm được khi mua lại một chiếc nhẫn của khách, chủ hàng vàng sẽ mài thử một ít ở phần đáy vòng khuyên nhẫn để kiểm tra (chủ hàng không thể thử phần mặt nhẫn vì sẽ làm hỏng toàn bộ sản phẩm). Do đó, riêng phần đáy này sẽ được chế tác bằng vàng thật, phần còn lại sẽ được làm bằng vàng giả. Như vậy, dù đã thử cẩn thận nhưng hàng vàng vẫn bị lừa. Kiểu lừa thứ ba các đối tượng sẽ tìm đến mua một sợi dây chuyền bằng vàng thật, yêu cầu chủ hàng viết giấy chứng nhận sản phẩm hẳn hoi. Sau đó các đối tượng lừa đảo sẽ về chế tác một sợi dây chuyền y hệt bằng vàng giả, đồng thời tháo móc khuyên (các cửa hàng vàng thường đóng dấu nhận biết sản phẩm của mình lên phần móc khuyên này) của sợi dây thật gắn vào sợi dây giả rồi quay lại bán cho chính cửa hàng đó. Với giấy tờ mua bán do chính mình viết ra, lại thấy trên sản phẩm vẫn còn nguyên dấu nên các hàng vàng không hề nghi ngờ và sẵn sàng mua lại theo giá thị trường.Đối tượng lưu manh thường áp dụng những chiêu lừa đảo nói trên với các hàng vàng nhỏ lẻ ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Thậm chí rất nhiều cửa hàng bị lừa mà vẫn không hề hay biết. “Chỉ đến khi nạn nhân mang lên phố Hàng Bạc bán thì mới phát hiện số vàng mua lại này toàn là đồ giả, bản thân họ cũng chẳng thể nhớ nổi bị lừa từ bao giờ. Làm nghề vàng mà còn bị lừa như vậy thì đối với các của hàng cầm đồ không có chuyên môn, việc sập bẫy cũng là chuyện thường”, anh Nguyễn Văn Tuyến nói.CATP Hà Tĩnh