Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Vài nét về lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị cùng phát triển với các nước láng giềng. Để hiểu thêm về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của các nước láng giềng, chúng tôi xin giới thiệu một số nét cơ bản về lực lượng bảo vệ biên giới các nước Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia.

Lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc

Điều 4 "Luật Nghĩa vụ Quân sự" Trung Quốc được Quốc hội nước này thông qua ngày 31-5-1984 quy định, lực lượng vũ trang Trung Quốc gồm: Quân đội, Vũ Cảnh và dân binh, trong đó có 2 lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới là Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lục quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và Công an Biên phòng (Vũ Cảnh) thuộc Cục Quản lý Biên giới, Bộ Công an Trung Quốc.

Thứ nhất, BĐBP Lục quân Trung Quốc là bộ đội dã chiến lục quân Giải phóng quân, đóng quân trên đường biên giới, nơi không có cửa khẩu quốc tế, nơi dân cư thưa thớt hoặc không có người ở như vùng Tân Cương, Tây Tạng xa xôi. BĐBP Lục quân bảo vệ biên giới theo tuyến, chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, có nhiệm vụ tuần tra thường xuyên bảo vệ đường biên, mốc giới, ngăn chặn vượt biên trái phép, ngăn chặn thâm nhập vũ trang và các hành động nguy hại tới an ninh biên giới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, tham gia xây dựng và phát triển mọi mặt vùng biên giới. BĐBP Lục quân không có nhiệm vụ quản lý hành chính của công an như trị an, hình sự, quản lý hộ tịch hộ khẩu, không có quyền kiểm tra biên phòng đối với người, phương tiện tham gia xuất nhập cảnh.

Về tổ chức: BĐBP Lục quân chịu sự lãnh đạo quản lý toàn diện của Tỉnh Quân khu và Quân khu. Ở khu vực biên giới đất liền, BĐBP Lục quân biên chế thành trung đoàn Biên phòng, tiểu đoàn Biên phòng, đại đội Biên phòng. Ở khu vực bờ biển duyên hải, BĐBP Lục quân biên chế thành sư đoàn Biên phòng, trung đoàn Biên phòng, tiểu đoàn Biên phòng, đại đội Biên phòng. Từ năm 2003, công tác phòng thủ trên toàn tuyến biên giới thống nhất do BĐBP Lục quân đảm nhiệm, trước đó, công tác phòng thủ biên giới đất liền tuyến biên giới Trung Quốc - Mi-an-ma và tuyến Trung Quốc - Triều Tiên do Công an Biên phòng thuộc Vũ Cảnh đảm nhiệm.

Công an Biên phòng (Vũ Cảnh): Đây là lực lượng chấp pháp vũ trang quan trọng trên vùng biên giới đất liền, trên vùng duyên hải và trên biển. Công an Biên phòng bảo vệ biên giới theo điểm. Quân số thường trực của Công an Biên phòng là 10 vạn.

Công an Biên phòng có 7 nhiệm vụ chủ yếu sau: Quản lý biên phòng, khu vực biên giới đất liền và vùng duyên hải; quản lý trị an khu vực biên giới đất liền và khu vực duyên hải, quản lý hộ tịch hộ khẩu, trinh sát hình sự, tuần tra bảo vệ biên giới thường xuyên; kiểm tra biên phòng và giám hộ người, phương tiện giao thông tham gia xuất nhập cảnh (được thể hiện cụ thể trong Điều lệ Kiểm tra biên phòng nước CHND Trung Hoa, Quốc vụ viện thông qua ngày 6-7-1995); kiểm tra cảnh giới vùng tiếp giáp Hồng Công, Ma Cao;  tuần tra kiểm soát biên giới trên biển vịnh Bắc Bộ; thực hiện hợp tác công tác biên phòng với các nước láng giềng; phòng chống đánh bắt, ngăn chặn các loại tội phạm ở khu vực biên giới và vùng duyên hải; quản lý các vụ án hình sự phát sinh trên biển, vùng biên giới, vùng duyên hải; quản lý các vụ án về tổ chức người vượt biên, vượt biển trái phép; phòng chống các tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép vũ khí, chất nổ, ma túy, buôn bán người, xảy ra ở khu vực quản lý biên giới đất liền, vùng duyên hải và trên biển.

Công an Biên phòng là một lực lượng của cơ quan công an làm nhiệm vụ quản lý biên phòng, thực thi quyền cảnh sát. Công an Biên phòng thực hành quyền lực theo "Luật Cảnh sát nhân dân".

Về tổ chức của Công an Biên phòng thuộc Cục Quản lý Biên phòng, Bộ Công an là cơ quan tổ chức lãnh đạo toàn bộ hệ thống BĐBP Công an trên cả nước. Cơ quan này trực tiếp quản lý 30 Tổng đội Biên phòng của các tỉnh (cấp sư đoàn; ở một số tỉnh quan trọng cấp phó quân đoàn, ở những đơn vị này, Tổng đội trưởng và Chính ủy có cấp hàm Thiếu tướng).

Lực lượng bảo vệ biên giới Lào:

Cục BĐBP là cơ quan cao nhất chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ biên giới, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu QĐND Lào chỉ đạo các mặt công tác: Bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia; tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc; duy trì thực hiện Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào; chống vượt biên, xâm canh, xâm cư, khai thác lâm sản trái phép trong khu vực biên giới.

Các đại đội Biên phòng là đơn vị trực tiếp bảo vệ biên giới trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ: Bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia; tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc; duy trì thực hiện Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào; chống vượt biên, xâm canh, xâm cư, khai thác lâm sản trái phép trong khu vực biên giới.

Các đồn Công an (trực thuộc Công an tỉnh) làm nhiệm vụ: Quản lý xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu; đấu tranh phòng chống các loại tội phạm hoạt động hai bên biên giới; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; tiếp nhận, trao trả người di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép.

Lực lượng bảo vệ biên giới Cam-pu-chia:

Lực lượng bảo vệ biên giới của Vương quốc Cam-pu-chia gồm 2 lực lượng, một lực lượng thuộc Quân đội Hoàng gia, còn một lực lượng thuộc Bộ Nội vụ.

Thứ nhất, lực lượng bảo vệ biên giới thuộc Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia có nhiệm vụ chủ yếu là tuần tra bảo vệ đường biên giới, mốc giới, các dấu hiệu của đường biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ an ninh vùng biên giới, tham gia công tác đối ngoại biên phòng với nước láng giềng. Lực lượng này gồm 20 tiểu đoàn: Quân khu 1 có 4 tiểu đoàn, Quân khu 2 có 4 tiểu đoàn, Quân khu 3 có 3 tiểu đoàn, Quân khu 4 có 4 tiểu đoàn, Quân khu 5 có 5 tiểu đoàn. Riêng Quân khu Đặc biệt (trước đây gọi là Quân khu 6), đóng tại Thủ đô Phnôm Pênh, bao gồm các tỉnh Công-pông-chnăng, Cần-đan và thành phố Phnôm Pênh,  có 1 tiểu đoàn.

Ở Bộ Tư lệnh Lục quân có Phòng Biên giới, ngoài ra, còn có lực lượng bảo vệ biên giới trực thuộc Bộ Tư lệnh Hiến binh. Hiến binh Hoàng gia Cam-pu-chia hay "Quân cảnh", là một bộ phận của Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh trật tự trong nước Cam-pu-chia. Đơn vị bán quân sự này có quân số hơn 7.000 người, được triển khai tại tất cả các tỉnh. Nhiệm vụ của Hiến binh Hoàng gia là lập lại hòa bình và trật tự trị an nếu bị xáo trộn mạnh; chống khủng bố; chống lại các nhóm bạo lực; chống các cuộc bạo loạn.

Trên các tuyến biên giới, Hiến binh Hoàng gia thành lập các chốt tại các trục đường thông biên giới chủ chốt, kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Lực lượng này cũng có nhiệm vụ cùng với các lực lượng bảo vệ biên giới khác tham gia bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Thứ hai, Lực lượng bảo vệ biên giới thuộc Tổng nha Cảnh sát, Bộ Nội vụ Cam-pu-chia: Trong Tổng nha Cảnh sát có một lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới là Cục Cảnh sát Biên phòng với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ an ninh vùng biên giới, kiểm tra biên phòng, kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện qua lại biên giới, điều tra chấp pháp các vụ án hình sự trên khu vực biên giới, chống các loại tội phạm buôn lậu, mua bán người, chống nhập cư trái phép trên khu vực biên giới, cùng các lực lượng chức năng khác tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Cục Cảnh sát Biên phòng bao gồm 3 lực lượng: Cảnh sát Biên phòng đường thủy, gồm 3 tiểu đoàn; Cảnh sát Biên phòng đường bộ, gồm 29 tiểu đoàn; và Cảnh sát Biên phòng Trung ương. Lực lượng Cảnh sát Biên phòng Cam-pu-chia có 32 tiểu đoàn, đóng quân thành 200 đồn Biên phòng dọc biên giới.

Trong Tổng nha Cảnh sát còn thành lập Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biên giới, phụ trách tuyến biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan, gồm các Quân khu 3, 4, 5. Tại các quân khu này, bố trí các tiểu đoàn cảnh sát bảo vệ biên giới và các trạm bảo vệ biên giới.

Ngày 9-8-2014, Bộ Nội vụ Cam-pu-chia đệ trình lên Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia về việc thành lập Tổng cục Cảnh sát Biên phòng, trên cơ sở hợp nhất các lực lượng Cục Cảnh sát Biên phòng đường thủy, Cục Cảnh sát Biên phòng đường bộ, Cục Cảnh sát Biên phòng Trung ương.

CATP Hà Tĩnh