Vì sao Putin tuyên bố ủng hộ Trung Quốc về vụ kiện Biển Đông?
Chỉ với tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện với Philippines liên quan vấn đề Biển Đông, Tổng thống Nga Putin vừa có thể đánh động Mỹ, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho Moscow.
Tuyên bố gây tranh cãi Phát biểu tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc ngày 5/9, Tổng thống Vladimir Putin đã nêu rõ lập trường của Nga đối với vấn đề Biển Đông. Mặc dù Biển Đông là đề tài rất nóng suốt thời gian qua nhưng đây là một trong những lần hiếm hoi nhà lãnh đạo Nga công khai đề cập về vấn đề này cũng như vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Sputnik dẫn lời Tổng thống Putin cho hay: "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tôi đã cùng phát triển mối quan hệ tin cậy và thân thiện. Nhưng tôi xin nhấn mạnh ông ấy chưa bao giờ đề nghị tôi đưa ra bình luận hay can thiệp gì vào vấn đề này (vấn đề Biển Đông). Tất nhiên chúng tôi có quan điểm riêng về vấn đề Biển Đông. Nga không can thiệp, và chúng tôi tin rằng bất cứ sự can thiệp nào của một cường quốc bên ngoài khu vực cũng chỉ tác động xấu đến việc giải quyết vấn đề này". Tổng thống Putin cho rằng bất cứ quá trình trọng tài nào đều phải được bắt đầu bằng bên tranh chấp, và "Tòa Trọng tài phải lắng nghe lập luận, lập trường của các bên tranh chấp". "Như các bạn biết, Trung Quốc đã không tham gia quá trình xét xử ở The Hague, và không ai lắng nghe lập trường của họ ở đó. Làm thế nào các bạn có thể coi phán quyết đó là công bằng? Chúng tôi ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề này", ông Putin nhấn mạnh.
Chuyện Nga nói không ủng hộ sự can thiệp của bất kỳ bên thứ 3 nào vào vấn đề Biển Đông không phải là mới. Nó đã được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định tới 2 lần trong mấy tháng gần đây. Nhưng chuyện ông Putin công khai tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc thì chắc chắn đã khiến nhiều người sửng sốt, bất ngờ. Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính sách đối ngoại và an ninh Đông Nam Á, Việt Nam và Nga Anton Tsvetov ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (Nga), nếu đọc kỹ nội dung phát biểu của ông, sẽ thấy ông Putin chỉ ủng hộ Bắc Kinh không công nhận phán quyết của tòa, khi mà bản thân họ không tham gia và đã từ chối sử dụng cơ chế trọng tài ngay từ khi Philippines khởi xướng (Ở đây, ông Putin đã “lờ” đi chuyện Bắc Kinh đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) 1982 về Luật Biển, thì phải tôn trọng cách giải quyết tranh chấp bằng cơ chế trọng tài quốc tế được quy định trong Công ước. Toàn bộ tiến trình tố tụng, kể từ khi Philippines khởi kiện, Trung Quốc đều được thông báo và được phép tham gia, ngay cả khi họ bác bỏ vụ kiện, tòa vẫn cho họ cơ hội để trình bày quan điểm, lập luận của mình, nhưng vấn đề là Bắc Kinh vẫn ngoan cố không chịu tham gia). Và ông Putin vẫn nói Nga không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông. Ông Putin cũng không nói “ai đúng, ai sai”. Sự khôn khéo của ông Putin nằm ở chỗ đó. Tín hiệu lẫn lộn của điện Kremlin xung quanh vấn đề Biển Đông cũng nằm ở điều đó. Vì mục đích kinh tế? Và với một nhà lãnh đạo đã khiến mấy đời Tổng thống Mỹ bối rối vì không thể đánh giá và không biết phải đánh giá thế nào cho đúng như Putin, chắc chắn không phải vô cớ ông đưa ra tuyên bố gây tranh cãi như vậy. Theo tờ báo Nikkei của Nhật Bản, thái độ của Nga đối với Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông có nhiều mục đích. Đầu tiên, tuyên bố của ông Vladimir Putin đã nhằm tới việc Mỹ không thể bỏ qua Nga khi đối phó với các vấn đề ở châu Á. Nga thông qua đây thể hiện mối quan hệ chặt chẽ với Trng Quốc, cũng là lời cảnh báo với Mỹ về việc chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Washington ở Trung Á và vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ. Tuy nhiên, theo ông Sergei Oznobishchev, một chuyên gia về an ninh quốc gia Nga cho rằng, ông Putin thực sự có nhiều ý đồ hơn là việc chỉ muốn nhắc nhở Mỹ. Chính quyền Putin thấy cơ hội lớn để Nga có thể khai thác các lợi ích kinh tế từ phía Trung Quốc bằng cách thể hiện hỗ trợ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế. Nikkei cho rằng, giữa hàng loạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây, việc Nga hợp tác kinh tế với Trung Quốc có ý nghĩa rất lớn. Như vậy, mặc cho dư luận tranh cãi và diễn giải câu nói của ông theo cách nào, Putin vẫn đạt được mục đích tối thượng của mình, đó là "hạ" Mỹ và thu về lợi ích kinh tế to lớn.CATP Hà Tĩnh