Vượt đèo vận động đối tượng truy nã đầu thú
Để vận động được đối tượng truy nã ra đầu thú, CBCS Phòng PC52 (Công an tỉnh Hà Giang) phải “4 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào.
Việc truy bắt đối tượng truy nã luôn đầy gian nan, nguy hiểm không chỉ cho lực lượng truy bắt mà cả những người dân xung quanh. Vì vậy, trong những biện pháp nghiệp vụ, vận động đầu thú luôn được coi trọng thực hiện. Đây cũng là biện pháp được cán bộ, chiến sỹ (CBCS), Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Hà Giang áp dụng thực hiện thành công trong 5 năm qua.
Đại tá Lý Ngọc Huấn, Trưởng phòng PC52 cho biết, do đặc thù là tỉnh miền núi, đi lại khó khăn, bà con nằm ở địa bản heo hút, cách biệt, ngay sau khi Phòng PC52 được thành lập, xác định việc vận động đối tượng truy nã ra đầu thú là khâu quan trọng, quyết định để góp phần nâng cao hiệu quả công tác bắt các đối tượng truy nã, Đại tá Lý Ngọc Huấn đã trực tiếp ghi nhiều thư kêu gọi vận động gia đình và nhân thân đối tượng vận động con em họ ra đầu thú.
“Sau 5 năm thành lập (1-4-2011 – 1-4-2016), số đối tượng truy nã vận động đầu thú chiếm 80% số đối tượng truy nã bị bắt”- Đại tá Huấn cho biết thêm.
Để làm được công việc này, CBCS Phòng PC52 phải biết tiếng, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thì mới dễ thuyết phục họ. Hiện CBCS trinh sát của PC52, Công an tỉnh Hà Giang đa số là người dân tộc Mông, Tày, Dao, La Chí…
Ngoài ra, để họ hiểu và tin mình, anh em còn phải “4 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào.
|
Cán bộ, chiến sĩ Phòng PC52 đến nhà dân vận động đối tượng truy nã ra đầu thú. |
Có lần trinh sát của PC52 phải nhận anh, chị em kết nghĩa, nhận là họ hàng, quê quán, sinh hoạt trong một mái nhà gia đình các đối tượng, cùng cày cấy việc đồng áng, giúp đỡ gia đình khi khó khăn, hoạn nạn… để người thân của người lầm lỗi tin tưởng, cùng cán bộ thuyết phục, vận động con em ra đầu thú.
Kể lại vận động đầu thú đối tượng truy nã tội “hiếp dâm trẻ em”, Đại tá Lý Ngọc Huấn nhớ lại: Đối tượng Ma Phúc Bảy (SN 1980), trú tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, sau khi gây án tại địa bàn huyện Bắc Quang đã trốn khỏi địa phương.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Hà Giang, PC52 đã cử 1 tổ công tác gồm 3 đồng chí thực hiện kế hoạch xác minh truy bắt. Quá trình nắm bắt thông tin, các anh phát hiện đối tượng Bảy đang có mặt tại huyện Chiêm Hóa.
Sau khi phối hợp với lực lượng chức năng địa phương, tổ công tác vào nhà đối tượng truy nã, phát hiện Bảy đang cùng vợ con, em trai ngồi ăn cơm. Bằng các biện pháp nghiệp vụ các anh khống chế Bảy, tuy nhiên đối tượng xúi giục vợ “dùng dao chém chết bọn nó đi”.
Nghe lời chồng, cô vợ đi lấy dao và cùng em chồng xông vào giằng co, tắt điện để Bảy tẩu thoát. Cùng lúc đó, người thân, anh em họ hàng dòng tộc đối tượng Bảy kéo đến, người cầm dao, cầm gậy rất đông uy hiếp tổ công tác…
Ngay sau đó, PC52 đã tiến hành rà soát lên danh sách số đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, trong đó có Ma Phúc Bảy; đồng thời báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang xác lập chuyên án tập trung để truy bắt đối tượng. Tuy nhiên, do đối tượng truy nã cực kỳ xảo quyệt, thông thuộc địa bàn nên việc truy bắt Bảy gặp rất nhiều khó khăn. Các anh đã chuyển phương án việc vận động đầu thú.
Ngoài việc ghi thư kêu gọi, Đại tá Huấn cùng anh em gặp gỡ thân nhân, giải thích, vận động gia đình đối tượng truy nã Bảy ra đầu thú nhằm hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Sau một tháng đi lại, với sự tác động tâm lý thường xuyên, liên tục đến thân nhân gia đình đối tượng, Ma Phúc Bảy đã ra đầu thú tại Phòng PC52.
Một trong những chiến công của PC52 phải kể đến việc vận động đầu thú cùng lúc 3 đối tượng truy nã trong vụ án khai thác lâm sản trái phép. Khi ấy, các đối tượng Mua Mí Vá, Mua Vạn Páo, Vàng Mí Páo cùng trú tại thôn Giàng Chủ Phìn, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã rủ nhau vào rừng chặt gỗ nghiến cắt làm thớt đem bán. Khi 3 đối tượng đang thực hiện hành vi nêu trên thì bị tổ công tác của UBND xã Cán Tỷ phát hiện, lập biên bản và bàn giao hồ sơ cho Công an huyện Quản Bạ.
Trong thời gian cơ quan điều tra xác minh, 3 đối tượng rủ nhau bỏ trốn sang Trung Quốc. Ngay sau khi tiếp nhận quyết định truy nã của cơ quan CSĐT Công an huyện Quản Bạ, PC52 đã phân công cán bộ trinh sát trao đổi phối hợp với điều tra viên thụ lý vụ án, nắm thông tin, xác định các đối tượng đều là người dân tộc Mông.
Trung úy Dương Thị Lan trinh sát của PC52 (là người con của dân tộc Mông) cùng đồng đội đi xe máy, vượt đèo hàng trăm cây số lên thôn Giàng Chủ Phìn, đến từng gia đình đối tượng để thực hiện phương châm “4 cùng”, giải thích cho họ hiểu về pháp luật và sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội ra đầu thú và người phạm tội là người dân tộc thiểu số.
“Mưa dầm thấm lâu”, với sự nỗ lực của tổ công tác, gia đình 3 đối tượng truy nã đồng ý hợp tác, kêu gọi đối tượng từ Trung Quốc về đầu thú.
Một vụ khác là, vận động đối tượng truy nã Vàng Mí Lử, trú tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc về hành vi “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Sau khi bị khởi tố, Lử bỏ trốn sang Trung Quốc lao động làm thuê, Công an huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng ra quyết định truy nã. Nhận được thông tin từ Công an huyện Bảo Lâm, PC52 đã cử cán bộ trinh sát xuống địa bàn, cử trinh sát sử dụng thành thạo tiếng dân tộc Mông, tạo niềm tin đối với thân nhân đối tượng.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, anh trai họ của Vàng Mí Lử đã cho trinh sát số điện thoại bạn gái của đối tượng (đang cùng sống với Lử bên Trung Quốc). Sau nhiều ngày nói chuyện qua điện thoại, các trinh sát đã tác động tâm lý và giải thích cho bạn gái của Lử hiểu. Nhờ sự phối hợp của bạn gái đối tượng, Lử trở về Việt Nam gọi điện thoại cho trinh sát PC52 xin được ra đầu thú.
Đây chỉ là những vụ tiêu biểu không thể kể hết trong chuỗi công việc mà CBCS Phòng PC52 đã và đang làm. Đối với các anh, truy bắt, truy tìm đối tượng truy nã không bao giờ có ngày kết thúc.
Dù thời tiết và địa hình khắc nghiệt, các trinh sát truy nã vẫn hàng ngày đến các bản làng để thực hiện nhiệm vụ. Công sức của các anh, chị đã góp phần tích cực cùng đồng đội giữ gìn bình yên và hạnh phúc cho nhân dân nơi địa đầu Tổ quốc.
Sau 5 năm thành lập, Phòng PC52 Công an tỉnh Hà Giang đã được Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn. |
CATP Hà Tĩnh