Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Washington với tham vọng về một “NATO Trung Đông”

Theo những thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ cũng như Arab, chính quyền ông Donald Trump từ hơn nửa năm qua đang rất tích cực thúc đẩy cho sáng kiến thành lập một liên minh quân sự của một số quốc gia Arab với tên gọi “Liên minh chiến lược Trung Đông” (MESA - Ìiddle East Strategic Alliance).

Thực chất của khái niệm mới trên, theo những quan chức thân cận với ông Trump, đó là liên kết các chế độ thân cận với Mỹ tại Trung Đông vào một liên minh tương tự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng mang đặc trưng của thế giới Arab. Theo dự kiến, tham gia vào tổ chức “NATO Trung Đông” sẽ có một số quốc gia như Jordan, Ai Cập và 6 nước vùng Vịnh (Bahrain, Qatar, Kuwait, UAE, Oman và Saudi Arabia). Vậy đâu là mục đích và triển vọng của liên minh quân sự mới này? Sự sốt sắng của Washington Công chúng bắt đầu được biết đến ý tưởng thành lập MESA vào năm ngoái, trong thời gian chuyến công du tới Riyadh của ông Donald Trump. Giới lãnh đạo Saudi Arabia khi đó đã bày tỏ mong muốn được cùng với Washington ký kết một hiệp ước an ninh nào đó. Cũng trong thời gian này, Mỹ cũng đã bàn tính về phương án triển khai một lực lượng quân đội Arab trên lãnh thổ Syria.

Ý tưởng thành lập MESA của ông donald Trump được đồng minh thân cận nhất tại Trung Đông là Saudi Arabia sốt sắng ủng hộ.
Tất cả những ý tưởng trên nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), những quốc gia tự nhận với tiềm lực của riêng bản thân mình không thể đương đầu với “sự bành trướng của Iran”. Ngoài “mối đe dọa hạt nhân của Iran” như vẫn thường được Mỹ và nhiều quốc gia Arab nhắc đến, còn phải kể tới một yếu tố quan trọng khác: đó là cảnh báo của Tehran về việc họ có thể phong tỏa eo biển Hormuz, đang được coi là kênh vận chuyển dầu mỏ chính trên biển từ khu vực Trung Đông. Cho tới thời điểm này, Hormuz vẫn đang là tuyến đường biển duy nhất cho phép xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt được khai thác từ các nước trong vùng vịnh Persian tới các nước thứ ba, chủ yếu là Nhật, Mỹ và Tây Âu. Trước tình hình trên, Nhà Trắng muốn xây dựng một mối liên kết mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia Arab, đầu tiên bằng tuyên bố đẩy mạnh những mối quan hệ ngoại giao và kinh tế trong khu vực. Những biện pháp trên, tuy nhiên về phần mình lại càng làm xấu thêm mối quan hệ Washington - Tehran, vốn đã sụt giảm nghiêm trọng kể từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump. Hồi cuối tháng 7 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận rằng, Saudi Arabia cùng với 7 quốc gia thành viên tiềm năng của tổ chức “NATO tại Trung Đông” đang chuẩn bị tiến hành một cuộc gặp đặc biệt để có thể nhanh chóng đưa ý tưởng của Washington trở thành hiện thực. Nhà Trắng đã gọi liên minh tương lai trên là một giải pháp đối đầu với những hành động khủng bố, cực đoan và xâm lược của Iran. Theo đó, MESA sẽ giữ trọng trách duy trì tình hình ổn định tại Trung Đông. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách về các nước Arab là Tim Lenderking đã dành gần như toàn bộ thời gian trong tháng 9 vừa qua để tham gia một loạt các hành động ngoại giao con thoi với mục đích tiền trạm cho một hội nghị thượng đỉnh do Mỹ bảo trợ để bàn về việc thành lập MESA, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 1-2019. Theo các nguồn tin của The Washington Times, những nỗ lực của Lenderking đã có được những kết quả ban đầu khá tích cực. Nhờ đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc gặp với bộ trưởng ngoại giao của một loạt các quốc gia như Bahrain, Ai Cập, Jordan, Kuwait, Oman, Saudi Arabia và UAE để bàn việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh trên ngay vào thời gian diễn ra kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
NATO sẽ sớm có một phiên bản mới tại Trung Đông?
Nhiều quan chức Nhà Trắng đã gọi cuộc gặp của ông Pompeo là Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC+2 Ministerial), đồng thời đánh giá đây là một bước đi rất có ý nghĩa. Như phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Mỹ là Heather Nauert còn nhấn mạnh thêm, những cuộc hội đàm vừa qua “đã tập trung vào việc thành lập MESA, được điều hành bởi một Hội đồng hợp tác thống nhất vùng Vịnh nhằm mục tiêu đảm bảo sự phồn vinh, an ninh và ổn định trong khu vực”. Bộ trưởng Ngoại giao Ayman Safadi của Jordan cho biết, đề xuất của Mỹ về MESA tuy mới chỉ là ý tưởng đang trong giai đoạn bàn bạc ban đầu, nhưng khi được hình thành sẽ trở thành một cơ cấu tập thể để có thể điều hòa các cuộc khủng hoảng trong khu vực. “Chúng tôi đang tiến hành những cuộc đàm thoại tích cực với tin tưởng rằng, kết quả của bất kỳ quyết định nào vẫn sẽ là việc hình thành một cơ cấu cho phép cùng hợp tác giải quyết các vấn đề; giúp đạt được hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực” – Ngoại trưởng Jordan nhấn mạnh thêm. Ngày 27-10 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị An ninh thường kỳ hàng năm tại Manama (Manama Dialogue 2018), Ngoại trưởng Bahrain là Khalid bin Ahmed Al Khalifa cũng tuyên bố, việc thành lập MESA nhiều khả năng sẽ được triển khai vào năm tới. Cần nói thêm, Hội nghị An ninh trên của các quốc gia vùng Vịnh đã được tổ chức hàng năm tại Bahrain kể từ năm 2004. Nhà tổ chức chính của hội nghị là Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) với nhiều chi nhánh đặt tại London (Anh), Mỹ, châu Á và Trung Đông. Các quốc gia thành viên chính tham gia vào các phiên họp chính là các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác các quốc gia vùng Vịnh (Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE). Các quốc gia được mời tham gia vào các phiên họp còn có Australia, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật, Pakistan, Nga, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ, Ai Cập và Jordan. Dự án thành lập MESA lần đầu tiên được bàn bạc nghiêm túc vào mùa xuân năm ngoái, nhân chuyến viếng thăm Washington của hai nguyên thủ trong thế giới Arab – đầu tiên là của Thái tử Mohammad bin Salman của Saudi Arabia trong chuyến công du 5 ngày (từ 13 đến 17-3-2017), sau đó gần nửa tháng là của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. Các bên trong cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump đều nhất trí cho rằng, một liên minh quân sự tương tự như NATO trong thế giới Arập là cần thiết, thậm chí là cấp thiết trước tiên để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực.
Mỹ đang muốn thiết lập một liên minh quân sự kiểu NATO tại Trung Đông.
Tiếp sau những ý tưởng ban đầu là những nét đề xuất mang tính định hình mới đối với mô hình của MESA trong tương lai – đó là xây dựng các hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa trong khu vực, đào tạo quân sự, diễn tập chung, cũng như hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan mật vụ chống khủng bố. Một khi chứng minh được hiệu quả của mình, có thể triển khai các bước hợp tác quân sự chặt chẽ hơn, từ ký kết thỏa thuận an ninh tập thể, giúp đỡ lẫn nhau cho tới thành lập các đơn vị chung trong khuôn khổ MESA. Những quan điểm nghi ngại Công bằng mà nói, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi khi nhìn vào danh sách dự kiến các thành viên của MESA. Vật cản đáng kể đầu tiên trên con đường hình thành một liên minh này chính là tình trạng mâu thuẫn gay gắt giữa Saudi Arabia, UAE với Qatar. Nói chung, Saudi Arabia và UAE vẫn luôn thể hiện tham vọng “điều hành” các quốc gia láng giềng, áp đặt những quan điểm chính trị của mình đối với họ - đưa quân đội tham gia vào cuộc chiến khốc liệt tại Yemen, xúi giục những hàng xóm khác tẩy chay Doha, thậm chí lên kế hoạch đưa quân vào Qatar.
Việc thành lập MESA hiện giờ có lợi đối với Mỹ, Saudi Arabia và UAE là chính.
Cho dù đang là chủ nhà của căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất trong khu vực, nhưng Qatar hiện đang bị “tẩy chay”. Và trong tình cảnh bị cô lập ngay trong thế giới các nước Arab, họ lại đang có những cải thiện quan hệ đáng kể với Iran, vốn được coi là đối thủ chính của MESA trong tương lai. Trong khi đó, do đang phải đối đầu với nhiều vấn đề nghiêm trọng về kinh tế và chính trị, Jordan giờ đây vẫn đang tập trung chủ yếu vào chính sách đối nội. Oman về truyền thống từ trước vẫn luôn theo đuổi chính sách trung lập. Lực lượng vũ trang của Kuwait và Bahrain lại quá nhỏ bé để có thể đóng góp đáng kể về lực lượng cho liên minh. Còn Ai Cập từ trước đó đã kiên quyết chối từ việc đưa quân vào Syria. Rốt cuộc, những thành viên được hưởng lợi chính trong việc thành lập ra MESA trước mắt chỉ có Saudi Arabia, UAE và Mỹ. Việc hiện thực hóa ý tưởng trên vẫn được các quan chức tại những quốc gia này quảng bá là “thành công chưa từng có trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và chính sách xâm lược của Iran”, hay “là thành quả của một chính sách thấu đáo và nhìn xa trông rộng của Nhà Trắng”. Nếu đánh giá một cách công tâm, Iran hiện nay chưa có khả năng thống trị tại Trung Đông. Tehran vẫn đang phải đương đầu với những vấn đề nghiêm trọng về chính trị và kinh tế, khiến quân đội vẫn chưa thể khôi phục được trạng thái sẵn sàng chiến đấu thông thường. Như trong năm 2017 vừa qua, chi phí quân sự của Iran chỉ vỏn vẹn gần 16 tỉ USD, so với 77 tỉ USD của Saudi Arabia và 25 tỉ USD của UAE. Nói tóm lại, Tehran chưa đủ lực để tiến hành chiến tranh chớp nhoáng với các quốc gia láng giềng, chưa nói đến những nước nằm xa hơn như Ai Cập. Bản thân, các nhà lãnh đạo Iran lại cho rằng, việc thành lập liên minh mới trên sẽ không thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, mà ngược lại chỉ dẫn tới việc leo thang, “làm sâu sắc hơn vực thẳm trong quan hệ giữa Iran, các đồng minh trong khu vực của họ với các quốc gia Arab đang được Mỹ hậu thuẫn”. Đinh Linh (tổng hợp)

CATP Hà Tĩnh