Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Xã hội hóa bảo vệ, phát triển rừng, hiệu quả thấy ngay

4 năm thực hiện đề án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) bền vững giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến 2020, có thể khẳng định rừng Hà Tĩnh gần như được “khai sinh” thêm một lần nữa.

Độ che phủ rừng tăng lên theo từng năm với những con số ấn tượng (từ 49,5% năm 2012 lên 52,34% năm 2015). Khoảng từ năm 2009 - 2012 hàng loạt vụ lâm tặc phá rừng có tổ chức tại các huyện trọng điểm như Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Vũ Quang... được phanh phui, đi kèm với đó là hàng trăm, hàng nghìn m3 gỗ quý hiếm các loại bị lâm tặc xẻ thịt không thương tiếc, không ít đối tượng ngay sau đó bị truy tố, lĩnh án tù. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, vì miếng cơm manh áo, hàng chục nghìn hộ dân sống gần rừng vẫn bám rừng mưu sinh, tình trạng phá rừng dù được hạn chế nhưng số vụ việc lấn chiếm đất rừng lại gia tăng. Để bảo vệ “lá phổi xanh”, tháng 8/2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đề án quản lý, BV&PTR bền vững giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, toàn tỉnh áp dụng mô hình xã hội hóa công tác BV&PTR, trao quyền tự chủ quản lý, BVR vào tay người dân. Giảm số vụ cháy rừng và vi phạm lâm luật Thời gian đầu thực hiện, các cơ quan quản lý nhà nước chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nhiều diện tích rừng đã bị khai thác đang nham nhở nên công tác khắc phục hậu quả không phải ngày một ngày hai là làm được, hơn nữa nhận thức của đại bộ phận người dân đang bám rừng mưu sinh bây giờ tuyên truyền để họ tự giác bỏ cưa, bỏ rìu... làm một công việc khác để BVR là cực kỳ khó. Sau khi họp bàn, thống nhất phương án đến tận thôn xóm, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì thực hiện đề án huy động tổng lực cán bộ, nhân viên phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp tỏa xuống cơ sở, phối hợp chính quyền địa phương thực hiện 13 hạng mục của đề án. Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh chia sẻ, mặc dù các nội dung chính xây dựng trong đề án như: Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, chế biến lâm sản trái phép; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, đầu ra của các cơ sở chế biến; tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ, khuyến lâm; tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch BV&PTR... Hà Tĩnh đã triển khai từ trước những năm 2009 nhưng do yếu tố khác quan và chủ quan dẫn đến hiệu quả còn hạn chế. 10-35-29_nh1

Đề án BV&PTR bền vững tiếp tục được đề xuất triển khai đến năm 2020

“Trong thời gian thực hiện đề án chúng tôi phải vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, căn cứ tình hình thực tế cụ thể ở từng địa phương, từng vùng rừng để điều chỉnh các giải pháp. Kết quả sau 4 năm “nếm mật nằm gai”, đề án đã nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh từ 49,5% (năm 2012) lên 52,34% (năm 2015); các chỉ tiêu như số vụ phá rừng, cháy rừng giảm; diện tích rừng trồng tăng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động”, ông Huấn nói.

Để minh chứng cho những kết quả mình nói, ông Huấn viện dẫn thống kê tổng số vụ vi phạm luật BV&PTR năm 2012 là 646 vụ, trong đó, khởi tố hình sự 11 vụ, chống người thi hành công vụ 6 vụ. Đến năm 2015, tổng số vụ vi phạm giảm còn 328 vụ, khởi tố hình sự 3 vụ, chống người thi hành công vụ 1 vụ.

Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, năm 2012 toàn tỉnh để xảy ra 22 vụ cháy với tổng diện tích thiệt hại gần 39ha và đến thời điểm này (tháng 7/2016) tổng số vụ cháy giảm xuống 12 vụ, diện tích thiệt hại 21ha. Cá biệt như năm 2013, Hà Tĩnh chỉ để xảy ra 1 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại hơn 3ha.

Ngoài việc ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật BV&PTR, sau khi thực hiện đề án quản lý, BV&PTR bền vững, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với đảm bảo môi trường sinh thái trên địa bàn. Hoàn thành dự án điểm điều tra, kiểm kê rừng theo Quyết định 1240/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó đã xác định được diện tích, ranh giới, hiện trạng rừng gắn với từng chủ quản lý; góp phần phục vụ cho công tác quản lý, BVR.

10-35-29_2

Số vụ vi phạm lâm luật giảm hẳn sau khi thực hiện đề án quản lý, BV&PTR bền vững

Quy hoạch hơn 40.000ha rừng sản xuất/7 huyện, gồm Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và Đức Thọ phục vụ chế biến lâm sản giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến 2030, đảm bảo quy mô rừng trồng tập trung, ổn định đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu gỗ cho các nhà máy chế biến trên địa bàn và xuất khẩu.

Ra quân tháo dỡ, cắt điện 244/244 cơ sở cưa xẻ; 38 cơ sở sản xuất mộc; 2 cở sở chế biến dăm; 1 dây chuyền chế biến dăm gỗ không đảm bảo tiêu chí, không đúng quy hoạch; giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật.

Đối với bộ máy quản lý BV&PTR, thực hiện đề án tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, đồng bộ, tỉnh Hà Tĩnh thành lập Chi cục Kiểm lâm trên cơ sở sáp nhập 2 Chi cục: Kiểm lâm và Lâm nghiệp cũ; giảm số lượng BQL rừng đặc dụng, phòng hộ từ 9 ban xuống còn 7 ban; đồng thời, cắt chuyển diện tích rừng phòng hộ tập trung của các Cty lâm nghiệp Chúc A (Hương Khê) và Hương Sơn chuyển về các cho BQL rừng phòng hộ quản lý, sử dụng nhằm đảm bảo công tác BVR hiệu quả hơn.

Ông Lê Tiến Cát, Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn cho hay, sau khi thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, Cty phải trải qua bao phen sóng gió vì thiếu tiền. Tuy nhiên, xác định nhiệm vụ chính của đơn vị là BVR, Cty tự đứng lên bằng việc đầu tư xây dựng mô hình sản xuất ngoài lâm nghiệp như trồng cây dược liệu, sản xuất gạch, chăn nuôi lợn... để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Trao “cần câu” cho dân

Xã hội hóa BVR cũng không thể thiếu vai trò của người dân. Thay vì để bà con sống gần rừng tự “bắt cá”, dựa vào khai thác lâm sản, săn bắt động vật phục vụ cuộc sống, cuối năm 2013 tỉnh Hà Tĩnh chuyển hướng sang trao “cần câu” cho họ thông qua đề án giao giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, giai đoạn 2013 - 2015. Kể từ đó, người dân được tự chủ làm kinh tế trên hàng chục nghìn ha đất lâm nghiệp nhưng có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.

10-35-29_3

Người dân rất phấn khởi khi được giao đất, giao rừng phát triển sản xuất

Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng BVR & bảo tồn thiên nhiên (Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh) cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện đề án giao đất, giao rừng, đến thời điểm này 138 xã/12 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy CNQSDĐ với tổng diện tích 44.124ha cho hơn 17.200 hộ, cộng đồng (đạt 99,6% kế hoạch). Hiện diện tích rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã có chủ quản lý, chỉ còn một số ít diện tích đất ao hồ, sông suối, bãi cát, trùng các quy hoạch khác; diện tích còn tranh chấp lấn chiếm là chưa được giao.

“Kết quả giao đất, giao rừng trên nhận được sự đồng thuận rất lớn của chính quyền các cấp, đặc biệt là người dân vùng rừng. Khi có đất trong tay, bà con xem đó là tài sản của mình, yên tâm đầu tư kinh phí để tổ chức sản xuất, tạo việc làm ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả; đồng thời, tạo ra một bước phát triển vững chắc trong xã hội hóa nghề rừng, huy động tối đa mọi thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia BVR”, ông Tùng nhấn mạnh thêm.

Cũng theo Trưởng phòng BVR & bảo tồn thiên nhiên, thông qua việc thực hiện đề án quản lý, BV&PTR, từ năm 2012 - 2015 toàn tỉnh Hà Tĩnh trồng mới được hơn 23.000ha rừng tập trung; trồng 18 triệu cây lâm nghiệp phân tán; chuyển hóa rừng giống 100ha; khoán BVR hơn 515.000ha... với tổng kinh phí thực hiện hơn 453,6 tỷ đồng.

CATP Hà Tĩnh