Xác định nguyên nhân ban đầu gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây
Do nồng độ ô xy hòa tan trong nước Hồ Tây thấp, chỉ đạt 1,5 mg/l, trong khi theo tiêu chuẩn nồng độ ô xy hòa tan trong nước phải đạt mức 6mg/l cá mới sống được. Mặt khác, trong những ngày vừa qua, thời tiết thay đổi, nắng nóng đột ngột, mưa thất thường, kết hợp với việc thiếu ô xy trong nước dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt.
Chiều 2-10, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội) cho biết: Sau khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Tây vào ngày 2-10, đơn vị đã tiến hành lấy mẫu nước hồ về để phân tích và tìm nguyên nhân gây nên tình trạng trên.
Cá chết hàng loạt tại Hồ Tây. Ảnh: TTXVN. |
Qua kiểm tra, nguyên nhân ban đầu được xác định là do nồng độ ô xy hòa tan trong nước Hồ Tây thấp, chỉ đạt 1,5 mg/l, trong khi theo tiêu chuẩn nồng độ ô xy hòa tan trong nước phải đạt mức 6 mg/l cá mới sống được. Mặt khác, trong những ngày vừa qua, thời tiết thay đổi, nắng nóng đột ngột, mưa thất thường, kết hợp với việc thiếu ô xy trong nước dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt.
Để rà soát và xác định nguyên nhân, Chi cục đã cử cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra, khảo sát tất cả các cửa xả thải xung quanh khu vực hồ Tây. Tuy nhiên, chưa phát hiện thấy đơn vị nào xả thải trộm, gây ô nhiễm môi trường nguồn nước. Khu vực này đã có đơn vị phụ trách thu gom, xử lý nguồn nước thải thường xuyên.
Kết quả xét nghiệm mẫu nước sẽ có trong vài ngày tới. Ảnh: TTXVN. |
Ông Mai Trọng Thái cho biết thêm: Các mẫu nước sau khi thu về sẽ được Chi cục tiến hành phân tích, xét nghiệm. Thông thường phải chờ đến vài ngày nữa mới có kết quả. Khi có kết quả chính thức, Chi cục sẽ công bố sau.
Trước đó, từ chiều 1-10, khu vực ven Hồ Tây xảy ra tình trạng cá chết bất thường. Cá rải đều khắp mặt hồ và tập trung nhiều hơn ở những nơi cuối gió. Đặc biệt là khu vực ven đường Nguyễn Đình Thi, ngã ba Văn Cao, đủ các loại cá như cá mè, rô phi, cá chép… trôi dạt vào bờ, bốc mùi hôi thối vô cùng khó chịu. Nhiều người dân đã đến vớt cá về cho lợn hoặc để bón cây.
Không chỉ nhiều về số lượng, cá chết còn có trọng lượng khá lớn. Nhiều con cá mè, cá chép to từ 3 – 5kg. Anh Nguyễn Sơn Tùng (phường Thụy Khuê) cho biết, trước đây tại hồ Tây cũng đã xảy ra tình trạng cá chết nhưng chết nhiều, nổi dày đặc như vậy thì đây là lần đầu tiên. Cá chết bốc mùi tanh thối, khó chịu nên nhà anh Tùng phải đóng kín các cửa.
Ông Đỗ Hùng Vương, Phó Trưởng Ban Quản lý Hồ Tây cho biết, hiện tượng cá chết xuất hiện rải rác từ trưa 1/10. Ban đầu số lượng không nhiều, chủ yếu cá lành canh, cá rô phi và tôm. Tuy nhiên về sau, lượng cá chết ngày một nhiều, bao gồm đủ loại từ cá nhỏ đến những loại cá lớn như: Cá mè, cá chép… .
Sau khi phát hiện dấu hiện bất thường, Ban quản lý Hồ Tây đã yêu cầu Xí nghiệp vớt rác mặt nước Hồ Tây tiến hành thu gom và xử lý
Ban quản lý Hồ Tây cũng đã báo cáo sự việc lên UBND quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, Chi cục Thủy sản Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để điều tra nguyên nhân. UBND quận Tây Hồ đã giao UBND các phường quanh hồ rà soát, kiểm tra tất cả hệ thống xả thải của các nhà hàng, địa điểm kinh doanh quanh Hồ Tây.
Đến chiều 2-10, khoảng 300 công nhân của các đơn vị đã thực hiện thu gom cá chết trên hồ. Ước tính bước đầu đã vớt được khoảng 4 tấn cá và đưa tới bãi chôn lấp của thành phố để tiêu hủy theo đúng yêu cầu vệ sinh môi trường.
CATP Hà Tĩnh