Xâm hại tình dục trẻ em - từ căm phẫn đến trách nhiệm
Bất cứ một ai có lương tri, khi nghe đến vấn đề “xâm hại tình dục trẻ em” đều cảm thấy ghê tởm và căm phẫn. Thế nhưng, đã bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi mình đã làm gì để chung tay phòng chống loại tội phạm biến thái, suy đồi này, trong khi bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội?
Những gì diễn ra xung quanh quá phũ phàng và có tính phổ biến đến mức, chúng ta nghe, thậm chí nghe liên tục những câu chuyện đau lòng ở rất nhiều địa phương, quốc gia và ngay trên mảnh đất Hà Tĩnh (như tại TX Hồng Lĩnh, Hương Sơn, Kỳ Anh…). Từ đâu, hiện trạng này xảy ra liên tục? Từ đâu những em bé hồn nhiên, vô tư lại trở thành “miếng mồi” của nhiều kẻ vô lương? Những câu hỏi không dễ để giải đáp thấu đáo, trừ khi chúng ta hiểu rõ về biến động tâm lý xã hội, những góc khuất, kể cả là góc khuất quái quỷ trong mỗi con người.
Theo các nhà nghiên cứu, trẻ em có thể bị xâm hại tình dục bằng cách đụng chạm (hôn hoặc ôm trẻ theo kiểu tình dục, sờ vào bộ phận sinh dục, ép trẻ thực hiện hành vi mại dâm…) và không đụng chạm (dùng lời nói hoặc tranh ảnh khiêu dâm, cho trẻ nghe hoặc nhìn những cảnh tình dục…). Dù sử dụng bạo lực hay “lòng tốt” để thực hiện hành vi xâm hại tình dục thì hậu quả đối với trẻ cũng rất lớn. Nhiều nạn nhân có thể bị tổn thương lâu dài, đặc biệt là với những trẻ không thể kể về sự xâm hại hoặc không nhận được sự giúp đỡ hay trị liệu từ phía gia đình, xã hội.
Minh họa từ internet
Đe dọa về xâm hại tình dục trong bối cảnh hiện nay có thể xem là thường trực. Các tình trạng xâm hại diễn ra ở nhiều góc độ, ở cả những nơi tưởng chừng an toàn nhất như trong gia đình, trường học và thực trạng số trẻ em ít tuổi có xu hướng bị xâm hại ngày càng tăng… đã phản ánh hiện tượng tâm lý xã hội không bình thường. Sự suy đồi đã trở thành vấn nạn xã hội, tác động đến những tâm hồn thơ ngây. Vậy, những chủ thể dễ bị hại đã được trang bị những gì? Trẻ em đã biết gì về những nguy hại có thể xảy ra? Câu hỏi này cần dành cho tất cả, mà cụ thể là từng cá nhân, gia đình, tổ chức xã hội như đoàn thanh niên, hội phụ nữ và các nhà trường.
Tại các nhà trường, nhóm trẻ mầm non và học sinh các bậc học khác đã được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng về đời sống xã hội nhưng cách phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục vẫn nhiều dè dặt. Còn nhớ, khi nạn bắt cóc trẻ em xảy ra, nhiều nơi, một số trường mầm non đã đưa vào chương trình dạy trẻ cách phòng tránh người lạ. Lại nhớ một câu chuyện khác, khi bàn về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, chúng ta đã tốn nhiều giấy mực. Thế rồi, xu thế xã hội phát triển, tình trạng học sinh thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản để lại hậu quả buộc nhiều nhà trường, tổ chức coi việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên là cần thiết.
Vậy, vấn đề phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em cũng đã đến lúc cần được các nhà trường, tổ chức xã hội quan tâm, truyền đạt kiến thức dưới dạng kỹ năng phòng tránh. Cần nhớ rằng, việc phòng tránh nguy cơ xâm hại này không chỉ là phòng tránh người lạ, bởi lẽ, 93% người phạm tội dâm ô trẻ em là người quen biết trẻ. Điều này có nghĩa, khác với tội phạm khác như bắt cóc, đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhà trường, các tổ chức cần cung cấp thêm những kỹ năng phòng tránh khác.
Việc gần gũi, trao đổi với trẻ các kỹ năng phòng tránh nguy cơ xâm hại là cần thiết. Nhưng, trước khi thực hiện, cần nhớ rằng, trách nhiệm của gia đình là phải quan tâm, để ý nhiều hơn đến trẻ. Hiện nay, theo quan sát, tình trạng trẻ em thiếu sự trông coi của người lớn đang rất phổ biến. Điều này xảy ra ngay cả trong thời gian các em đi học (nhất là trẻ em nông thôn, sau các giờ học trên lớp) và dịp nghỉ hè. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng như đuối nước, điện giật, bị xâm hại tình dục…
Mỗi chúng ta với tư cách là những người có trách nhiệm, cần suy ngẫm để cùng tham gia, giảm thiểu tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục. Chúng ta có thể quan sát và bằng cách nào đó giúp một đứa trẻ an toàn khi đang đi qua khu vực đường vắng hoặc nguy hiểm? Có thể trao đổi với các ông bố, bà mẹ về các nguy cơ xâm hại trẻ em? Có thể vận động các gia đình để các cháu có bố mẹ đi làm ăn xa tham gia “CLB khi bố mẹ vắng nhà”, thường xuyên nghe tư vấn tâm lý trẻ em…
Bằng nhiều cách, chúng ta có thể giúp những đứa trẻ quen và chưa quen có thêm cách phòng tránh an toàn. Cách đây chưa lâu, VTV phát sóng chương trình dạy cho trẻ em gái những thế võ để gạt tay, gỡ tay những kẻ xấu cố tình xâm phạm đến thân thể để chạy thoát hoặc tìm người giúp đỡ. Việc này hẳn là không khó nếu chúng ta muốn tìm hiểu, trao truyền cho các trẻ.
Mạnh Hà/ Theo Báo Hà Tĩnh
CATP Hà Tĩnh