Xây dựng dự án Luật CAND (sửa đổi) phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT
Ngày 19-3, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức phiên họp lần thứ nhất ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan, thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Tại phiên họp, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã công bố quyết định thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Quyết định ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), giới thiệu sự cần thiết ban hành, những công việc đã triển khai, đề cương và những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban soạn thảo. Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp được giao làm thường trực giúp việc Ban soạn thảo dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
|
Thứ trưởng Bùi Văn Nam phát biểu tại phiên họp. |
Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành, thành viên ban soạn thảo đánh giá cao, tán thành việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân cũng như kế hoạch xây dựng dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Các đại biểu cũng đã đưa ra những ý kiến đóng góp xoay quanh những nội dung như điều chỉnh về cơ cấu dự án luật; tác động của mô hình tổ chức mới đến những quy định của luật; tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của CAND …
Phát biểu tại cuộc họp, Thượng tướng Bùi Văn Nam cho biết, ngày 9-3-2018, Bộ Chính trị đã cho ý kiến về Đề án “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” của Đảng ủy Công an Trung ương.
Được sự đồng ý của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) thay thế Luật Công an nhân dân năm 2014 và Pháp lệnh Công an xã năm 2008, dự kiến trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam nhấn mạnh, cần hoàn thiện pháp luật về CAND để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của CAND; quán triệt quan điểm cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước theo định hướng kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm các quy định của Luật Công an nhân dân phù hợp với thực tiễn hoạt động của các lực lượng hợp thành; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những bất cập, hạn chế để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay.
|
Thứ trưởng Bùi Văn Nam cùng các đại biểu tham dự phiên họp. |
Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) là một dự án luật rất quan trọng, tạo không gian pháp lý trực tiếp, quyết định để Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và lực lượng CAND tổ chức triển khai thực hiện thành công các quan điểm, chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ của Đảng về đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam đề nghị tổ biên tập lĩnh hội ý kiến của các đại biểu trong phiên họp để bổ sung vào dự thảo luật đồng thời báo cáo đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an.
CATP Hà Tĩnh