Xây dựng Học viện thành Trung tâm đào tạo Cảnh sát của quốc gia và khu vực
Trong chặng đường lịch sử phát triển, Học viện CSND đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý và hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.Trong chặng đường lịch sử phát triển, Học viện CSND đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý và hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tháng 10 năm 1962, để đào tạo chuyên sâu về bảo vệ trật tự an toàn xã hội (TTATXH), Bộ Công an đã thành lập Khoa Cảnh sát nhân dân (CSND) và sau đó thành lập Phân hiệu CSND trực thuộc Trường Công an Trung ương (nay là Học viện ANND). Tiếp đó ngày 15-5-1968, Trường CSND (nay là Học viện CSND) đã ra đời. Từ đây lực lượng Công an Việt Nam đã có nhà trường đào tạo Cảnh sát chuyên sâu.
Trong chặng đường lịch sử phát triển, Học viện CSND đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý và hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Những thành quả vượt bậc từ gian khó
Từ năm 1968 đến năm 1975, Học viện CSND với tên gọi Trường CSND là cơ sở đào tạo cán bộ Cảnh sát phục vụ đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa và phục vụ công tác an ninh, trật tự ở miền Nam.
Trong giai đoạn này, Trường CSND đã đào tạo hàng trăm khóa học, lớp học với hơn 8.000 học viên có trình độ sơ học, trung học, bổ túc sỹ quan thuộc các chuyên ngành, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam 4.620 cán bộ, chiến sĩ.
Học viên của Trường CSND đã phát huy tốt kiến thức được trang bị, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhiều học viên của nhà trường đã tham gia chiến đấu dũng cảm trên mặt trận bảo vệ giao thông vận tải, đảm bảo an toàn, thông suốt mạch máu giao thông ở những địa bàn trọng điểm ác liệt như: Hà Nội, Hải Phòng, ngã ba Đồng Lộc, tuyến lửa Khu IV cũ. Nhiều đồng chí đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như Trần Đình Lư, Nguyễn Tiến Tuẩn, Huỳnh Kim Trung v.v...
Nhà trường đã đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực Cảnh sát để lực lượng CAND tiếp quản, quản lý các tỉnh, thành phố miền Nam, quản lý giáo dục cải tạo hàng chục vạn sỹ quan, hạ sỹ quan và nhân viên chính quyền Sài Gòn sau giải phóng, giải quyết thành công nạn trộm cướp có tổ chức ở miền Nam sau năm 1975. Bên cạnh đó, nhà trường còn làm tốt nhiệm vụ hợp tác quốc tế, trường đã đào tạo hàng trăm học viên cho lực lượng Cảnh sát Lào và Campuchia.
Năm 1975, trường được giao nhiệm vụ đào tạo đại học Cảnh sát khóa I. Đây là bước ngoặt lịch sử, đánh dấu một bước đột phá chiến lược phát triển, chuyển từ tư duy và phương pháp đào tạo nghề sang tư duy và phương pháp đào tạo lý luận, nâng cao vị thế nhà trường, hội nhập hệ thống các trường đại học trong cả nước, đồng thời khẳng định mô hình đào tạo đại học Công an, Cảnh sát của Việt Nam trên trường quốc tế.
|
Học viện CSND ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để xây dựng các giảng đường thông minh. |
Từ 3 ngành đào tạo đại học ban đầu năm 1975, nay Học viện đã tổ chức đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với 11 ngành, 17 chuyên ngành. Từ năm 2010, Học viện đã bắt đầu chuyển đào tạo từ niên chế sang tín chỉ và thực hiện Đề án chuẩn đầu ra về chính trị, nghiệp vụ, các kỹ năng mềm đối với học viên các hệ học theo chuẩn ASEAN. Trong giai đoạn mới, nhà trường đã lựa chọn đào tạo một số ngành mũi nhọn như Cảnh sát điều tra, Cảnh sát môi trường, Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Năm 1992, Học viện là nhà trường Công an đầu tiên được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ và năm 1995 đào tạo tiến sĩ. Đến nay, Học viện đã đào tạo 2 mã ngành Tiến sỹ Quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm; đã đào tạo 5 mã ngành Thạc sỹ. Từ năm 2009, Học viện đã liên kết với Trường Đại học Tổng hợp Maryland, Hoa Kỳ mở mã ngành đào tạo thạc sỹ về Lãnh đạo, quản lý tư pháp hình sự, dạy và học bằng tiếng Anh.
Đến nay, Học viện đã đào tạo 43 khóa đại học chính quy, 26 khóa đào tạo thạc sĩ và 22 khóa đào tạo tiến sĩ với hơn 15 vạn cán bộ, trong đó có hơn 9 vạn cử nhân, gần 5.000 thạc sĩ, hơn 400 tiến sĩ, hơn 8.000 lượt cán bộ chỉ huy đã tốt nghiệp ra trường. Hầu hết cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của lực lượng CSND Việt Nam đều được đào tạo rèn luyện tại Học viện CSND.
Hàng nghìn người trở thành cán bộ cao cấp, là nhà khoa học, nhà giáo có uy tín, là tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, là anh hùng với chiến công oanh liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhiều cựu học viên của Học viện đã trở thành tướng lĩnh, lãnh đạo cao cấp của lực lượng Công an, Cảnh sát nhiều nước bạn. 19 cựu học viên của Học viện đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Về hợp tác quốc tế, từ năm 1969, nhà trường bắt đầu đào tạo học viên quốc tế. Cán bộ Công an, Cảnh sát của CHDCND Lào, Vương quốc Campuchia, các nước ASEAN, Palestine, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã đến học tập tại Học viện. Học viện đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với 25 Học viện, nhà trường Cảnh sát thế giới và là thành viên của nhiều tổ chức Cảnh sát quốc tế. Nhiều dự án ODA về đào tạo cán bộ Cảnh sát đã được triển khai tại Học viện. Qua đây cũng khẳng định vai trò của Học viện CSND Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Học viện CSND là một trung tâm nghiên cứu khoa học lớn và có uy tín, đã nghiên cứu hàng nghìn công trình khoa học phục vụ chiến đấu bảo vệ TTATXH, phòng chống tội phạm, xây dựng lực lượng CAND và xây dựng phát triển lý luận Khoa học Công an Việt Nam. Hiện nay, Học viện có 16 Giáo sư, 60 Phó giáo sư, 210 tiến sỹ, hơn 400 thạc sỹ, hơn 250 giảng viên chính và là nhà trường có số lượng giảng viên có trình độ cao đứng đầu trong các trường CAND.
“Số hóa” để xây dựng Học viện thông minh
Với phương châm hành động “chủ động, đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, “truyền thống, đổi mới, năng động, phát triển”, Học viện CSND đang phấn đấu trở thành trường chuẩn và trường trọng điểm quốc gia đến năm 2020, trở thành một Trung tâm đào tạo Cảnh sát của khu vực và thế giới với 4 định hướng chính:
Thứ nhất, xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam trở thành Học viện Cảnh sát nhân dân thông minh. Tin học hóa, hiện đại hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó là chủ trương xây dựng các giảng đường thông minh. Đầu tư xây dựng các Khu huấn luyện thực hành với các phòng bắn súng mô phỏng, phòng lái ô tô, lái tàu thủy mô phỏng, các phòng điều tra, khám nghiệm hiện trường mô phỏng và nhiều phòng học có sử dụng các công nghệ mô phỏng, công nghệ ảo, công nghệ thông tin viễn thông, công nghệ số, công nghệ hóa sinh để phục vụ đào tạo Cảnh sát.
Thứ hai, Học viện tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên trên 4 mặt: đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghiên cứu khoa học và kỹ năng thực tiễn làm nòng cốt để đổi mới giáo dục đào tạo của nhà trường. Phấn đấu đến cuối năm 2020, Học viện sẽ có 100 Giáo sư và Phó Giáo sư, 300 tiến sỹ và có 100 giảng viên giảng dạy được bằng tiếng Anh và có thể độc lập trao đổi, quan hệ quốc tế.
Thứ ba, Học viện tập trung đào tạo một số lĩnh vực mũi nhọn cho thế giới và khu vực. Học viện CSND sẽ là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các nhà trường CSND trong thời kỳ mới của đất nước. Trong điều kiện thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đầu tư xây dựng Học viện CSND trở thành một Trung tâm đào tạo cảnh sát lớn của ASEANAPOL, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực mũi nhọn: Cảnh sát điều tra, Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cảnh sát phòng chống khủng bố. Đồng thời phối hợp với INTERPOL xây dựng hai lĩnh vực đào tạo mũi nhọn cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Học viện CSND như: Cảnh sát điều tra, Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Các chương trình đào tạo này được tổ chức dạy và học bằng tiếng Việt và tiếng Anh và cấp bằng quốc tế.
Thứ tư, xây dựng các Viện, Trung tâm nghiên cứu Khoa học Cảnh sát ngang tầm thế giới và khu vực như: Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm, Nghiên cứu An toàn giao thông, Nghiên cứu và phát triển lý luận Cảnh sát, Nghiên cứu An ninh phi truyền thống. Xây dựng các Diễn đàn khoa học chung cho khu vực như: Diễn đàn đào tạo Cảnh sát ASEAN, An ninh châu Á, Diễn đàn An ninh phi truyền thống…
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND
CATP Hà Tĩnh