Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Xe thô sơ chở hàng cồng kềnh: Kiến nghị tăng gấp đôi mức xử phạt

Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đề xuất xử phạt gấp đôi quy định hiện hành đối với vi phạm của người điều khiển xe thô sơ, xe tự chế.

Chỉ trong 3 ngày đã xảy ra 2 vụ tai nạn vô cùng thương tâm khiến một cháu bé và một phụ nữ cao tuổi tử vong tại Hà Nội. Nguyên nhân tai nạn đều do xe thô sơ chở hàng cồng kềnh gây ra. Hậu quả bắt nguồn từ sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông, từ việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng cũng như sự nương nhẹ đối với vi phạm. Sau vụ tai nạn xảy ra đối với bé 9 tuổi trên phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, ngày 25-9, dư luận lại bàng hoàng khi một tình huống tương tự tiếp diễn. Người phụ nữ ngồi chờ xe khách trên cầu Mai Lĩnh, quận Hà Đông, Hà Nội bị tấm tôn từ xe máy kéo thùng lao vào gây tử vong. Có thể đánh giá, nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên bắt nguồn từ chính ý thức người điều khiển phương tiện giao thông và sự “thỏa hiệp” với vi phạm khi thông cảm với nhu cầu thực tế và mưu sinh của người dân lao động.

Cảnh sát giao thông Hà Nội tạm giữ xe tự chế vi phạm an toàn giao thông.
Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, sự bất cập trong quản lý nhà nước và ý thức của một phận người dân còn hạn chế là hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Hiện nay, nhiều người vì mưu kế sinh nhai đã bất chấp các quy định về TTATGT. Trong khi đó, các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm tra xử lý lại quá nhiều việc, đôi khi chưa quyết liệt trong xử lý đối tượng vi phạm, nhất là đối với người điều khiển xe thô sơ, người đi bộ mặc dù luật đã quy định rõ ràng. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã nghiêm cấm việc vận chuyển hàng hóa mà không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm. Đồng thời, Luật quy định UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình của địa phương để ban hành quy định cụ thể đảm bảo an toàn giao thông đối với xe thô sơ khi lưu thông vận chuyển hàng hóa trên đường. Tuy nhiên, nhiều địa phương không có quy định hoặc có quy định nhưng không có sửa chữa bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế. Thậm chí nhiều địa phương không coi xe thô sơ, xe ba bánh, tự chế là nguồn nguy hiểm nên buông lỏng quản lý. Từ đó dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Còn tại Hà Nội, vì sao các loại xe như trên vẫn tồn tại, lưu thông và gây hậu quả nặng nề? Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chia sẻ một số khó khăn trong công tác xử lý loại xe này. Do nhu cầu vận tải hàng hóa của người dân trên địa bàn thành phố, nhất là khu vực nội thành, trong ngõ, ngách rất cao. Các phương tiện này lại dễ dàng đi vào khu vực có địa hình nhỏ hẹp, dễ luồn lách, nên nhu cầu sử dụng lớn. Nhiều người giả danh thương binh, hoặc là thương binh ngồi kèm lái xe gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Mặt khác, nếu kiểm tra, xử lý loại xe này trong giờ cao điểm sẽ dễ gây ùn tắc giao thông. Hiện cũng chưa có văn bản pháp luật quy định về niên hạn sử dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự, từ đó dẫn đến tình trạng các phương tiện này sau khi cũ nát được tận dụng, cải tạo tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa… không đảm bảo an toàn. Một số địa phương như Nam Định, Quảng Ninh… vẫn làm thủ tục sang tên đăng ký đối với các xe ba bánh gây khó khăn cho công tác quản lý. Đại tá Trần Sơn khẳng định, hành lang pháp lý trong xử phạt vi phạm đối với xe thô sơ chở hàng cồng kềnh đã tương đối đầy đủ, có cụ thể cả điều kiện sức khỏe, độ tuổi của người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, trong thực tế việc xử phạt còn nể nang, trong đó không loại trừ tâm lý thông cảm đối với người lao động, dẫn đến nhờn luật. Người lao động vất vả mưu sinh dù đáng thương nhưng ai sẽ thương những người vô tội phải thiệt mạng nếu xảy ra tai nạn do mất an toàn giao thông? “Vụ tai nạn khiến hai người tử vong vừa qua là bài học vô cùng đau xót. Không chỉ từ nay đến cuối năm mà thời gian sau đó Phòng CSGT vẫn sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý, tiêu hủy bất cứ xe ba bánh, tự chế nào vi phạm Luật Giao thông trên địa bàn TP Hà Nội”, Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định. Trong 9 tháng đầu năm, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội xử phạt 3.357 xe ba bánh, xe tự chế, thanh lý 220 xe và đang làm thủ tục thanh lý tiếp 350 xe. Con số trên cho thấy lực lượng CSGT Hà Nội vẫn tích cực xử lý vi phạm, nhưng thực tế cho thấy việc xử phạt chưa đủ sức răn đe. Phòng CSGT cũng đề nghị có cơ chế tạo việc làm cho thương binh, người khuyết tật để họ có thể kiếm sống đồng thời đảm bảo an toàn giao thông. Trước mắt, Phòng đề xuất xử phạt gấp đôi quy định hiện hành đối với vi phạm của người điều khiển xe thô sơ, xe tự chế. Cùng quan điểm này, Đại tá Trần Sơn cũng cho rằng, nếu thực tế thấy cần phải nâng cao, bổ sung xử lý vi phạm thì phải có sự điều chỉnh các văn bản dưới luật, trong đó có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông.

CATP Hà Tĩnh