Xử phạt 21,5 triệu đồng trong ngày đầu thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia trong nội thành Hà Tĩnh
Trong ngày đầu tiên Luật phòng chống tác hại của rượu bia 2019 có hiệu lực thi hành, tối 1/1/2020, lực lượng CSGT - Trật tự Công an TP Hà Tĩnh đã ra quân nhắc nhở hàng trăm phương tiện và xử phạt 5 trường hợp về lỗi vi phạm nồng độ cồn trong nội thành.
Theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, bất kể điều khiển phương tiện giao thông gì, nếu trong máu, hơi thở có nồng độ cồn đều vi phạm pháp luật.
Luật phòng chống tác hại của bia rượu 2019 đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 trên toàn quốc. Theo luật, có 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm triệt để hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo đó, bất kể người điều khiển giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo...) đã uống rượu bia đều không được phép lưu thông trên đường.
Lực lượng CSGT - Trật tự Công an TP Hà Tĩnh nghiêm túc thực hiện kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông
Ngay trong ngày đầu tiên Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực, dù điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng Đội CSGT- Trật tự Công an TP Hà Tĩnh đã tích cực ra quân xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kết quả, lực lượng CSGT- Trật tự Công an TP Hà Tĩnh đã tạm giữ 5 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 3 người điều khiển mô tô, 2 người điều khiển ô tô với số tiền xử phạt 21,5 triệu đồng,
Ông Lê Văn Ba (TP Hà Tĩnh, người vi phạm) cho biết: “Mặc dù có được nghe nói về Luật Phòng chống rượu bia mới nhưng bản thân tôi chưa thực sự hiểu rõ về nó. Tối nay do có nhậu với bạn bè mà vẫn tiếp tục sử dụng xe máy nên tôi đã bị lực lượng CSGT xử phạt. Sau khi được các chú công an nhắc nhở, tuyên truyền về luật, tôi sẽ cẩn trọng hơn và tuyệt đối không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông nữa”.
Trong năm 2019, lực lượng CSGT TP Hà Tĩnh đã xử phạt 1.052 trường hợp vi phạm nồng độ cồn với số tiền hơn 2 tỷ 630 triệu đồng.
Được biết, trong thời gian tới, Công an TP Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền rộng rãi về hành vi vi phạm và các chế tài xử phạt. Các tổ tuần tra cơ động sẽ ghi lại hình ảnh làm cơ sở xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện sử dụng bia rượu. Thông báo các lỗi vi phạm, kết quả xử phạt cho cơ quan quản lý người vi phạm và nơi cư trú nhằm nâng cao ý thức người dân, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện qua lại trên địa bàn TP.
Trung tá Bùi Đức Thuận - Phó trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết: “Đây là ngày đầu tiên Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Giám đốc Công an tỉnh, chúng tôi đã bố trí 100% lực lượng CSGT trật tự, huy động tối đa phương tiện để thực hiện công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nồng độ cồn.
Qua đó, chúng tôi cũng muốn truyền đi một thông điệp đó là khi luật đã chính thức có hiệu lực, các quy định về mức xử phạt của Chính phủ cũng đã có chế tài tăng nặng hơn so với trước. Do đó, đề nghị bà con nhân dân khi tham gia giao thông hãy có trách nhiệm với bản thân, tuyệt đối đã uống bia rượu thì không lái xe".
Tuyên truyền, nhắc nhở người dân tham gia giao thông chấp hành nghiêm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; tuyệt đối đã uống rượu bia là không lái xe.
Được biết, trong thời gian tới, Công an TP Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về hành vi vi phạm và các chế tài xử phạt. Các tổ tuần tra cơ động sẽ ghi lại hình ảnh làm cơ sở xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện sử dụng bia rượu.
Đồng thời với tăng cường các mặt công tác để xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm thực hiện có hiệu quả Luật phòng chống tác hại của rượu bia, các tổ công tác còn tích cực tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến bà con nhân dân.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắtthay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông. Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm ở mức cao nhất (mức 3), phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22- 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 ngàn đồng. |
CATP Hà Tĩnh