Xung điện bắt cá, hậu quả khôn lường!
Mặc dù đã bị pháp luật nghiêm cấm nhưng hiện nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh, tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt cá vẫn diễn ra khiến nguồn lợi thủy sản nước ngọt đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt và đe dọa trực tiếp tới tính mạng người đánh bắt.
Rất dễ bắt gặp hình ảnh người dân mang theo bộ kích điện bắt cá vào ban đêm. (Ảnh chụp tại xã Cẩm Quan đêm 6/10/2016).
Ngang nhiên vi phạm
Trưa tròn bóng, chúng tôi bắt gặp anh T. (xã Thiên Lộc, Can Lộc) đang bắt cá bằng kích điện trên đồng. Dụng cụ của anh khá đơn giản, gồm: một ắc-quy 12V, bộ kích điện và 2 dây dẫn tự chế. Anh T. cho biết: “Đây là giai đoạn mực nước ở các kênh, mương, ao hồ xuống thấp nên việc kích điện sẽ hiệu quả hơn. Mùa này cá cũng sinh sôi, nảy nở nhiều hơn”. Điểm đầu tiên anh T. hành nghề là một con mương dẫn nước vào ruộng lúa. Chưa đầy 20 phút kích điện, hầu như tất cả cá, tôm… có ở mương, bất kể to nhỏ đều nổi lên.
Không lộ liễu như anh T., một số người dân ở các xã Cẩm Lộc, Cẩm Trung, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) lại xung điện bắt cá vào ban đêm. Theo đó, đi dọc khúc sông Hội (đoạn qua xã Cẩm Quang, Cẩm Quan) hay trên các con mương ven đồng ruộng, không khó bắt gặp hình ảnh người dân mang bộ xung điện, kích điện. Những thiết bị “hành nghề” này khá đơn giản, chỉ một bình ắc-quy khoảng 12V, được gắn với một bộ phận kích điện, nối dây dẫn điện xuống 2 cần tre dài khoảng 2m, có gắn thanh sắt nhọn và vợt sắt rồi bật công tắc thì có thể tạo ra dòng điện từ 110-220V. Với cách đánh bắt này, tất cả các sinh vật ở dưới nước nằm trong bán kính từ 1,5-2m đều bị hủy diệt, trong đó, toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du, làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, dẫn đến sụt giảm nhanh chóng số lượng các loài thủy sản, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Trẻ con cũng tham gia hành nghề bắt cá bằng xung điện
Không chỉ diễn ra ở Cẩm Xuyên, Can Lộc, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hiện đang tái diễn tình trạng bắt cá bằng xung điện. Nhất là trong thời điểm ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, người tiêu dùng quay lưng với cá biển nên tìm đến cá đồng nhiều hơn. Anh Trần Văn Nghĩa - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà cho biết: “Việc sử dụng bình ắc-quy và bộ kích điện để đánh bắt cá đã xuất hiện từ lâu và đang trở thành công cụ mưu sinh của nhiều gia đình trong mùa mưa lũ này. Người dân có thể tự mua bình ắc-quy và dây điện về tự chế tạo hoặc mua bộ kích điện bán sẵn với giá chưa tới 2 triệu đồng/bộ. Việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện rất đơn giản, chỉ cần kích điện là tất cả các loại cá lớn, nhỏ trong bán kính 2-3m đều bị chết hoặc nổi lên mặt nước. Sau đó, người dân dùng lưới, vợt để bắt”.
Nhiều nguy hại
Việc người dân đánh bắt cá bằng xung điện không chỉ làm cho nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt, mà còn là “lưỡi hái tử thần” đe dọa tính mạng người đánh bắt. Trường hợp vợ chồng ông Mai Văn Nghĩa ở xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh) dùng thuyền nhỏ, mang theo kích điện đi bắt cá bị tử vong do vướng vào bộ phận kích điện và bị giật vào ngày 2/10/2015 là một trong những trường hợp đau lòng. Trước đó, ngày 8/4/2014, nam thanh niên tên Tài ở huyện Hương Sơn cũng tử vong do xung điện bắt cá tại cánh đồng thôn Huy Tiến, xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên).
Tại Điều 15, Nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn, ngoài ra, còn bị tịch thu công cụ kích điện. Quy định rất cụ thể, tuy nhiên, hiện còn rất nhiều người không biết hoặc “cố tình không biết” việc dùng bình ắc-quy để đánh bắt cá là vi phạm pháp luật.
Ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Dù đã được cảnh báo về sự nguy hiểm của việc sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản, thậm chí, bị tịch thu bình ắc-quy, cần kích điện, nhưng một số người dân vẫn cố tình vi phạm. Thời gian tới, chính quyền sẽ phối hợp với các ban ngành, đến từng nhà tuyên truyền để người dân bỏ nghề đánh bắt cá bằng xung điện; đồng thời, có biện pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề để giảm thiểu nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản và đảm bảo tính mạng cho người dân”.
Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân hiểu và chấp hành tốt hơn, nhằm giảm thiểu nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản tự nhiên và tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra do xung điện bắt cá.
CATP Hà Tĩnh