Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc đấu tranh về quyền bình đẳng của phụ nữ

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vị trí và vai trò của phụ nữ trong xã hội Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với vai trò của phụ nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa và đánh giặc cứu nước, cứu dân”. Hai Bà Trưng và các nữ tướng đã làm nên thắng lợi vẻ vang cho dân tộc, đánh đuổi quân Đông Hán ra khỏi đất nước, xây dựng chính quyền độc lập, và khoảng 200 năm sau, góp phần vào truyền thống đánh giặc của phụ nữ Việt Nam là cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu đứng lên chống quân xâm lược Đông Ngô. Câu nói nổi tiếng của Bà Triệu: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kính ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta” còn lưu truyền mãi cho đến ngày nay. Có thể nói, ngay từ buổi đầu dựng nước, phụ nữ Việt Nam đã đóng một vai trò to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Hồ Chí Minh khi tổng kết lịch sử nước ta cũng đã nhận xét: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Đánh Đông dẹp Bắc làm gương để đời”. Quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có con đường giải phóng phụ nữ. Hồ Chí Minh thường nhắc lại câu nói của Các Mác về vai trò của phụ nữ: “Nói phụ nữ là phân nửa xã hội, nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Theo Hồ Chí Minh, phụ nữ là một lực lượng to lớn trong mọi đời sống xã hội. Đặc biệt, trong các cuộc cách mạng, phụ nữ luôn đóng vai trò hết sức quan trọng: “Xem trong lịch sử cách mệnh, không lần nào mà không có đàn bà con gái tham gia”5, “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Với nhãn quan tinh tế, Hồ Chí Minh đã đánh giá rất chính xác vai trò của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình cách mạng và ghi nhận những đóng góp to lớn của phụ nữ đối với cách mạng giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh đã tặng cho phụ nữ Việt Nam danh hiệu: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và Người rút ra kết luận: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.    2. Giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới là mục tiêu quan trọng của cách mạng Dưới chế độ phong kiến thực dân, người phụ nữ bị áp bức đến cùng cực, bị khinh rẻ ngược đãi đến mức mất cả tư cách làm người. Thân phận và địa vị của người phụ nữ bị trói buộc bởi các quan niệm đạo đức phong kiến và các luật pháp phi lý. Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, đi đến đâu, Hồ Chí Minh cũng chứng kiến cảnh phụ nữ bị đối xử bất công, bị bóc lột, bị chà đạp nhân phẩm một cách tàn nhẫn như phụ nữ Việt Nam. Người đã hun đúc một hoài bão lớn là làm sao để phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng thoát khỏi sự áp bức bất công của xã hội, làm sao để phụ nữ được bình đẳng như nam giới. Chính vì vậy, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn đấu tranh để giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ và Người coi đó là một mục tiêu cao cả của cách mạng. Trong nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề phụ nữ. Đặc biệt, trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã dành cả một chương để trình bày thân phận cũng như nỗi khổ nhục mà người phụ nữ bản xứ phải gánh chịu. Từ sự chứng kiến những đau thương, khổ nhục của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến thực dân, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ thống nhất với mục tiêu của cách mạng, đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Đó là cơ sở để tạo tiền đề thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ. Ngược lại, chỉ khi nào thực hiện được quyền bình đẳng của người phụ nữ thì sự nghiệp cách mạng mới thực sự thành công. Hồ Chí Minh cho rằng: Thực hiện quyền bình đẳng của người phụ nữ là một cuộc cách mạng to lớn và khó, đòi hỏi một quá trình lâu dài. Bởi Người thấy rõ nguồn gốc căn nguyên của những bất công đối với người phụ nữ, đó là những quan niệm phong kiến đã lỗi thời, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã tồn tại hàng ngàn năm, nó đã “ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”. Muốn xóa bỏ những tư tưởng đó, không phải một sớm một chiều mà cần phải có quá trình lâu dài. Đây là cuộc cách mạng tư tưởng gay go và phức tạp, nó đòi hỏi sự quan tâm của tất cả mọi người, của toàn xã hội. Hồ Chí Minh khẳng định: “Dù to và khó nhưng nhất định thành công”8.  3. Nam nữ bình quyền - yếu tố đảm bảo cho tiến bộ xã hội Theo Hồ Chí Minh, thực chất của quyền bình đẳng nam nữ là việc thừa nhận các quyền con người của phụ nữ, và những điều kiện để họ hưởng thụ các quyền đó trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời là các nghĩa vụ cơ bản để phụ nữ phấn đấu trở thành một công dân tốt, một người vợ đảm, người mẹ hiền, người con hiếu thảo. Tuy nhiên, cần phải hiểu sự bình đẳng ở đây là phụ nữ có mọi quyền như nam giới, đồng thời có một số quyền ưu đãi đặc biệt khi phụ nữ gánh vác thêm nghĩa vụ xã hội (sinh con, giáo dục con cái). Không nên hiểu quyền bình đẳng ở đây là sự “ngang quyền” giữa phụ nữ và nam giới. Theo Hồ Chí Minh, quyền bình đẳng nam nữ là phụ nữ phải được bình đẳng trên mọi lĩnh vực: Thứ nhất, phụ nữ có quyền tham gia mọi hoạt động chính trị một cách bình đẳng như nam giới, có quyền bầu cử, ứng cử, quyền tự do ngôn luận, quyền bình đẳng trước pháp luật. Với cương vị là người đứng đầu Nhà nước, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách mà chính phủ cần phải làm ngay, trong đó có Tổng tuyển cử. Ngày 6/01/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, phụ nữ được cầm lá phiếu đi bầu những người có đức, có tài đại diện cho mình trong cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước. Sau khi tổng tuyển cử thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo soạn thảo và ban hành Hiến pháp. Với tư cách là Trưởng ban soạn thảo, Người đề nghị đưa vấn đề bình đẳng nam nữ vào Hiến pháp. Điều 9, Hiến pháp năm 1946 ghi rõ: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Điều 18 Hiến pháp cũng nêu: “Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái, trai đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền”. Hiến pháp đó cho thấy rằng phụ nữ Việt Nam được đứng ngang hàng với đàn ông, đã được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Những điều mà Hiến pháp quy định đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo hiện thực hóa trong quá trình lãnh đạo đất nước. Người nhiều lần nhắc nhở các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương phải chú ý chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ, tạo điều kiện cho chị em tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động chính trị. Đến dự các hội nghi, các lớp học chính trị, bao giờ Người cũng để ý xem số phụ nữ tham gia là bao nhiêu phần trăm. Đến thăm lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện, thấy chỉ có vài phụ nữ, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê bình: “Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay định kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hăng hái mà còn làm tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc bệnh tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách mệnh lệnh như một số cán bộ nam”. Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng để phụ nữ thật sự bình đẳng cần phải xóa bỏ sự lệ thuộc của họ vào kinh tế, giải phóng sức lao động cho chị em, thực hiện bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế. Hiến pháp năm 1946 có ghi: “Tất cả công dân đều ngang quyền về kinh tế và quyền tư hữu tài sản được đảm bảo”. Hiến pháp năm 1959 còn ghi cụ thể: “Cùng làm việc như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới”. Để giải phóng sức lao động của phụ nữ, theo Hồ Chí Minh cần phải đưa phụ nữ tham gia vào nhiều ngành nghề khác nhau: Công nghiệp, thương nghiệp, văn hóa, giáo dục, y tế. phát huy sức lao động cần cù, khéo léo, tài năng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước. Đồng thời, Người nhắc nhở các sở, ban, ngành, phải lập nhà trẻ, vườn trẻ để phụ nữ yên tâm công tác, yên tâm lao động sản xuất. Như vậy, phụ nữ mới thực sự được giải phóng, nam nữ mới thực sự bình quyền. Thứ ba, Hồ Chí Minh còn khẳng định phụ nữ bình đẳng trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Người đặc biệt lên án các hiện tượng phân biệt với phụ nữ, nạn bạo lực trong gia đình như đánh vợ, chửi vợ. và Người cho đó là một điều đáng xấu hổ: “như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? như thế là phạm pháp là cực kỳ dã man”. Đồng thời Người cũng phê phán những quan niệm bình đẳng giản đơn, hình thức theo kiểu “hôm nay anh rửa bát quét nhà, hôm sau tôi rửa bát quét nhà nấu cơm”. Thứ tư, để thực hiện thành công bình đẳng nam nữ trong xã hội, theo Hồ Chí Minh, cần có sự tham gia của Đảng, Nhà nước và chính bản thân phụ nữ. Chỉ có sự phối hợp, đồng lòng, quyết tâm của các tổ chức, đoàn thể thì quyền bình đẳng nam nữ mới thực sự thực hiện được. Đảng và Nhà nước phải có những chính sách cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ, xóa bỏ những bất công đối với phụ nữ, phải tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Người chỉ rõ: “Về phần mình, chị em phụ nữ không ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”10, Người luôn khích lệ, động viên “phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy là phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên”. Những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của người phụ nữ đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta, trong đó có rất nhiều người đạt thành tích to lớn, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Giáo sư Lê Thi (một trong hai phụ nữ được chọn kéo lá cờ đỏ sao vàng trong buổi lễ Tuyên ngôn độc ngày 2/9/1945) đã bộc bạch: “Bác Hồ thường nói: Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ như thế nào. Chúng ta làm cách mạng để giành lấy tự do, dân chủ bình đẳng, trai gái đều ngang quyền nhau, không thể để phụ nữ bị áp bức, cũng như coi thường phụ nữ. Quan điểm của Bác về vấn đề giải phóng phụ nữ, giành quyền bình đẳng thực sự cho chị em là triệt để, cương quyết, nhất quán, nhưng cách ứng xử và giải quyết lại tế nhị, linh hoạt theo phong cách Việt Nam, giản dị, dễ hiểu”. Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới, Đại hội IX của Đảng đã khẳng định: “Đối với phụ nữ, thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn, có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp, các ngành, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức của người mẹ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhằm thể chế hóa thêm một bước các quyền về bình đẳng giới, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XI (11-2006) đã thông qua Luật Bình đẳng giới gồm 6 chương, 44 điều, trong đó đề cập đến bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao và bình đẳng giới trong gia đình. Hiện nay, vấn đề bình đẳng giới đã có nhiều tiến bộ và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh triệt để cho quyền bình đẳng giới vẫn đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2014, Liên Hợp quốc đã nêu thông điệp: Bình đẳng cho phụ nữ là tiến bộ của tất cả chúng ta (Equality for women is progress for all). Ở Việt Nam, quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của Hồ Chí Minh về bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

CATP Hà Tĩnh