Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Chuyển biến tích cực từ chủ trương kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh

Quán nhậu liên kết với các hãng taxi cung cấp dịch vụ chở khách về tận nhà, người dân duy trì thói quen “đã uống rượu bia là không lái xe”, số trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông giảm. Tất cả những chuyển biến tích cực trên là nhờ chủ trương quyết liệt của Lãnh đạo Công an TP trong kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh từ nhiều năm qua.

Những khó khăn ban đầu
Uống rượu bia khi tham gia giao thông mang lại những hiểm họa khôn lường, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và là nguy cơ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật khác. Rượu bia ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và nhận thức của người điều khiển phương tiện. Lái xe sau khi uống rượu, bia không chỉ ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng người cầm lái, những người xung quanh mà còn có nguy cơ đe dọa hạnh phúc gia đình và trở thành gánh nặng cho xã hội.

Nhận thức sâu sắc được tình trạng trên, từ năm 2016, Công an thành phố Hà Tĩnh đã quyết liệt triển khai chuyên đề xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia. Quá trình xử lý vào thời điểm đó gặp rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ hành vi chống đối của người vi phạm, từ tác động can thiệp, “xin xỏ”.
Tuy nhiên, với phương châm “Không có vùng cấm trong việc xử lý người vi phạm”, Công an thành phố Hà Tĩnh luôn quyết liệt, kiên trì xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia, từ đó, đã góp phần chuyển biến tích cực tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Những chuyển biến tích cực
06 năm đã trôi qua, Lãnh đạo Công an thành phố Hà Tĩnh đã và đang tiếp tục quyết liệt chỉ đạo lực lượng CSGT-TT và các lực lượng nghiệp vụ khác ra quân mạnh mẽ, xử lý vi phạm, và đưa chuyên đề nồng độ cồn trở thành chuyên đề công tác thường xuyên của đơn vị. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, Công an thành phố Hà Tĩnh đã phát hiện, xử lý 4742 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, phạt tiền lên đến hơn 8 tỷ đồng.
Với nỗ lực, quyết tâm đó, tình trạng trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số trường hợp người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia, số vụ tai nạn giao thông giảm hẳn và đồng thời, ý thức của người dân khi tham gia giao thông đã được nâng cao.
Dễ dàng nhận thấy, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, lượng khách ở các nhà hàng và quán nhậu vẫn khá đông, kinh doanh hàng quán sầm uất, khác hẳn tình trạng vắng vẻ thời điểm ban đầu khi có chủ trương xử lý nồng độ cồn vào năm 2016. Khách hàng sau khi uống rượu được vợ, người đi cùng không sử dụng rượu bia chở về, có những người được nhà hàng hỗ trợ đưa về tận nhà, hoặc gọi hộ taxi… đã dần dần trở thành thói quen nên tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã giảm rõ rệt. Sự quyết liệt đấu tranh xử lý của Công an thành phố không còn là áp lực đối với người dân, mà đã giúp hình thành nên nét văn hóa đẹp đối với người tham gia giao thông trên địa bàn, đó là “Kiên quyết nói không với uống rượu bia khi lái xe”.

Để đạt được những chuyển biến tích cực trên, không phải nhờ những đợt cao điểm “ngày một ngày hai”, những đợt kiểm tra thụ động khi tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp mà là nhờ 06 năm kiên trì, bền bỉ không ngừng nghỉ của Công an thành phố Hà Tĩnh trên mặt trận tư tưởng và quyết liệt đấu tranh xử lý.
Mong rằng, sự cố gắng, nỗ lực, sự quyết liệt đấu tranh của Công an thành phố sẽ góp phần duy trì văn hóa đẹp của người dân khi tham gia giao thông và được nhân rộng tới nhiều địa phương khác, từ đó tạo môi trường giao thông an toàn, thuận lợi cho người dân.
Thời gian tới, Công an thành phố sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên việc xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, tin tưởng với sự nỗ lực, cố gắng của lực lượng Công an và ý thức chấp hành của người dân, thành phố Hà Tĩnh sẽ trở thành một địa bàn văn minh, văn hoá về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Nhật Linh