Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Kỷ niệm 69 năm ngày thương binh - liệt sĩ, đọc "Hồi ký cho con" của liệt sĩ CAND Nguyễn Thành Dũng

“Con là hoàng tử của ba, con đi học về là lại hát cho ba nghe…Ba cầu mong sao cuộc sống cứ êm đềm như thế. Dự định đến đầu năm 2003 thì sẽ sanh cho con một đứa em nữa cho vui cửa vui nhà…”. Đó là những lời hết sức giản dị, chân tình của liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng gửi cho con trai trong cuốn hồi ký.

  Liệt sỹ, Thượng úy Nguyễn Thành Dũng, Cảnh sát hình sự Công an quận 11, thành phố Hồ Chí Minh trong khi chiến đấu chống tội phạm đã bị phơi nhiễm HIV mà không hề hay biết, sau đó vô tình lây sang vợ. Trong những năm tháng cuối đời, hai vợ chồng đã nhường nhau từng viên thuốc. Tháng 12/2005, vợ anh mất. Trong những ngày cuối cùng vật lộn với nỗi đau, khi sức ngày một yếu dần, cảm nhận về một điều hệ trọng sắp đến với bản thân và gia đình, anh dành thời gian để viết Hồi ký để lại cho con trai mình là bé Nguyễn Duy Minh mới 10 tuổi. [caption id="attachment_2453" align="aligncenter" width="600"]Cuốn "Hồi ký cho con" của liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng CAND. Cuốn "Hồi ký cho con" của liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng CAND.[/caption] Ngày 13/6/2006, anh ra đi. Cuốn “Hồi ký cho con” trở thành một biểu tượng lung linh cho lòng quả cảm, kiên cường và tình yêu thương của người chiến sỹ Công an nhân dân. Đầu tháng 9/2010, cuốn hồi ký viết cho con trai của liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng trong những ngày hai vợ chồng anh chống chọi với căn bệnh thế kỷ đã được các cán bộ Bảo tàng Công an nhân dân sưu tầm và gìn giữ. Được biết: tháng 8/1994, đồng chí Nguyễn Thành Dũng nhận quyết định về công tác tại Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 11. Trung úy Nguyễn Thành Dũng bắt đầu cuộc chiến đấu cam go khốc liệt với đủ loại tội phạm. Các đồng chí chỉ huy Công an quận khi ấy nhận xét về anh rằng: “Một chiến sĩ hình sự có vóc người nhỏ con nhưng sự dũng cảm thì ngược lại…”. Anh cũng không biết mình bị lây nhiễm HIV trong trường hợp nào, anh chỉ ân hận một điều rằng: “Mình không biết sớm để tránh lây nhiễm cho vợ”. Đầu năm 2006, trong bệnh viện, khi sức khỏe của anh như ngọn đèn leo lét trước gió, anh bảo sẽ viết hồi ký để lại cho con trai anh. Con anh còn quá nhỏ, những lời dặn dò của anh bây giờ, anh sợ bé sẽ mau quên. Anh muốn ghi lại một phần đời ngăn ngủi của mình, sau này, một ngày nào đó, con anh đọc, nó sẽ tự hiểu về người cha, người mẹ của nó. “…Ngày 26/1/1995 thì đám cưới của ba và mẹ được tiến hành. Một đám cưới giản dị nhưng tràn đầy hạnh phúc. Đầu tháng 4/1995, mẹ báo tin vui cho ba biết là mẹ đã có thai, ba mừng quá ôm mẹ nâng cao và hôn nhẹ vào bụng mẹ: “Cảm ơn em, anh ước gì nó là con trai…”. Mẹ cười: “Em thì trai gái gì cũng được”. Lúc này, lương chiến sĩ cũng nghèo lắm, nhưng ba cũng cố dành dụm để lo cho con. Rồi 9 tháng cũng qua, ngày 24/1/1996, ba mừng đến rơi nước mắt khi nghe tiếng khóc chào đời của con. Cuộc sống của gia đình ta thật hạnh phúc… Con là hoàng tử của ba, con đi học về là lại hát cho ba nghe…Ba cầu mong sao cuộc sống cứ êm đềm như thế. Dự định đến đầu năm 2003 thì sẽ sanh cho con một đứa em nữa cho vui cửa vui nhà…”. Ba mẹ gặp nạn Con lớn lên trong nỗi vất vả của cả ba và mẹ. Cuộc sống cũng dần ổn định, ngoài sự nguy hiểm của công việc, ba cũng được các cơ sở quần chúng giúp đỡ, đùm bọc, chia sẻ. Đã có đêm ba về thăm con mà trên mình đầy vết thương với bông băng trắng… Công việc của ba ngày càng nguy hiểm hơn vì bọn tội phạm tinh vi và xảo quyệt. Vào tháng 10/1998, trong một lần kết hợp với Công an phường 8, quận 11 mai phục triệt phá một ổ buôn bán ma túy, ba bị tai nạn. Một tên tội phạm ma túy đã vật lộn và đâm ba, có lẽ nó đã bị bệnh HIV… Tháng 11/2000, trong khi trinh sát tại Công viên Lãnh Binh Thăng, ba bị một đối tượng dùng kim tiêm đâm lén từ phía sau rồi bỏ chạy, trời tối và đang làm nhiệm vụ, ba không đuổi theo. Về đơn vị, bác đội phó kêu ba đi chích ngừa, nhưng ba đã không đi... Tháng 4/2001, đơn vị ba kết hợp với Công an phường 8, quận 11 chấn chỉnh an ninh trật tự tại công viên Lãnh Binh Thăng. Trong lúc truy quét các đối tượng, ba vấp phải cục đá và một mũi kim tiêm vô tình rơi xuống đâm vào chân ba... Đến tháng 10 năm đó, ba vừa dành dụm vừa vay thêm mọi người một ít tiền để mua cho má con một chiếc máy giặt. Nhìn thấy má con mỗi lần giặt cả đống đồ quần áo, ba thấy má con vất vả quá... Đến giữa tháng 12-2001 thì không hiểu sao ba hay bị sốt về chiều, uống thuốc bao nhiêu cũng không hết... Nhưng ba vẫn cố sức đi làm, tham gia nhiều chuyên án lớn. Ba đâu biết rằng sự cố gắng quá sức làm ba ngày càng suy kiệt... ...Sáng thứ hai (tức 13-1 năm Nhâm Ngọ), cô y tá gọi ba lên phòng gặp bác sĩ gấp. Bác sĩ bảo ba đã bị nhiễm HIV. Ôi trời đất dường như sụp đổ dưới chân ba. Tay chân ba rụng rời nghe như sét đánh bên tai... Đến 14g ngày hôm đó, mẹ con về nhà nội vào buồng một mình nằm khóc vật vã đau đớn. Ba nhìn thấy mẹ đau thắt ruột gan khuyên mẹ nên bình tĩnh và hi vọng để còn sống nuôi con. Sáng hôm sau mẹ con dậy sớm lắm chở con đi xét nghiệm máu tại Trung tâm Truyền máu và huyết học Q.5. Ba thì nằm ở nhà rã rời chờ hi vọng kết quả xét nghiệm máu của mẹ và con... Chiều hôm đó, các bác chỉ huy ở cơ quan đến an ủi và làm chứng cho ba. Các bác bảo với mẹ con rằng ba bị lây nhiễm qua việc bơm kim tiêm của các đối tượng nghiện ma túy chứ ba không làm điều gì xấu xa cả. Đúng như vậy, ba là Đảng viên Đảng Cộng sản, ba hy sinh vì an ninh Tổ quốc và ba không có làm điều gì hổ thẹn với mẹ con, với đồng đội. Nhưng ba đã vô tình lây sang cho mẹ con... ...Nhưng một mình ba chết đi đã đành, đằng này vô tình làm khổ mẹ con. Hai ngày sau, ban chỉ huy Công an quận 11 gọi ba và mẹ lên đi xét nghiệm lại lần nữa tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Ba thật đau lòng khi biết mẹ cũng bị nhiễm HIV... ...Hai ngày sau thì kết quả xét nghiệm của con đã có. Ba và mẹ rất vui như nhẹ hẫng lên chín tầng mây khi thấy kết quả của con âm tính. ...Nhưng nỗi đau của mẹ con quá lớn. Có lúc mẹ lén lấy thuốc ngủ của nội con ra uống định chết cho xong nhưng không hiểu sao chính lúc ấy con thức giấc và khóc làm mẹ chợt tỉnh ngộ bỏ qua ý định ấy. Còn ba thì luôn bỏ ăn, bỏ uống cho đến lúc suy kiệt rồi bất tỉnh. Ngày 4-3-2002, khi tỉnh dậy thì thấy ba đang nằm ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, lại có mẹ bên cạnh nuôi ba... Mẹ an ủi ba đừng bi quan “rồi anh sẽ khỏe về với em, hai đứa mình nương tựa nhau mà sống để nuôi cọn..." [caption id="attachment_2458" align="aligncenter" width="600"]Gia đình liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng những ngày còn đầy đủ các thành viên. Gia đình liệt sỹ Nguyễn Thành Dũng những ngày còn đầy đủ các thành viên.[/caption] Ai đã từng một lần đọc cuốn hồi ký của anh đều không thể cầm lòng mình trước những điều tâm huyết tận đáy lòng của một chiến sỹ Công an nhân dân đã hết mình cống hiến cho Tổ quốc và kiên trì chống chọi với bệnh tật, làm sáng ngời phẩm chất của người chiến sĩ Công an. Ở đó, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh một người cha yêu thương con hết mực, chăm lo cho gia đình và lúc nào cũng tận tụy với công việc. Ngôn ngữ thân thiện, giản dị của cuốn hồi lý thực sự làm rung động trái tim của những ai đã từng đọc nó. 18 trang hồi ký viết mộc mạc, giản dị, chân tình và ấm áp của người cha viết cho con trai gồm các phần: Phần I có tên “Thuở hàn vi của ba”, Phần II có tên “Thuở mẹ gặp ba và có con”, Phần III có tên “Ba mẹ gặp tai nạn”. Ngoài những dòng viết cho con trai, phần cuối cuốn sổ nhỏ  có ghi chép lại một bài có tên “Cung đàn mới” (Lưu thủy hành vân) thể hiện sự lạc quan và niềm tin tưởng vào cuộc đời, vào con người trước lúc Thượng Úy Nguyễn Thành Dũng ra đi mãi mãi… Hồi ký của đồng chí Nguyễn Thành Dũng kết thúc, những ngày cuối tháng 4, anh yếu lắm rồi, dù muốn viết thêm nhiều nữa nhưng cầm bút không nổi. Người thân của anh kể lại rằng: Những ngày sắp mất, nằm trong bệnh viện, anh muốn gặp bé Minh lắm nhưng anh sợ, ngày nào anh cũng gọi điện về nhà ngoại, chỉ để hỏi bé Bi ăn cơm chưa? Thèm nghe lắm một tiếng "Ba ơi"! Nhưng gần 6 tháng ròng rã, anh nén lòng và không một lần cho bé Minh lên bệnh viện thăm mình... Ngày 13/6/2006 anh ra đi. Sáng ngày 15/6/2006, đồng đội và người thân đã đưa liệt sĩ - trung úy Nguyễn Thành Dũng về nơi an nghỉ cuối cùng. Nơi ấy là khoảnh đất nhỏ sau một ngôi chùa. Cạnh đó là mộ vợ anh, một ngôi mộ còn chưa kịp xanh cỏ. Sau 5 năm chiến đấu với bệnh tật, người trinh sát hình sự dũng cảm năm nào đã mãi mãi ra đi khi anh vừa tròn 37 tuổi. [caption id="attachment_2459" align="aligncenter" width="600"]Lãnh đạo Công an TP HCM trao bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng cho gia đình anh. Lãnh đạo Công an TP HCM trao bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng cho gia đình anh.[/caption] Nhưng đồng đội không quên anh, nhân dân không quên anh, luôn quan tâm động viên gia đình và đặc biệt là cháu Nguyễn Duy Minh phấn đấu rèn luyện học tập. Được sự quan tâm giúp đỡ và động viên của mọi người,  cháu Minh con trai của anh chị đã thi đỗ 2 trường Đại học Bách khoa TPHCM và Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện cháu đang là sinh viên Đại học Bách khoa, ngày mai sẽ dùng trí tuệ và nỗ lực của mình để góp công vào sự nghiệp phát triển đất nước. Và như vậy, Anh đã được yên nghỉ!

CATP Hà Tĩnh