Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Nỗ lực ở địa phương tổ chức một loại cụm thi

Năm 2016, phần lớn các địa phương trên cả nước đều tổ chức hai loại cụm thi. Tuy nhiên, tỉnh Hà Tĩnh là một trong số ít địa phương trên cả nước chỉ tổ chức cụm thi do trường đại học chủ trì. Mặc dù vậy, công tác tổ chức thi vẫn được thực hiện nghiêm túc, tạo nhiều thuận lợi cho các thí sinh tham dự kỳ thi.

Phổ biến quy chế thi tại điểm thi Trường THCS Phan Huy Chú (Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Anh: Hà Tĩnh chỉ lựa chọn một loại cụm thi do trường đại học chủ trì (dùng kết quả để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng) vì địa bàn tỉnh nhỏ, giao thông tương đối thuận lợi. Mặt khác, việc tổ chức một loại cụm thi sẽ đánh giá khách quan chất lượng đại trà của học sinh, buộc các nhà trường phải tổ chức dạy và học đều các môn cơ bản... Để chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện phục vụ cho kỳ thi, các ngành chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp nhịp nhàng với Trường đại học Sư phạm (ĐHSP) Huế (đơn vị chủ trì cụm thi) nhằm giảm bớt những băn khoăn, trở ngại. Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế Lê Anh Phương chia sẻ: “Đây không phải lần đầu trường được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi. Tuy nhiên, với cụm thi ở Hà Tĩnh có số lượng thí sinh đông cho nên chúng tôi cũng rất lo lắng. Thế nhưng, sau ba chuyến làm việc tại Hà Tĩnh, với sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh, sự chủ động phối hợp của Sở GD và ĐT cũng như Trường đại học Hà Tĩnh và các ban, ngành liên quan, những băn khoăn, lo lắng của chúng tôi đã được tháo gỡ. Mọi khâu chuẩn bị cho kỳ thi ở cụm thi Hà Tĩnh đã hoàn tất tốt đẹp”. Các phương án bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), chăm sóc sức khỏe, phương tiện giao thông tại các điểm thi cũng được thực hiện đúng với kế hoạch đề ra. Theo đó, Công an Hà Tĩnh đã điều động 150 cán bộ phụ trách việc bảo đảm ANTT tại các điểm thi và làm nhiệm vụ vận chuyển đề thi. Sở Giao thông vận tải bố trí 42 xe các loại phục vụ công tác vận chuyển đề thi và đưa đón cán bộ coi thi. Ngoài việc bố trí nhân viên y tế thường trực tại 27 điểm thi, trung tâm y tế tại các địa bàn nơi đặt điểm thi cũng đã sẵn sàng các ca trực, xe cứu thương để đề phòng những tình huống bất ngờ xảy ra. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho các thí sinh, trung tâm y tế dự phòng các địa phương có các điểm thi đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm bảo đảm ATVSTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các quán ăn tập thể, quán ăn vỉa hè; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ thí sinh gần các cụm thi và điểm thi. Đáng chú ý, trong số hơn 18 nghìn thí sinh toàn tỉnh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2016, có 1.068 học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn. Trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh, quyết tâm không để HS vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ thi, công tác tiếp sức mùa thi cho các em đã được các nhà trường, chính quyền địa phương quan tâm động viên cả về vật chất lẫn tinh thần. Đơn cử như huyện miền núi Hương Khê, dù còn nhiều khó khăn nhưng đã hỗ trợ 145 HS thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi em 300 nghìn đồng. Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đức Thọ) Trần Xuân Phượng chia sẻ, qua rà soát, trường có 55 HS trong diện cần được hỗ trợ, trong đó có 12 em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà trường đã trích quỹ hỗ trợ mỗi em từ 100 đến 200 nghìn đồng. Món quà nhỏ nhưng chứa đựng sự quan tâm của thầy cô, bạn bè sẽ có ý nghĩa lớn trong việc khích lệ tinh thần các em. Em Nguyễn Thị Hà, một HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Trường THPT Cẩm Bình thì cho biết: “Sự quan tâm giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các bạn học và thầy, cô giáo đã tiếp thêm nghị lực để em vượt qua kỳ thi quan trọng này”. Mặt khác, công tác chuẩn bị kỳ thi năm nay được đánh giá thành công, phải kể đến đội ngũ 600 tình nguyện viên đã phối hợp các cơ quan liên quan phân luồng giao thông, tổ chức đội tình nguyện xe ôm, tư vấn nhà trọ miễn phí... bảo đảm các thí sinh được nhận sự hỗ trợ tốt nhất. Trong đó, có hơn 1.500 hộ dân cung cấp chỗ ở miễn phí cho hơn sáu nghìn thí sinh, nhất là ưu tiên thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đúng 7 giờ 30 phút ngày 1-7, các thí sinh bắt đầu làm bài thi môn Toán. Đây là môn thi có số lượng thí sinh dự thi đông nhất, với 17.725 thí sinh. Tuy là một môn thi được đánh giá khó nhưng đề thi có tính phân hóa cao cho nên nhiều thí sinh tỏ ra khá nhẹ nhàng. Trong khi đó, một số thí sinh, nhất là những thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng lại tỏ ra khá áp lực với quy chế, đòi hỏi kiến thức kỳ thi “hai trong một”. "Mặc dù chúng em không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng, nhưng phải cùng thi với các bạn khác cho nên khi vào thi tâm lý chưa tốt, kết quả làm bài không đạt như ý muốn" - thí sinh Nguyễn Văn Đức tại điểm thi Trường THCS Phan Huy Chú (Thạch Hà) cho biết như vậy. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Anh: "Số học sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT nhưng không đăng ký thi đại học, cao đẳng sẽ không tránh khỏi những áp lực do phải thực hiện cùng lúc những đòi hỏi nghiêm ngặt về mặt kiến thức, quy chế của đợt thi đại học…”. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo cùng với những tính toán hợp lý về địa bàn, việc chỉ đạo tổ chức một cụm thi do trường đại học chủ trì tạo thuận lợi hơn trong việc đánh giá chất lượng trên một mặt bằng chung của thí sinh trên địa bàn.

CATP Hà Tĩnh