Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Nghiên cứu dấu hiệu tiền phạm tội của người chưa thành niên phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm

Trong những năm gần đây, các vụ phạm tội do người chưa thành niên gây ra có xu hướng gia tăng về số lượng và diễn biến ngày càng phức tạp.

     Theo thống kê của Tổng Cục Cảnh sát trong giai đoạn từ năm 2006-2010, trung bình hàng năm xử lý hình sự 13.200 người chưa thành niên; từ năm 2011 đến năm 2014, trung bìnhhàng năm xử lý hình sự 13.500, so với giai đoạn trước trung bình tăng 200 đối tượng/năm, hàng năm tăng 1,5%. Công tác phòng ngừa loại tội phạm này đã được quan tâm, đặc biệt Đề án 4 của Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm “Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạmtrong lứa tuổi vị thành niên” được triển khai trên toàn quốc nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là thiếu sự quan tâm nghiên cứu, vận dụng “Dấu hiệu tiền phạm tội” của người chưa thành niên, chỉ khi người chưa thành niên đã có hành vi vi phạm pháp luật cụ thể thì mới áp dụng các biện pháp phòng ngừa, khi đó đã trở thành “phòng ngừa muộn” nên khó đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, nghiên cứu và vận dụng “Dấu hiệu tiền phạm tội” của người chưa thành niên sẽ giúp “phòng ngừa sớm”, tức là kịp thời uốn nắn từ tư tưởng đến những hành động lệch chuẩn của người chưa thành niên ngay từ ban đầu, không để dẫn đến việc thực hiện hành vi trái pháp luật thì mới quan tâm phòng ngừa. Dấu hiệu tiền phạm tội được hiểu là những biểu hiện bên ngoài của người chưa thành niên, cho thấy sự báo hiệu người đó sẽ thực hiện tội phạm. Sự hình thành hành vi phạm tội cũng như tất cả các hành vi khác của con người, có sự quan hệ chặt chẽ với ý thức, với động cơ, mục đích. Qua nghiên cứu về cơ chế hình thành hành vi phạm tội cho thấy, có sự phát triển theo quy luật từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Đối với hành vi phạm tội của người chưa thành niên cũng vậy, cũng có những biểu hiện lệch chuẩn về tư tưởng và hành vi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp: Từ những lệch chuẩn đơn giản (chuẩn mực đạo đức, văn hóa, kỷ luật.) không được quan tâm uốn nắn kịp thời sẽ phát triển thành những hành vi lệch chuẩncao hơn và cuối cùng là hành vi phạm tội. Biểu hiện của những dấu hiệu tiền phạm tội có thể được phát hiện từ nhiều phía như cha mẹ, anh chị em trong gia đình, hàng xóm láng giềng, bạn bè, cô giáo, công an cơ sở. song các chủ thể phát hiện dấu hiệu tiền phạm tội lại thiếu sự quan tâm, thiếu đi trách nhiệm trong việc uốn nắn những hành vi sai lệch nhỏ, dẫn đến sai lệch đó cứ lớn dần và một lúc nào đó hành vi ấy đã vượt qua khỏi các giới hạn chuẩn mực của đạo đức, văn hóa, truyền thống. đó là hành vi phạm tội. Qua nghiên cứu thông tin của 5.142 người chưa thành niên phạm tội cho thấy, các biểu hiện của người chưa thành niên trước khi phạm tội: -  Người chưa thành niên bỏ học chiếm 24%, trong đó, bỏ học ở bậc tiểu học 5%, bậc trung học cơ sở là 12% và trung học phổ thông là 7%. Khảo sát trong số các em đã học đến lớp 10 (tương đương 16 tuổi, các em đi học đúng tuổi) cho thấy về hạnh kiểm: Tốt chiếm 23,79%; khá chiếm 39,09%; trung bình chiếm 27,9% và yếu chiếm 9,22%. Về học lực: Giỏi chiếm 0,66%; khá chiếm 31,93%; trung bình chiếm 55,31% và yếu chiếm 12,1%. Quá trình học có 31% bị lưu ban, có 3,5% trường hợp lưu ban đến 3 lần và sau đó tự bỏ học. Về việc tham gia các hoạt động xãhội của cộng đồng chỉ có 27,24% các em tham gia. Trong đó, tham gia tích cực chiếm 2,72%; thường tham gia chiếm 8,31%; thỉnh thoảng tham gia chiếm 16,21%. Các hoạt động xã hội chủ yếu là thể thao, văn hóa, văn nghệ, tham gia, mùa hè xanh. - Về việc sử dụng các chất kích thích: Nhìn chung, người chưa thành niên có nhu cầu về việc sử dụng các chất kích thích như: Hút thuốc, uống rượu và sử dụng ma túy. Qua nghiên cứu khảo sát cho thấy: 61% các em có hút thuốc lá, dưới 16 tuổi chiếm 22%, từ 16 tuổi trở lên chiếm 39%. Về sử dụng ma túy: 9,56% em có sử dụng, trong đó nghiện ma túy chiếm 6,02%; thỉnh thoảng sử dụng chiếm 2,8%; ít khi sử dụng chiếm 0,74%. Kết quả khảo sát cho thấy các đối tượng này, phần lớn phạm tội liên quan đến ma túy.Bỏ nhà đi với bạn bè, đi bụi chiếm 28%, thỉnh thoảng bỏ nhà đi chiếm 7%; 96,7% các em kết bạn với thành phần bất hảo, đặc biệt các đối tượng lớn tuổi hơn, vì vậy khả năng bị lôi kéo vào con đường phạm tội là rất cao.Có biểu hiện hỗn láo với cha mẹ, ông bà, những người lớn tuổi 87,62%; hỗn láo với thầy cô giáo, chiếm 45,23%.Tham gia đánh nhau chiếm 72%; chơi game 61%, trong đó: 38% chơi thường xuyên; đã bị xử lý hành chính chiếm 37,62%; Như vậy, với các nhóm thông tin trên cho thấy trước khi người chưa thành niên phạm tội, đã có những biểu hiện ởmột số nhóm hành vi nhất định, nếu ở trong điều kiện “thuận lợi” nào đó hành vi phạm tội sẽ trở thành hiện thực.       Trên cơ sở nghiên cứu những biểu hiện này, gia đình, nhà trường, ngành Công an và chính quyền cần có sự phối hợp để chủ động nắm bắt, sớm phát hiện những “dấu hiệu tiền phạm tội” của người chưa thành niên để cùng phối hợp uốn nắn, giáo dục kịp thời. Ở độ tuổi này, các em chưa đủ chín chắn để nhận thức hành vi sai lệch của mình, vừa lại muốn biểu hiện cái tôi cá nhân, vừa muốn mở rộng quan hệ bè bạn, nên rất dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo. Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, các mạng xã hội mở ra những điều kiện giao tiếp, kết bạn mà người chưa thành niên không đủ khả năng phân biệt bạn xấu, bạn tốt, dẫn đến bị lôi kéo vào các nhóm lệch chuẩn, thậm chí bị lợi dụng mà không biết. Bên cạnh đó, game online đã cuốn hút người chưa thành niên chơi một cách không kiểm soát như bỏ học, trốn học để chơi game, xin tiền không cho thì tìm cách trộm cắp, trộm cắp không được thì đi cướp tài sản, giết cướp. Đặc biệt, một số em bị các đối tượng ma túy “khuyến mãi hàng” để sử dụng, khi nghiện thì phải mua, để có tiền đã trở thành đối tượng bán lẻ ma túy, thậm chí khi cần tiền mua thuốc có thể làm bất cứ điều gì, bất chấp pháp luật, luân lí, đạo đức. Đó là con đường chuyển biến từ dấu hiện tiền phạm tội đến phạm tội. Qua nghiên cứu “dấu hiệu tiền phạmtội” của người chưa thành niên cho thấy, phát hiện sớm các “dấu hiện tiền phạm tội” của người chưa thành niên là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, chính quyền, ngành Công an và của toàn xã hội. Từ việc sớm phát hiện để có biện pháp vận dụng ngăn chặn, phòng ngừa. Cụ thể: - Về phía gia đình: Được xem là tế bào của xã hội, là điểm mốc xuất phát đầu tiên trong việc hình thành nhân trách của con người. Những người lớn trong gia đình đều phải có trách nhiệm quan tâm, thương yêu, chăm sóc đối với thế hệ sau, đặc biệt đối với các em ở độ tuổi chưa thành niên đang trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách mạnh mẽ. Tất cả người lớn đều có mục đích tốt, nhưng không phải ai cũng có phương pháp tốt. Ông bà, cha mẹ, cô, bác, chú, gì, cậu, mợ, anh chị nào chẳng muốn cháu, con, em mình ngoan ngoãn, học giỏi là người có ích cho xã hội, thế nhưng xã hội vẫn có những đứa trẻ hư, trong đó có những “dấu hiệu tiền phạm tội” của người chưa thành niên. Chẳng hạn, tình thương đặt không đúng cách có thể trở thành tội ác, cha mẹ chỉ lo đi kiếm tiền vì sợ con mình thua thiệt với bè bạn nhưng không biết con dùng tiền để làm gì, một ngày nào đó phát hiện con mình đã nghiện ma túy. lúc đó thì đã quá muộn. Các bậc cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ, thường xuyên nói chuyện để hiểu được con,thấy được những suy nghĩ, thậm chí là những vấn đề nảy sinh về tâm sinh lý, về nhận thứcxã hội, quan hệ xã hội. Đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu: Xin tiền thường xuyên; đòi sở hữu phương tiện giao thông riêng, khó chịu khi người lớn đưa đón; đi học về không đúng giờ; thường xuyên xin đi đâu đó nhưng không rõ lý do và không rõ đi với ai; ngoài bạn học cùng lớp, cùng trường còn có thêm nhiều bạn mà gia đình không rõ; nói dối có hệ thống; có biểu hiện hỗn láo với người lớn trong gia đình; thiếu sự quan tâm và trách nhiệm đối với người khác trong gia đình; thường xuyên chơi game qua máy tính, điện thoại di động, hoặc trốn ra ngoài các tiệm internet; không muốn người lớn kiểm soát điện thoại di động của mình; có sự phàn nàn của thầy cô giáo về hạnh kiểm và học lực ở nhà trường; sự than phiền, đánh giá của hàng xóm làng giềng; đã từng bị Công an xã, phường, thị trấn nhắc nhở, răn đe. Để phát hiện được những dấu hiệu này, những người trong gia đình phải quan tâm, sâu sát, tuy nhiên không phải kiểm soát một cách máy móc, tạo ra sự mặc cảm cho các em, mà quan tâm thể hiện qua sự gần gũi, cảm thông, chia sẻ đặc biệt trong mối quan hệ tình thương và trách nhiệm với nhau. - Về phía nhà trường: Được xem là môi trường kế tiếp sau gia đình, nhà trường là môi trường giáo dục cho con người nói chung, là người chưa thành niên nói riêng. Đối với người chưa thành niên môi trường này có tác động mạnh mẽ, do ở tuổi này là giai đoạn có sự chuyển biến nhanh và phát triển mạnh mẽ của nhân cách con người. Ngoài sự tương tác giữa quan hệ thầy - trò còn có quan hệ bạn bè, hình thành mối quan hệ của các em trong từng nhóm, khởi đầu cho các mối quan hệ xã hội của con người. Với sự tương tác đó, thầy cô giáo là những người trực tiếp thực hiện trách nhiệm dạy chữ, dạy người, giám sát, uốn nắn những sai lệch của các em, trực tiếp phát hiện các dấu hiệu tiền phạm tội của người chưa thành niên. Chú ý trước hết vào các em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như mồ côi cả cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ, cha mẹ ly hôn, ly thân, ở cùng cha hoặc mẹ, ở trong gia đình cha mẹ thường xuyên cãi vã, gia đình bất hòa, không sống với cha mẹ, trong gia đình có người nghiện ma túy, cờ bạc, rượu chè. Mặc dù đây là hoàn cảnh gia đình nhưng nó tác động mạnh đến các em qua hành vi ứng xử ở nhà trường. Những dấu hiệu tiền phạm tội của người chưa thành niên khi bộc lộ ở nhà trường chủ yếu tập trung vào những lệch lạc về đạo đức, vi phạm kỷ luật trong nhà trường như: Hỗn láo với thầy cô giáo, thường xuyên nói tục, chửi thề, gây gổ đánh nhau, đi học trễ, bỏ học, bị lưu ban, hút thuốc lá, trốn học chơi game, trộm cắp vặt, có học lực và hạnh kiểm yếu, không tham gia hoặc tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể kém tích cực, kết bạn với học sinh cá biệt hoặc kết bạn với các thành phần bất hảo ở ngoài xã hội, đã từng bị nhà trường kiểm điểm, xử lý kỷ luật. Khi phát hiện các dấu hiệu trên, trực tiếp các thầy cô giáo phải sớm chủđộng trao đổi với phụ huynh để phụ huynh và thầy cô kịp thời tác động, uốn nắn. Đồng thời thầy cô giáo chủ động áp dụng các phương pháp giáo dục tích cực, gần gũi tạo sự thân thiện chia sẻ, cảm thông, qua đó sớm nắm bắt những chuyển biến tiến bộ hay không qua từng tuần, từng tháng, từng quý, từng học kỳ vả cả năm học. Nếu phát hiện có chiều hướng xấu cần phải thông tin kịp thời với gia đình và công an cơ sở để có các biện pháp phòng ngừa kịp thời. -  Đối với các đoàn thể xã hội như Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội nghề nghiệp mà trực tiếp là các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Thanh niên, Hội nông dân, Hội người Cao tuổi. tại địa phương, thông qua hoạt động của từng thành viên để kịp thời nắm bắt các thông tin về “dấu hiệu tiền phạm tội” của người chưa thành niên; thông qua hoạt động và quan hệ phối hợp với các chủ thể khác góp phần tham gia quản lý, giáo dục người chưa thành niên có “dấu hiệu tiền phạm tội”, góp phần phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Đối với ngành Công an, đặc biệt là công an cơ sở (Công an xã, phường thị trấn) thông qua công tác nắm tình hình chủ động phát hiện các trường hợp người chưa thành niên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, thông qua gia đình của người chưa thành niên, hàng xóm, qua thông tin dư luận phát hiện các dấu hiệu như: Thường xuyên đi về khuya, khôngvâng lời hỗn láo với cha mẹ, những người lớn tuổi trong khu vực sinh sống, thường xuyên tụ tập với các thành phần bất hảo, những người có tiền án, tiền sự, đối tượng trong diện quản lý của ngành Công an, thái độ coi thường người khác, coi thường pháp luật (điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, nẹt pô xe gây ồn ào; gây rối trật tự công cộng; đánh nhau.); sử dụng chất có cồn, say rượu quậy phá gây mất trật tự công cộng; có nguồn tin về người chưa thành niên nghiện ma túy. Công an cơ sở chủ động nắm các dấu hiệu trên, ngoài các biện pháp vận động, giáo dục cá biệt cần phải tích lũy thông tin, lập hồ sơ đưa vào các diện quản lý theo quy định (diện trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em có nguy cơ vi phạm pháp luật; giáo dục tại xã, phường, thị trấn.), đặc biệt chú ý đến hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên. Với chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự, tổ chức công tác phòng chống tội phạm ở địa bàn xã, phường, thị trấn, Công an cơ sở cần nắm các thông tin về dấu hiệu tiền phạm tội của người chưa thành niên phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Tóm lại, nghiên cứu “dấu hiệu tiền phạm tội” của người chưa thành niên đóng vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Trong những năm qua, dù đã triển khai nhiều chương trình, biện pháp trong phòng ngừa tội phạm dongười chưa thành niên gây ra song kết quả vẫn còn hạn chế, một phần do chỉ tập trung vào các nhóm người chưa thành niên đã có vi phạm hành chính, đến giai đoạn này có thể gọi là “muộn” trong hoạt động phòng ngừa. Vì vậy, trong thời gian tới, vấn đề phát hiện sớm các dấu hiệu tiền phạm tội của người chưa thành niên cần phải được tiếp tục nghiên cứu, xác định những dấu hiệu điển hình để phổ biến, triển khai cho các chủ thể tham gia phòng ngừa. Từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất cho công tác phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra, chuyển từ phòng ngừa “muộn” sang phòng ngừa “sớm”. Trong thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm do người chưa thành niên gây ra tiếp tục gia tăng, yêu cầu cần triển khai có hiệu quả Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội hiệu quả, đặc biệt Chỉ thị 46-CT/TW của Bộ Chính trị. Hy vọng, những nội dung chia sẻ trên tiếp tục được sự quan tâm của các nhà chuyên môn, của các đồng nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra ở nước ta trong thời gian tới.
Tác giả bài viết: TS. Trần Chiến Thắng - Phó trưởng Khoa Cảnh sát vũ trang, Trường Đại học CSND Nguồn tin: Bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí KHGD CSND số 73

CATP Hà Tĩnh