Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Philippines tăng sức mạnh quân sự

Philippines đã quyết định gia tăng mạnh mẽ đầu tư cho quốc phòng trong bối cảnh hậu phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện của nước này đối với Trung Quốc về Biển Đông.

[caption id="" align="aligncenter" width="480"] Tàu khu trục Del Pilar Philippines mua của Mỹ dẫn đầu một nhóm tàu hải quân tuần tra trên biển.[/caption] Hãng tin Reuters ngày 5-9 dẫn những tài liệu nội bộ của Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, Philippines sẽ đề xuất tăng 14% chi tiêu quốc phòng vào năm 2017 so với năm 2016 này. Việc tăng mạnh chi tiêu quốc phòng này nhằm nâng cao năng lực chống các tay súng quân Hồi giáo cực đoan chống đối và nhất là tăng cường năng lực của lực lượng vũ trang Philippines để đảm đương nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh trên các vùng biển thuộc quyền nước này ở Biển Đông. Theo tài liệu Bộ Quốc phòng Philippines, nước này sẽ dành khoảng 130 tỷ peso (2,8 tỷ USD), tương đương 96% ngân sách quốc phòng được đề xuất trong năm tới, để cấp cho các lực lượng vũ trang của Philippines. Trong đó, phần lớn là  để tiến hành hiện đại hóa quân đội, nhất là lực lượng hải quân và không quân, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền gia tăng, bất chấp việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12-7  ra phán quyết có lợi trong vụ kiện đối với Trung Quốc về Biển Đông. Nếu được Quốc hội thông qua, năm 2017 sẽ tiếp tục là năm mà Philippines gia tăng mạnh mẽ việc đầu tư cho quốc phòng. Quá trình này bắt đầu từ năm 2013 - năm đầu tiên Philippines tăng ngân sách quân sự sau khi Trung Quốc cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough, xua đuổi ngư dân khỏi ngư trường truyền thống cách bờ biển Philippines khoảng 220 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 850 km. Ngân sách quốc phòng Philippines năm 2016 hiện nay đã cao hơn 25% so với năm 2015 và nhiều hơn gấp 5 lần so với năm 2013. Nguồn ngân sách gia tăng hàng năm chủ yếu được sử dụng để mua các tàu khu trục và máy bay tuần tra cho hải quân. Mới đây nhất, hồi cuối tháng 7 vừa qua, hải quân Philippines đã nhận bàn giao tàu khu trục lớp Del Pilar thứ ba (DPCF). Quân đội Philippines cũng đã mua 12 máy bay phản lực FA-50PH của Hàn Quốc nhưng tích thêm tên lửa đối không AIM-9 Sidewinder, bom và rocket của Mỹ để biến thành loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ hàng đầu thế giới hiện nay. Cùng với việc quan tâm tới “sát thủ săn ngầm” P-3C Orion từ Nhật Bản, có thông tin cho biết Philippines đã lên kế hoạch mua 2 chiếc tàu ngầm Type 212 của Đức. Tuy được đầu tư mạnh mẽ song với xuất phát điểm quá thấp và quá lạc hậu thì sức mạnh quân sự của Philippines vẫn quá nhỏ bé so với Trung Quốc, nước có chi phí quân sự tới 356 tỷ USD trong ngân sách năm 2016, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở ở London (Anh). Chính sức mạnh vượt trội hoàn toàn đó của Trung Quốc đã khiến Philippines lo ngại Bắc Kinh chẳng thèm để ý tới phán quyết của PCA, tiếp tục tiến hành bồi đắp bãi cạn Scarborough sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu của Trung Quốc (tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn nguồn tin giấu tên từ Trung Quốc cho biết). Tuy nhiên, dù sao phán quyết của PCA cũng mang lại lợi thế không nhỏ cho Philippines trong tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc. Lợi thế đó, cùng với việc gia tăng thêm khả năng răn đe quân sự sẽ rất hữu ích cho Manila trong việc bảo vệ những lợi ích cốt lõi và sống còn của mình trên Biển Đông.

CATP Hà Tĩnh